(Dân trí) - Hai viên đạn trong xương đùi trái từ năm 1973 thường xuyên hành người cựu chiến binh Trang Hồng Châu, với những cơn đau đớn tận cùng.
Suýt chết ngay trước ngày ký Hiệp định Paris
"Thằng Châu! Thằng Châu, chắc hắn không qua khỏi!", tiếng đồng đội réo rắt lẫn vẫn với tiếng súng, tiếng bom đạn. Máu chảy lênh láng... Ông chỉ nhớ được như vậy, rồi lịm đi. Khi ông tỉnh dậy, đã qua ngày hôm sau. Suốt đêm, giữa bom đạn, đồng đội đưa ông từ chiến trường về quân y cách hàng chục cây số.
Người cựu chiến binh Trang Hồng Châu nhớ như in. Đó là trận đánh ngay nơi mảnh đất quê hương nơi ông sinh ra ở Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Vào thời khắc hết sức quan trọng: Ngày 26/1/1973 - ngay trước ngày ký hiệp định Paris (27/1/1973) - với nhiệm vụ giữ từng tấc đất.
Nguyên một băng đạn AR 15 của địch bắn thẳng vào chân trái anh lính trẻ 19 tuổi vừa được kết nạp Đảng.
"Hôm đó, địch quần dữ dội. Tôi được đưa về đến hầm quân y, tất cả vẫn phải trú vào hầm, chưa thể phẫu thuật ngay được. Các lần mổ sau đó, khi đang mổ lại phải ngưng vì giặc quần, vì bom đạn. Tôi trải qua 15 lần mổ và không nghĩ mình có thể qua khỏi", ông Châu nhớ lại.
Bị thương, mất gần một năm, ông mới có thể tập tành những bước đi đầu tiên. Khi 20 tuổi, ông đã trở thành thương binh với chân trái bị thương thật vĩnh viễn. Hòa bình lập lại, người thương binh trẻ thủa ấy bước khỏi cuộc chiến với hai viên đạn còn nằm trong đùi trái cho tới bây giờ.
Ông tham gia cách mạng vào năm 1968, khi mới 14 tuổi ở đội liên lạc bí mật. Hai năm sau, bị lộ, chàng trai trẻ cách ly với gia đình, dừng việc học để lên đường nhập ngũ.
Tuổi trẻ, với bao nhiêu dự định phía trước, trong chốc mắt trở thành người thương tật, lúc đó nói không đau khổ, suy sụp là dối lòng. Những khi nhấc chân không được, chàng thanh niên không ngăn được những giọt nước mắt.
Nhưng rồi, ông nhìn đồng đội quanh mình, ai rời cuộc chiến cũng mang một dấu ấn riêng. Người không còn tay, còn chân, không còn đôi mắt... Và còn biết bao nhiêu người, cơ hội để trở về cũng không không còn.
Ông khóc! Khóc cho nỗi đau của đồng đội! Khóc để gạt đi nỗi đau của mình!
Học và làm không ngơi nghỉ
Thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61% nhưng ông Châu thấy mình may mắn được trải qua thời chiến để hiểu giái trị của hòa bình. Và ông nhắc mình, không để lãng phí một giây phút của cuộc sống.
Năm 1975, ông được Trung ương cục điều về TPHCM, tiếp quản Quận 5. Từng giai đoạn, ông trải giao qua nhiều vị trí như Cửa hàng trưởng Cửa hàng thực phẩm, Phó GĐ Công ty thương nghiệp Q.5, Phó GĐ Công ty xuất nhập khẩu Cholimex.
Đến năm 1993, ông chuyển sang làm Giám đốc Công ty dược Chợ Lớn.
Với ông, đã nhận công việc nào thì phải làm cho ra ngô ra khoai công việc đó. Vào cách mạng từ sớm, nghỉ học từ năm lớp 8 nên việc đầu tiên sau khi nhận nhiệm vụ là... ông đi học.
