DMagazine

Vì sao lao động trẻ ngày càng dễ "sức cùng lực kiệt"?

(Dân trí) - Ngày càng nhiều lao động, đặc biệt là người trẻ, thường xuyên kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng không phải không có cách giải quyết...

"Năm ngoái, tôi cảm thấy tồi tệ đến mức nghĩ rằng mình sẽ suy sụp. Tôi bị kiệt sức trong suốt nhiều tháng. Công việc thì chất đống, cùng với tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, tôi đã không thể chống chịu được. Tôi hầu như không thể rời khỏi giường mỗi buổi sáng hay làm những việc đơn giản nhất. Tôi thường xuyên bị căng thẳng và cảm thấy không còn là chính mình".

Nếu bạn nghĩ đây là chia sẻ của một giám đốc nào đó, người bị kiệt quệ cả về tinh thần, cảm xúc lẫn thể chất bởi áp lực của trách nhiệm, thì bạn đã lầm. Chia sẻ đó là từ Radhika Sanghani, một nhà báo 27 tuổi.

Chúng ta thường cho rằng tình trạng kiệt sức chỉ xảy ra với những nhân viên cấp cao, các lãnh đạo doanh nghiệp với trách nhiệm công việc nặng nề. Tuy nhiên, văn hóa "always on" (tạm dịch là "luôn sẵn sàng") trong công việc hiện đại  đã khiến những người trẻ tuổi, ví dụ nhân viên thuộc thế hệ millennials hay gen Z, sức cùng lực kiệt.

HỘI CHỨNG KIỆT SỨC Ở LAO ĐỘNG TRẺ

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "kiệt sức là một hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được tại nơi làm việc". Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm: cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngày càng xa cách về mặt tinh thần - tức cảm thấy tiêu cực, hoài nghi - với công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút.

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài công việc, không ít yếu tố gây căng thẳng khác đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của tất cả mọi người trong lực lượng lao động, cả trẻ và già, sinh viên tốt nghiệp hay người đã đảm nhiệm những vị trí cao cấp trong hội đồng quản trị.

Vì sao lao động trẻ ngày càng dễ sức cùng lực kiệt? - 1

Burnt out đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi vì hiện tượng này không còn là cá biệt (Minh họa: shrm.org).

Một nghiên cứu gần đây về sức khỏe tâm thần của YouGov cho thấy chỉ 7% thanh niên được hỏi không cảm thấy quá tải hoặc không thể chống đỡ vào một số thời điểm trong năm. Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác của Mỹ, hiện nay, những người trẻ tuổi có nguy cơ bị kiệt sức liên tục cao gấp 2 lần so với những năm đầu của thiên niên kỷ.

Tình trạng kiệt sức là một vấn đề được nhấn mạnh lần đầu tiên trong một bài báo đăng trên BuzzFeed và nó ngay lập tức trở thành một chủ đề thảo luận sôi nổi. Đến nay, cuộc khủng hoảng sức khỏe này cũng đang bắt đầu bộc lộ rõ ràng ở gen Z.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) về tình trạng căng thẳng ở người Mỹ thuộc gen Z (sinh từ 1997 đến 2012), chỉ có 45% gen Z được khảo sát có sức khỏe tinh thần tốt so với thế hệ Millennials là 56%, gen X là 51% và Baby Boomers là 70%.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, hơn 9/10 người thuộc thế hệ Z nói rằng họ đã trải qua ít nhất một triệu chứng về thể chất hoặc cảm xúc do căng thẳng trong tháng. Ở những người trưởng thành thuộc gen Z (từ 18 đến 21 tuổi), các triệu chứng căng thẳng phổ biến bao gồm cảm thấy chán nản hoặc buồn bã (58%), thiếu hứng thú, động lực hoặc năng lượng (55%) hoặc cảm thấy lo lắng, bồn chồn (54%).

Trang The Voice of London cũng đã có một cuộc khảo sát nhỏ với một số sinh viên đại học để chứng minh kết quả của báo cáo trên.

Jonah (20 tuổi) nói: "Tôi thực sự không thể nhớ lần cuối cùng tôi có một giấc ngủ tử tế là khi nào. Tôi thường leo lên giường với cơ thể rã rời và thậm chí cảm thấy mệt mỏi hơn khi thức dậy vào sáng hôm sau".

Laura (21 tuổi) bày tỏ: "Trong 3 năm qua, tôi học tập cật lực để đạt điểm cao với hy vọng  kiếm một công việc tốt sau khi tốt nghiệp. Tôi muốn trả khoản nợ sinh viên khổng lồ cho trên lưng mình".

