(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM, Tiến đi làm khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Tiến là thanh niên đầu tiên tại Việt Nam học tập và chiết xuất mật dừa nước mặn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TPHCM, Tiến đi làm khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm rồi về Cần Giờ chọn cây dừa nước để lập nghiệp. Tiến là thanh niên đầu tiên tại Việt Nam học tập và chiết xuất mật dừa nước mặn.
Cần Giờ nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, đây cũng là huyện của TPHCM nằm ven biển. Cần Giờ như một khu đảo nhỏ được nối liền với trung tâm TPHCM bằng hệ thống phà Bình Khánh. Với diện tích rừng tự nhiên hơn 32.000 héc ta rừng ngập mặn, cây dừa nước phát triển mạnh mẽ tự nhiên hàng chục ngàn héc ta.
Từ nhiều năm nay, người dân Cần Giờ thu hoạch trái dừa nước để làm loại nước giải khát cho du khách. Tuy vậy, giá trị của loại trái dừa nước còn nhiều hạn chế nên người dân khá thờ ơ với loại "đặc sản" tự nhiên này.
Nắm bắt được tiềm năng trên, chàng trai Phan Minh Tiến ( SN 1991, ngụ huyện Cần Giờ) luôn tâm niệm sẽ tìm tòi, học hỏi kỹ năng để phát triển vùng đất quê hương từ cây dừa nước. Sau khi tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hóa Học - Đại học Bách Khoa TPHCM, Tiến càng nhận ra nhiều giải pháp để khởi nghiệp từ cây dừa nước.
Để thực hiện hóa ước mơ làm giàu trên chính quê hương, Tiến bỏ ra gần 5 năm đi khắp nơi tìm hiểu về những kỹ năng thu hoạch dừa nước. Nổi bật trong những kiến thức Tiến học được là mô hình lấy mật dừa, mô hình này tại Việt Nam chưa ai triển khai.
Năm 2018, Tiến trở về quê hương để thực hiện hóa giấc mơ "mật dừa". Thông thường, sau khi cắt đi các buồng dừa, người dân sẽ bỏ trơ trọi các trụ dừa. Tiến dùng bao nilong bịt đầu các trụ buồng dừa lại để thu hoạch mật. Mỗi trụ Tiến có thể thu hoạch được 20 - 30 lít mật trong vòng khoảng 20 ngày. Mỗi tháng Tiến đưa ra thị trường khoảng 1.000 chai mật dừa với khoảng 300 lít.
Loại mật dừa này có vị mặn đặc trưng của vùng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài sơ chế để làm nước uống, Tiến còn làm mật cô đặc để sử dụng lâu dài. Mật dừa có thể dùng thay thế mật ong, đường trong việc pha chế và nấu ăn.
"Cái khó nhất là khai thác để lấy mật dừa nước ra và cách thức lấy được mật. Trong quá trình đó thì mình đem các cái mẫu khai thác được đến trung tâm phân tích. Qua đó thì mình thấy thành phần dinh dưỡng khá cao, các thành phần acid amin rất là cao, muối khoáng, vitamin cao nên mình nghiên cứu sâu và tạo ra sản phẩm đầu tiên là mật cô đặc và cái nữa là mật dừa nước tinh chất uống liền", Tiến chia sẻ.
Sau một thời gian ngắn, những sản phẩm đầu tiên khi tiếp cận đến người dân, chính quyền địa phương và khách du lịch đã được đánh giá cao, thành công ngoài mong đợi. Ngoài số tiền tích góp trong 4 năm, Tiến quyết định vay vốn hơn 70 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để đầu tư, mở xưởng và hệ thống máy móc xử lý nguyên liệu... Việc mở rộng quy mô sản xuất đã tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Khi mô hình này ra đời đã giúp được 8- 9 bạn thanh niên ở Cần Giờ có công ăn việc làm. Thu nhập tốt hơn so với đồng lương của công nhân, không phải đi xa mỗi tháng và có thể để dư được chút đỉnh. Thay vì trước kia các bạn học hết lớp 12 cứ lên TP đi làm thuê, rồi thất nghiệp về lại quê mà không có gì làm. Không chỉ vậy, Tiến còn hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên và chuyển giao công nghệ; hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ khởi nghiệp ngay trên chính quê hương của mình.
Năm 2019, Tiến mang dự án của mình tham dự Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo – Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. Ước mơ của Tiến là mở rộng các sản phẩm của mình để mỗi du khách đến Cần Giờ đều có thể thưởng thức thứ đặc sản "mật dừa" khá đặc biệt này. Công trình của Tiến cũng được huyện Cần Giờ giới thiệu đến UBND TPHCM để hỗ trợ phát triển.
"Từ thành công của em Minh Tiến là gương thanh niên trẻ giỏi là cơ hội để giới thiệu mô hình đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Mật dừa nước đã tạo động lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Thúc đẩy các mô hình kinh tế thanh niên phát triển để góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương tham gia tốt việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn", ông Võ Hoàng Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ nhấn mạnh.
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh