PhotoStory

Canh cánh nỗi lo "dưa ăn bò, gặm sổ đỏ"

Thực hiện: Quốc Triều

(Dân trí) - Hàng chục năm du canh theo những mùa dưa, người nông dân Quảng Ngãi vẫn canh cánh nỗi lo được mùa, mất giá. Những năm bán bò, bán đất để trồng dưa mà thất bát, họ than thở "dưa ăn bò, gặm sổ đỏ".

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 1

Mùa sông cạn, người dân Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu cuộc sống du canh. Từ tháng 3 đến tháng 7, họ thuê đất trên bãi bồi sông Trà (TP Quảng Ngãi) trồng dưa. Những tháng cuối năm, họ lại ngược lên vùng đất đỏ Tây Nguyên. 

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 2

Anh Lê Hồng Biên (huyện Bình Sơn, 48 tuổi) tự nhận mình là "đàn em" trong nghề trồng dưa. Tuy vậy, vợ chồng anh cũng gắn bó với nghề này được 5 năm. Từ khoảng tháng 3 hàng năm, vợ chồng anh Biên để 2 con cho ông bà chăm sóc rồi bắt đầu cuộc sống du canh trên những bãi bồi.

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 3
Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 4

Không chỉ anh Biên, hàng trăm hộ dân khác ở Bình Sơn cũng được ví như những "di dân". Có đến 7-8 tháng trong năm, cuộc sống của họ gắn chặt với túp lều tạm bên ruộng dưa. 

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 5

Giữa mênh mông bãi bồi, người nông dân cần mẫn ươm mầm dưa vào đất. Vụ này, anh Biên thuê hơn 1,3ha đất trồng dưa. 

Năm nay thời tiết thuận lợi, dưa phát triển tốt, người trồng dưa đang hy vọng vụ mùa bội thu. Thế nhưng bội thu là một chuyện, còn bán được dưa hay không lại là chuyện khác. Không chỉ năm nay mà hàng chục năm qua, những người trồng dưa vẫn canh cánh nỗi lo như thế.

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 6

Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 70 ngày. Chi phí đầu tư 1ha dưa lên đến 120 triệu đồng . "Vài năm nay, vật tư nông nghiệp, hạt giống gì cũng tăng giá. Nhất là giá phân bón tăng cao quá, có loại tăng hơn 50%. Một vụ dưa kéo dài chỉ mấy chục ngày mà đổ vào đó hàng trăm triệu đồng, ai mà không lo chứ ", anh Biên chia sẻ.

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 7

Ông Dương Đức (58 tuổi) được xem là lão làng trong nghề trồng dưa. Gần 15 năm gắn bó với cây dưa, ông Đức đã trải qua nhiều mùa dưa… đắng. "Có năm giá dưa rớt thê thảm, thua lỗ nặng lắm. Nhiều người bán bò hoặc vay ngân hàng trồng dưa mà lỗ là hết vốn, khó mà theo nghề được nữa. Vậy nên người trồng dưa mới nói nửa đùa, nửa thật là dưa ăn bò, gặm sổ đỏ", ông Đức nói.

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 8

Cây dưa hợp với đất bãi bồi nên sản lượng cao. Trung bình 1ha cho thu hoạch 40-45 tấn dưa. Với sản lượng này, giá dưa chỉ cần ở mức 4.000 đồng/kg thì người nông dân có thể "bỏ túi" 40-50 triệu đồng mỗi vụ. Có năm giá dưa lên đến 10.000 nghìn đồng/kg, người trồng dưa lãi to. Nói thế nhưng không dễ bởi có lúc người trồng dưa trông đỏ mắt vẫn không có người mua. Dưa lổm ngổm đầy ruộng nhưng giá rẻ như cho.

"Năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch nên dưa không xuất khẩu được. May là năm đó trồng ít, tiêu thụ được trong nước nên đỡ lỗ. Còn năm ngoái, trồng dưa ở đây kiếm được mấy chục triệu nhưng lên Tây Nguyên lại lỗ nặng do giá dưa có lúc rớt còn 2.000 đồng/kg", ông Đức cho biết.

Canh cánh nỗi lo dưa ăn bò, gặm sổ đỏ - 9

Mỗi năm, nông dân tại Quảng Ngãi trồng khoảng 700ha dưa hấu. Đây là địa phương có diện tích trồng dưa thuộc hàng đầu của cả nước.

Do thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc của người dân tốt nên sản lượng dưa đạt cao. Không chỉ canh tác tại địa phương, mỗi năm có khoảng 500 hộ dân đến các tỉnh khác thuê đất trồng dưa.

Theo ông Phạm Bá - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, diện tích trồng dưa khá lớn trong khi việc tiêu thụ lại bấp bênh. Có năm dưa không thể xuất khẩu nên giá rớt thê thảm khiến người nông dân thua lỗ.

"Giá cả nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng khá bấp bênh. Do diện tích trồng dưa khá lớn nên chỉ trông chờ vào xuất khẩu mới mang lại lợi nhuận cao. Năm nào thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh thì năm đó giá cả tăng cao, ngược lại là ùn ứ.  Do đó chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người dân không nên xuống giống ồ ạt, tránh tình trạng ách tắc đầu ra khi thu hoạch", ông Bá nói.