Emily (21 tuổi) thì chia sẻ: "Tôi đã nghĩ đến việc đi tư vấn hoặc tham gia trị liệu, nhưng tôi thậm chí không có năng lượng hoặc thời gian để làm điều đó".

VÌ SAO NGƯỜI TRẺ KIỆT SỨC?

Vậy tại sao những người trẻ tuổi đang phải vật lộn với tình trạng sức tàn lực kiệt trong môi trường làm việc, học tập hiện đại?

Phần lớn người trẻ cảm thấy áp lực khi phải trở nên thành công như kỳ vọng của gia đình hoặc khi thấy bạn bè mình đang leo lên nấc thang sự nghiệp, hay các tiêu đề trên phương tiện truyền thông kiểu như "Bạn sẽ kiếm được số tiền X tính theo tuổi X". 60% thanh niên độ tuổi từ 18-24 và 41% thanh niên độ tuổi từ 25-34 cho biết áp lực thành công là một yếu tố gây căng thẳng. Con số này là 6% ở người 55 tuổi trở lên.

Vasundhara Sawhney, biên tập viên tại Harvard Business Review, đã trải qua và có chia sẻ về vấn đề này: "Công việc đầu tiên của tôi là trong ngành xuất bản qua một người bạn giới thiệu. Bạn tôi nói với công ty rằng tôi xứng đáng với công việc đó vì tôi là một người chịu khó học hỏi, thông minh, quyết tâm. Điều này làm tăng thêm áp lực cho tôi: Tôi không thể thất bại trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi làm việc cả đêm, nói đồng ý với mọi thứ, và phớt lờ cơ thể mệt mỏi của mình. Tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng với cảm giác như mình đã làm việc 12 giờ, lê mình ra khỏi giường và tiếp tục bơi giữa đống công việc. Tôi không còn háo hức thử các thứ mới. Tôi muốn được ngủ nhiều hơn, nhưng càng muốn thành công hơn".

Một số người trẻ khác lao đầu vào công việc đến mức "thân tàn ma dại" chỉ để tồn tại. Khi nhà nghiên cứu Jarrod xem kết quả các khảo sát của mình về mức độ kiệt sức ở những người lao động trẻ so với các nhóm khác, phản ứng của ông là: "Thật không thể tin được!". 

Vì sao lao động trẻ ngày càng dễ sức cùng lực kiệt? - 2

Burnt out không chỉ diễn ra với người nhiều tuổi, lãnh đạo mà xảy ra ở cả tuổi trẻ, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng không phải không có cách để giải quyết... (Ảnh: Getty Images).

"Tôi thực sự đã rất sợ hãi," ông nói. "Thường khi nói những người làm việc đến kiệt sức, chúng ta thường nghĩ đến những người nghiện công việc, họ làm việc 80 giờ một tuần hoặc điều gì đó như thế. Nhưng thực tế là, những người trẻ cố sức cày kéo chỉ để trả tiền thuê nhà".

Aroha từng làm nhân viên phục vụ theo giờ bình. Cô cho biết một số thời điểm cô thậm chí không đủ khả năng chi trả chi phí đi lại đến nơi làm việc và trường đại học. "Điều đó đã khiến tôi kiệt quệ về mặt tinh thần, nó giống như gánh nặng thường trực trong tiềm thức của bạn. Tôi trở về nhà với công việc mệt mỏi và sau đó tôi sẽ ngồi và tính những hóa đơn mà tôi có thể chi trả". Và mọi thứ chỉ trở nên khó khăn hơn kể từ Covid-19. Aroha nói rằng một trong những công việc bán thời gian của cô đã kết thúc khi người chủ tận dụng quy tắc 90 ngày thử việc. "Họ thuê tôi. Nhưng tôi chỉ làm ở đó trong ba tháng thử việc; sau đó tôi đã bị làm cho là thừa và cho nghỉ việc. Tôi không thể tin được".

Theo Jarrod, một số người trẻ tuổi cũng có thể đang phải đối mặt với "hội chứng kẻ mạo danh". Họ cảm thấy thua kém những người xung quanh, vì vậy họ làm việc ngoài giờ để cố gắng chứng tỏ bản thân. Và áp lực buộc những người trẻ phải không ngừng chứng tỏ bản thân là một nguyên nhân dẫn đến kiệt sức.