Ngày đi làm, tối đến là ông cắp sách đến lớp, không học ở lớp thì lại mày mò tự học. Ông học về kinh tế, về chính trị, sau này, khi 40 tuổi, làm về dược thì ông lại tiếp tục theo học nghề thầy thuốc. Người thương binh ấy có 3 tấm bằng: Cử nhân kinh tế, Cử nhân chính trị, Lương y đa khoa.
Học không phải để lấy bằng, mà với ông, học phải để áp dụng vào cuộc sống, công việc. Ông còn tự mày mò đăng ký đi học các lớp tin học cơ bản.
"Ở thời chiến, mình có sức trẻ, có lý tưởng, có huyết. Xây dựng đất nước ở thời bình, còn đòi hỏi phải có hiểu biết, phải có kiến thức khoa học", cựu chiến binh già tâm sự.
Học những điều giản dị theo tấm gương của Bác Hồ, ông Châu tự nhắc mình, làm gì cũng phải có chuyên môn và giữ được phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Nặng lòng với đồng đội ở cả "nghĩa tử"
Năm 2005, ông Châu về hưu. Với ông, về hưu không phải là nghỉ mà là lúc có thêm thời gian để làm những việc bản thân ấp ủ, dự định. Với sự nhiệt huyết, làm đâu ra đó, dân vận khéo, ông lại tiếp tục là người dẫn đường với vai trò Chủ tịch Hội cựu chiến binh Phường 6, Quận 8 và Chủ tịch Hội đông y Quận 8.
Tham gia Hội Cựu chiến binh, ông xác định phải làm sao cho Hội hoạt động thực chất, hiệu quả với tinh thần hỗ trợ đồng đội, chứ không phải là phong trào, hình thức với rất nhiều đổi mới.
Ông được gọi là người Cựu chiến binh của những sáng kiến khi đưa ra rất nhiều sáng kiến trong hoạt động Hội cựu chiến binh được đánh giá cao như Sáng kiến đổi mới phương pháp sinh hoạt Chi hội; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phòng trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"; ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập Gruop "Nhóm Trung Hiếu"...
Hội Cựu chiến binh Phường 6 nơi ông Châu làm Chủ tịch "lột xác" từ đơn vị trung bình vươn lên đơn vị xuất sắc, dẫn đầu của phong trào yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" và đạt thành tích xuất sắc về "Dân vận khéo".
Ông còn lập ra quỹ Nghĩa tình Đồng đội, mỗi người đóng góp theo sức của mình, kêu gọi thêm các nguồn hỗ trợ. Để khi đồng đội ốm đau, gia đình có việc hay ngày lễ tết, có món quà động viên qua lại, anh em thấy ấm cúng hơn.
Và còn một điều, ở tuổi này, nhất là các cựu chiến binh, dù bước qua bom đạn khói lửa nhưng rất ngại ngần khi nhắc đến: Cái chết!
Ông Châu không né tránh điều này, năm nào trong Hội cũng vài anh em từ biệt nhân gian về với ông bà. Có không ít cựu chiến binh rời cuộc chiến với thương tật trên người, không thể lập gia đình, không con cái, người thân; rồi nhiều người con cháu ở xa, cũng cảnh về già neo đơn côi cút.
Quỹ nghĩa tình ông Châu lập ra, không chỉ chia sẻ với anh em lúc sống mà còn để lo cho "nghĩa tử", lo cho đồng đội khi họ về thế giới bên kia. Nhiều cựu chiến binh, xét theo tiêu chuẩn không đủ để làm truy điệu theo nghi lễ. Ông Châu đề xuất chính các đồng đội sẽ ở cạnh, tiễn người đi - nghi lễ của tình đồng chí. Nhiều người, cả một đời sống với tình đồng đội, khi mất họ cũng mong ra đi trong tiễn đưa của đồng đội.
