Chính sách mới về đào tạo lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc
(Dân trí) - Hơn 500 người dự "Ngày lao động Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2023" sáng 10/12, sự kiện gắn kết lao động Việt trong một năm ghi dấu mốc đặc biệt, số lượng lao động sang Hàn vượt 13.000 người.
Quyết tâm không trốn ở lại, ra ngoài làm "chui"
Đôi vợ chồng quê Phú Thọ đưa con nhỏ đến ngày hội lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã ở xứ sở Kim Chi được 8 năm. Ban đầu, người chồng đi lao động tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, diện visa E9 (thị thực dành cho người lao động nước ngoài làm việc theo hiệp định Hàn Quốc ký với một số nước, trong đó có Việt Nam), người vợ đi du học, ngành ngôn ngữ Hàn Quốc. Cặp đôi kết hôn và sinh con tại nước bạn.
Học xong, có con, người vợ ở nhà chăm cậu con trai nay đã gần 2 tuổi. Người chồng trở thành một lao động kỹ thuật, được gia hạn visa, thành diện thị thực cư trú nhưng vẫn giới hạn nhiều điều kiện như chỉ được làm việc tại xưởng. Hiện anh là thợ kỹ thuật, chuyên thiết kế phần mềm làm các sản phẩm khuôn đúc, tiện nguội, thu nhập đủ để lo cho cả gia đình.
"Nếu ở Việt Nam tôi chắc hẳn không có được công việc với mức thu nhập cao như vậy. Dù bây giờ khá ổn định nhưng vợ chồng tôi vẫn xác định sẽ về nước khi chuẩn bị đủ các điều kiện thích hợp. Cuộc sống của những lao động như chúng tôi ở đây, mỗi ngày 12 giờ làm việc ở nhà máy, đi làm rồi về nhà ngủ thôi. Công việc vất vả mới có tiền", nam lao động khẳng định nhất quyết không bỏ ra ngoài làm "chui", dù mỗi năm đều phải chật vật với việc xin gia hạn visa, vì cuộc sống, tương lai lâu dài.
Niềm vui với đôi vợ chồng, với gia đình nhỏ là vẫn được sống giữa cộng đồng rất nhiều người Việt là lao động trong khu công nghiệp Ansan. Vấn đề băn khoăn với nhiều lao động sau khi trở về nước chính là công việc.
Theo số liệu thống kê vào cuối tháng 10 năm 2020, thành phố Ansan có 51.000 người, thành phố Hwaseong có 43.000 người và thành phố Siheung có 36.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc, trong đó cao nhất là Trung Quốc, thứ hai là Việt Nam. Tính chung trong số 2,5 triệu người nước ngoài tại Hàn Quốc có 280.000 người Việt.
Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của vợ chồng anh Lê Văn Huy, chủ quán bún chả "Hương vị quê" tại thành phố Siheung là sơ chế nguyên liệu để làm các món ăn Việt của quán mình. Anh Huy đến Hàn Quốc từ năm 2009, theo visa E9 và làm việc tại một xưởng sản xuất, chế tạo ô tô.
Sau 12 năm lăn lộn nơi xứ người, vợ chồng anh Huy đã mở được một quán bún chả Hà Nội tại đất nước Hàn Quốc xa xôi. Những món ăn Việt được hưởng ứng rất tốt. Sau 2 năm, khách hàng đến với quán bún chả Việt ngày càng đông.
Đây trở thành một trong những quán ăn nổi tiếng ở thành phố Siheung, cũng là nơi tập trung của người Việt trong khu vực. Vợ chồng anh Huy luôn cố gắng hỗ trợ những người đồng hương mới sang để mỗi người đỡ đi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu vì những bất đồng văn hóa, ngôn ngữ.
Anh Huy hiện đã được nhập quốc tịch Hàn Quốc, vợ có visa F6 (thị thực dành cho công dân nước ngoài đã làm thủ tục kết hôn với người Hàn Quốc theo đúng quy định pháp luật và có ý định sinh sống ở Hàn Quốc).
Tại Ngày lao động Việt Nam tại Hàn Quốc năm nay, anh Lê Anh Huy được nhận quà, hoa chúc mừng từ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan.
Chính sách mới về đào tạo là cơ hội với lao động EPS
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam, nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập tốt, nâng cao trình độ tay nghề, tác phong chuyên nghiệp cho lao động. Từ đó, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trở về xây dựng đất nước, đồng thời, hợp tác về lao động sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài đi vào chiều sâu, thực chất giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Hàn Quốc.
Hợp tác trên lĩnh vực lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều phương diện. Con số hơn 250.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc và khoảng 200.000 người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam thể hiện rõ điều đó.
Thực tế, từ năm 2004 đã có gần 130.000 lượt lao động theo Chương trình EPS sang Hàn Quốc với visa E9, cùng hàng nghìn lao động tay nghề cao được cấp visa E7, lao động thời vụ visa E8. Ngược lại, có khoảng 17.000 người lao động Hàn Quốc được cấp phép làm việc tại Việt Nam hàng năm. 2 năm qua, số lượng lao động EPS nhập cảnh Hàn Quốc mỗi năm đều hơn 10.000 người.
Đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố Siheung nói riêng và tỉnh Gyeonggi nói chung đối với hơn 44.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên địa bàn, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng ghi nhận sự hỗ trợ hữu ích, kịp thời của Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài thành phố Siheung đối với người lao động Việt Nam.
Trò chuyện với một du học sinh Việt Nam đang vừa học vừa làm tại Trường Cao đẳng khoa học - kỹ thuật Gyeonggi, đã được cấp thị thực làm việc lâu dài, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh thêm về chính sách mới của Hàn Quốc về chương trình đào tạo vừa học vừa làm dành cho lao động EPS, giúp người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, có bằng cấp để có thể chuyển đổi visa trình độ cao.
Biểu dương những lao động chấp hành tốt hợp đồng, tuân thủ pháp luật, về nước đúng thời hạn, đặc biệt là những lao động nỗ lực phấn đấu, tái nhập cảnh Hàn Quốc và khởi nghiệp thành công tại nước bạn, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, đó là cách tốt nhất để giữ vững thị trường lao động này.
"Chính sách mới về đào tạo dành cho lao động EPS là cơ hội tốt để học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động tại Hàn Quốc và khi quay về Việt Nam. Anh chị em hãy cố gắng làm việc, trau dồi kỹ năng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước, phát huy kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được tại Hàn Quốc để phát triển sự nghiệp, góp phần xây dựng đất nước", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.