SỰ "BẤT THƯỜNG" CỦA LAO ĐỘNG TRẺ

Gần 2 năm "sống trong đại dịch", nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta làm việc và công việc của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của chúng ta? Có cách nào khác để kiếm tiền phù hợp hơn với mục tiêu tổng thể của chúng ta không? Chúng ta làm việc để sống hay sống để làm việc?

Khi thị trường việc làm phục hồi sau đại dịch, một số người lao động cảm thấy họ cần ưu tiên hạnh phúc của bản thân hơn. Theo Khảo sát Doanh thu Lao động và Cơ hội Việc làm của BLS, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đã có hơn 6 triệu người nghỉ việc, tương đương 2,9% lực lượng lao động, một tỷ lệ rất cao.

Một số người này tin rằng họ có thể tìm được mức lương cao hơn với thời gian làm việc phù hợp hơn và điều kiện làm việc tốt hơn ở những nơi khác. Một số khác thì cảm thấy kiệt sức khi sống và làm việc trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, và nhận thấy rằng sự thay đổi đang giúp họ quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của mình.

Sau một năm thất nghiệp do đại dịch Covid-19, Stephanie Becker, 21 tuổi, tìm được công việc mới tại một cơ sở chăm sóc cún cưng ở Phoenix, Mỹ. 

Vì sao lao động trẻ ngày càng dễ sức cùng lực kiệt? - 3

(Minh họa: Shutterstock).

Tuy nhiên, cô nhận thấy môi trường làm việc ở đây "không thể chấp nhận được". Thay vì làm việc theo ca ngày như đã thảo luận trước đó, Becker được giao làm việc vào các buổi sáng bắt đầu từ 4:30. Cô ấy không hợp với một trong những người quản lý của mình. Cô thậm chí không được phép nghỉ cuối tuần để chăm sóc một thành viên trong nhà bị mắc Covid-19.

Chưa đầy hai tuần làm việc, căng thẳng tinh thần đã khiến Becker cảm thấy mệt mỏi về thể chất. Chia sẻ với CNBC, cô nói: "Sau mỗi ngày làm việc, ngay khi bước vào xe, tôi đã muốn gục xuống và khóc. Tôi chỉ không muốn làm công việc đó nữa".

Sau một ca làm việc căng thẳng, sau đó là một buổi tối đầy nước mắt ở nhà, Becker nói rằng bạn trai của cô đã khuyến khích cô bỏ việc. Và ngay ngày hôm sau, cô đã gặp người quản lý của cơ sở và xin nghỉ việc.

Sarah Fleming, 25 tuổi, ở Detroit, làm việc ở nhà trong suốt thời gian đại dịch. Cô không phải mất 40 phút đi lại đến văn phòng và có nhiều thời gian hơn cho gia đình và sở thích của bản thân. Tuy nhiên vào tháng 4, cô nhận được thông báo trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian. Sự chuyển đổi đột ngột từ làm việc tự chủ sang vật lộn trên đoạn đường tắc nghẽn vào giờ cao điểm, tìm chỗ đậu xe trong bãi xe đông đúc và thức khuya đã khiến cô kiệt sức.

Fleming nói: "Trong vài tuần, tôi thức dậy với cảm giác sợ hãi mỗi ngày. Nói chung tôi là một người tích cực. Nhưng khi bạn chìm vào giấc ngủ với cơ thể mệt mỏi và hôm sau thức dậy tiếp tục công việc nhàm chán đến cuối ngày thì bạn sẽ trở nên kiệt quệ. Tôi không thể tiếp tục điều đó".

Rất nhiều người bạn của Fleming đã nghỉ việc, đôi khi chỉ đơn giản là để nghỉ ngơi sau một loạt các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới. Cô bắt đầu tiết kiệm tiền và gửi đơn xin nghỉ việc trước 2 tuần.

Fleming nói: "Tôi nghỉ việc ngay trước ngày giải phóng người Mỹ gốc Phi khỏi chế độ nô lệ ở Mỹ. Nghỉ việc mang lại cho tôi cảm giác tự do và có mục đích".

THOÁT "KIỆT SỨC" NHƯ THẾ NÀO?

Các yếu tố tình huống là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng kiệt sức ở giới trẻ hiện nay và thay đổi là cần thiết để giúp bạn thoát khỏi tình trạng này. 