Mới đây thôi, người cựu chiến binh Đồng Thành Tích, sinh năm 1933, tham gia kháng chiến chống Pháp qua đời. Vợ mất sớm, con cái ở xa, khi ông mất chỉ cô gái kịp về. Ngay trong đêm, Châu cùng các hội viện đã liên hệ với Nhà tang lễ thành phố, để có thể tiễn đưa người đồng đội một cách trang trọn và ấm áp nhất.
Vị lương y vì người khó khăn
Là cựu chiến binh, ông cũng không quên mình là một thầy thuốc. Khi về hưu, ông Châu mở một cửa hàng bán thuốc đông y tại nhà. Ở đây, ông gặp rất nhiều bà con bị bệnh đến mua thuốc, cầm 10.000 - 20.000 đồng cũng rụt ra rụt vào, phải đắn đo rất lâu.
Ông liền bàn với vợ, cũng là một dược sĩ, mở khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con ngay tại nhà sáng mỗi sáng chủ nhật. Nhiều năm liền, ngôi nhà của ông ở khu dân cư Bình Hưng, Bình Chánh, Q.8, TPHCM trở thành nơi quen thuộc khám, phát thuốc miễn phí.
Nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất lớn, ông đề xuất mở Phòng khám chữ bệnh thiện nguyện miễn phí hoàn toàn ở Hội Đông Y Quận 8 để tăng quy mô và sự chuyên nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi ngày chủ nhật có từ 50 - 70 người đến được khám bệnh, phát thuốc miễn phí.
Chưa dừng lại ở đó, gặp nhiều người bệnh từ các tỉnh lcũng ặn lội tìm đến khám bệnh, lại thôi thúc người chiến binh già "lên đường". Ông vận động Hội Đông y quận tổ chức đi khám chữa bệnh miễn phí tại các địa phương ở vùng sâu vùng xa để nhiều người dân được tiếp cận.
Họ đi vận động các hãng dược, các mạnh thường quân cùng chung của, chung sức đi khắp các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, Nam Trung Bộ... khám bệnh, phát thuốc cho hàng chục ngàn người.
Ông nhớ mãi, có những lần đoàn đi khám ở Bến Tre, Vĩnh Long, khi đã lên xe chuẩn bị về thì nhiều bà con kéo đến. Ông hỏi thì được biết, họ có bệnh nhưng không nằm trong danh sách được khám chữa bệnh của địa phương lập ra. Không nghĩ ngợi nhiều, ông với đồng nghiệp dọn đồ đạc xuống xe, ở lại khám cho bà con ngay tại chỗ, khám hết mới về.
Từ năm 2015-2020, ông cùng các hội viên ở Hội đông y Quận 8 đã kêu gọi ủng hộ được hơn 9,5 tỷ đồng kinh phí để tổ chức khám chữ bệnh nhân đạo cùng tặng quà cho hơn 53.000 lượt người khó khăn ở quận 8, một số quận khác ở TPHCM và nhiều địa phương vùng sâu vùng xa khác.
Vị cựu chiến binh già chia sẻ, ông sẽ tiếp tục công việc của mình khi nào còn sức. Dù lâu lâu, hai viên đạn trong đùi lại hành ông đau đớn tận cùng, phải vào viện điều trị. Nhưng vết nhức chiến tranh mang theo người cũng nhắc ông, phải sống xứng đáng với cuộc đời.
Từ năm 2015 đến nay, ông nhận được 11 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm (2019); nhiều năm liền nhận được bằng Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM; Bằng khen của Hội Cựu chiến Binh TPHCM; Bằng khen của Thành ủy TPHCM 2015.
"Với tôi, những tấm Bằng khen là để thấy ở giai đoạn nào, thời chiến hay thời bình, mình cũng sống hết lòng, hết mình với người, với đời như một cách trả ơn", ông nghẹn ngào.
Hoài Nam - Phạm Nguyễn