Thanh Hóa:
Gần Tết, nông dân "bỏ túi" trăm triệu mỗi năm từ cánh đồng dưa chuột
(Dân trí) - Dù không mất nhiều chi phí và thời gian nhưng trồng dưa đang mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân ở huyện Hà Trung. Nhiều gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng, Tết ấm no nhờ trồng loại cây này.
Cánh đồng dưa chuột ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung nằm ven quốc lộ 217. Đây được xem là một trong số ít cánh đồng dưa lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với 70 ha. Kế bên xã Hà Lĩnh, các xã Minh Tân, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) cũng là một trong những vùng trồng dưa lớn của tỉnh Thanh Hóa.
Với khoảng 50 ha, mỗi năm, các địa phương này cung cấp hàng trăm tấn dưa quả cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Hoàng Văn Hướng (thôn 1, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung), gia đình ông có 3 sào dưa, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Với giá bán 10.000-12.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình ông thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng. "Ở đây, trung bình mỗi hộ trồng 3-4 sào (500m2/sào), một số trồng 6-7 sào dưa. Gia đình tôi thì trồng 2 vụ nhưng có một số diện tích đất trồng được cả 3 vụ thì cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng", ông Hướng nói.
Cũng theo ông Hướng, giống dưa trồng ở Hà Trung đều là dưa nếp, quả không quá to nhưng rất chắc, mùi thơm và được nhiều người lựa chọn. Trồng dưa chuột chi phí thấp, chỉ hết 4-5 triệu đồng một sào.
"Mình chỉ cần hái rồi thương lái đến tận nhà thu gom. Còn nếu chịu khó vận chuyển ra chợ thì bán được giá cao hơn. Cứ cuối tháng 9 bắt đầu trồng, 45 ngày sau cho thu hoạch, vụ 2 làm gối từ tháng 11 Âm lịch để bán vào dịp Tết", ông Hướng cho biết thêm.
Không chỉ gia đình ông Hướng, gia đình bà Hoàng Thị Minh cũng chuyển từ trồng lúa sang trồng 2 vụ với 3 sào dưa. Mỗi năm, trừ hết chi phí, bà Minh cũng bỏ túi hàng chục triệu đồng.
"Dưa chuột là loại hoa màu không khó trồng song cần nhiều công chăm sóc. Sau khi cày ải, phơi khô thân ruộng, đất sẽ được băm bằng máy và lên luống cao tránh ngập úng. Mỗi luống có rãnh rộng chừng 50-70cm để chứa nước tưới và đi lại chăm sóc cho thuận tiện.... Khi cây non mọc khoảng 30-40cm, chúng tôi phải cắm hàng cọc để cho dưa chuột quấn quanh. Nếu không có giàn, dưa sẽ cho rất ít quả và nếu có cũng thường rất bé", chị Minh chia sẻ
Theo ông Trịnh Xuân Hoàng, Trưởng thôn Bái Ân, toàn thôn có 19ha diện tích đất nông nghiệp thì có tới 17ha đất chuyên màu trồng dưa. Từ 2005 đến nay, bà con chuyển từ trồng lúa sang trồng hẳn 2 vụ dưa và một vụ ngô. "Trồng dưa gấp 3-4 lần trồng lúa, từ khi trồng dưa, đời sống bà con được nâng lên, toàn thôn đến nay không còn hộ nghèo", ông Hoàng cho biết thêm.
Theo ông Hoàng Kỷ Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh, trước đây, vùng này chỉ có một số hộ trồng tự phát nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế cao lại hợp thổ nhưỡng nên hiện toàn xã có hơn 300 hộ trồng dưa, thu nhập mỗi ha dưa lên đến hơn 400 triệu đồng.
Mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn dưa. Nhiều hộ thực hiện quy trình trồng và chăm sóc dưa theo tiêu chuẩn VietGap, để có sản phẩm sạch cung ứng cho người tiêu dùng.
"Ngày xưa trồng lúa, vùng đất cao nên mùa lụt chuột lên tàn phá khiến bà con liên tục mất mùa. Sau đó, bà con chuyển sang trồng dưa thấy hiệu quả rõ rệt, đến nay toàn xã có hơn 70ha đất trồng dưa.
Trước đây, nhiều gia đình không đủ ăn, giờ nhờ trồng dưa, hàng chục hộ dân trong xã thoát nghèo, có gia đình thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Dưa thu hoạch vào dịp gần Tết, nhờ đó Tết của bà con cũng đủ đầy hơn", Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh phấn khởi.
Cũng theo ông Hợi, xã Hà Lĩnh hiện có 3,8% hộ nghèo, 4,6% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân năm 2021 đạt 58 triệu đồng/người/năm.