Người trẻ nên dành nhiều ưu tiên chăm sóc bản thân hơn để bổ sung năng lượng cho thể chất và cảm xúc. Điều này sẽ giúp họ hạn chế tiếp xúc với những công việc, con người và tình huống không cần thiết khiến bạn rơi vào tâm trạng tiêu cực.

Cheryl bị kiệt sức khi cô đồng ý đảm nhận vai trò lãnh đạo ở văn phòng Philadelphia của một công ty luật toàn cầu, bên cạnh việc hành nghề luật sư toàn thời gian của mình. Cô kể lại: "Tôi cảm thấy cơ thể như đang chạy marathon với tốc độ nước rút mọi lúc." Sau cơn khủng hoảng, Cheryl chú ý hơn nhiều về thời gian nghỉ ngơi của mình. Cô nói: "Tôi thấy rằng đi du lịch để thay đổi không khí làm cho cơ thể và tâm trí của tôi trẻ lại. Tôi như được tiếp thêm năng lượng để sáng tạo và hoàn thành công việc tốt hơn".

Vì sao lao động trẻ ngày càng dễ sức cùng lực kiệt? - 4

(Minh họa: Peter Greenwood/Folio Art).

Tuy nhiên, nghỉ ngơi, thư giãn và bổ sung chỉ có thể giúp bạn cảm thấy khỏe hơn mà không thể giải quyết tận gốc rễ của tình trạng kiệt sức. Trở lại văn phòng, các bạn trẻ có thể vẫn phải đối mặt với những nhiệm vụ bất khả thi, những xung đột không thể giải quyết được hoặc các vấn đề khác. Và thay đổi quan điểm là cách giúp họ ngăn chặn các tác động tiêu cực từ những vấn đề đó.

Cheryl đã làm việc với một chuyên gia để đánh giá và sắp xếp lại các ưu tiên của cô. "Tôi làm việc trong một lĩnh vực cạnh tranh và tôi là một người thích cạnh tranh, điều này có thể làm sai lệch cách tôi nhìn nhận thực tế," cô giải thích.

"Trước đây, tôi không dám từ chối các cơ hội lãnh đạo vì tôi sợ rằng nếu làm vậy, mọi thứ có thể biến mất". Cô nói rằng giờ đây cô đã đổi suy nghĩ đó. "Bây giờ nếu tôi cảm thấy mình bị cố gắng quá mức, tôi sẽ tự hỏi mình liệu có cách nào để tìm thấy niềm vui ở vai trò này, hay đã đến lúc từ bỏ nó? Và tôi hiểu rằng khi tiếp nhận một điều gì đó đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ một điều khác để có khoảng trống, miễn là vẫn đam mê, hiệu quả".

Giảm tiếp xúc với các tác nhân gây căng thẳng trong công việc cũng là một cách giúp hạn chế bạn rơi vào tình huống "sức tàn lực kiệt". Cheryl cho biết cô đã học được cách "không bị cuốn theo dòng chảy hiện tại" với những yêu cầu quá lớn. Cô nói thêm: "Bạn phải biết nói "không" và cần có can đảm và niềm tin để không cảm thấy tội lỗi. " Nếu bạn nhận thấy rằng có ít hoặc không có cơ hội để chuyển mọi thứ theo hướng tích cực hơn, bạn có thể muốn chiêm nghiệm một sự thay đổi lớn hơn.

Và liều thuốc tốt nhất cho tình trạng kiệt sức, đặc biệt khi nguyên nhân dẫn đến điều đó là do sự hoài nghi và thiếu hiệu quả, là tăng tương tác, kết nối và không ngừng phát triển bản thân và nghề nghiệp. Tình nguyện chia sẻ, tư vấn cho người khác giúp người trẻ thoát ra khỏi tiêu cực một cách hiệu quả. Tình trạng kiệt sức phần lớn gây ra bởi các yếu tố tình huống, nên có khả năng những đồng nghiệp của họ cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Nếu các họ biết kết hợp với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, các bạn trẻ sẽ có thể kiểm soát tốt hơn tình huống của mình và có thêm những kết nối cá nhân phong phú hơn.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy không thể vượt qua được tình trạng kiệt sức của bản thân. Tuy vậy, căng thẳng, mệt mỏi chỉ là một tín hiệu, không phải là một bản án dài hạn. Nếu biết được nguyên nhân dẫn đến kiệt sức và có những thay đổi phù hợp, họ hoàn toàn có thể thoát khỏi nó. Trải nghiệm tàn khốc này có thể coi như một bước ngoặt giúp bạn trẻ đạt được một sự nghiệp bền vững hơn và một cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.