(Dân trí) - Nếu áp dụng tại Việt Nam thời điểm bây giờ, cùng với sự bùng nổ của smartphone, thanh toán qua ví điện tử, online banking, chắc chắn cơ quan chính quyền có nhiều thuận lợi.
Năm 2009, tôi có dịp đi Thâm Quyến - một thành phố đang phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt, từ một làng chài đối diện biển với Hồng Kông, trở thành một đặc khu kinh tế tập trung vào công nghệ cao, nghiên cứu và sáng tạo.
Tôi được bạn dẫn đi thăm quan nhiều nơi và vào các nhà hàng từ bình dân tới sang trọng. Điều lạ là mỗi lần sau khi thanh toán, bạn tôi lại nhận về một vài tờ giấy màu hồng, để dành cho tôi ngồi tại bàn cào vé số. Ban đầu tôi tưởng đó là một loại giống như kiểu xổ số kiến thiết địa phương như thường lệ tại Việt Nam, song hóa ra mỗi tờ vé số lại tương ứng với số tiền mà bạn tôi đã chi trả cho bữa ăn của chúng tôi.
Trốn thuế trong làm ăn đã là truyền thống tại nhiều quốc gia trên thế giới trong rất nhiều năm, nhất là khi mà các điều kiện quản lý thuế còn lỏng lẻo. Các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, nhà hàng, cửa tiệm thường sử dụng kế toán "2 sổ'' - một cho doanh thu thực tế, một cho các báo cáo thuế.
Chính quyền đặc khu Thâm Quyến đau đầu với việc thất thu thuế nên đã đề xuất áp dụng "xổ số hóa đơn" (Faqiao) để khuyến khích người dân yêu cầu được nhận hóa đơn sau khi thanh toán. Với mỗi số tiền chi dùng, nơi kinh doanh sẽ đưa lại số lượng hóa đơn tương ứng để người mua cào và nếu may mắn trúng các số tiền nhỏ: 5 - 10 - 20 - 50 - 100 nhân dân tệ… sẽ được đổi trực tiếp ngay tại nơi đã mua hàng. Khi trúng các giải lớn hơn, người dân sẽ mang tới các ngân hàng hay các nơi được chỉ định để đổi giải thưởng.
Tôi không nắm rõ cơ cấu giải, song thời gian đó chúng tôi khá thường xuyên trúng các giải nhỏ. Ở Hàng Châu, Bắc Kinh, tôi không bắt gặp cách thức này nên đoán rằng đây là một đề xuất của chính quyền địa phương Thâm Quyến.
Tại Đài Loan, chính quyền cũng áp dụng cách thức tương tự với "xổ số hóa đơn" (Tǒngyī Fāpìao) song thay đổi bằng cách in luôn mã số quay thưởng trên các hóa đơn giấy thông thường và cứ 2 tháng một lần quay. Giải đặc biệt lên tới 10 triệu Đài tệ (tương ứng khoảng hơn 8 tỷ đồng) và nhiều giải thưởng bằng tiền có giá trị nhỏ hơn. Số tiền trúng thưởng ít có thể đổi tại cửa hàng tiện lợi, giải lớn hơn thì tới ngân hàng để nhận. Không phân biệt người dân bản địa hay người nước ngoài, trên các hóa đơn đều in mã số. Song có lẽ do thời gian quay số kéo dài, cộng thêm số lượng hóa đơn mỗi người nhận được hàng tháng rất nhiều, nên có thêm nhiều thùng từ thiện được đặt khắp các nơi công cộng để mọi người có thể trao tặng lại hóa đơn của mình cho tổ chức xã hội.
Sáng kiến cào xổ số hóa đơn nhận tiền thưởng của Thâm Quyến và Đài Loan đã trở thành một thú vui khiến người dân hào hứng lấy hóa đơn hơn, các cơ sở kinh doanh khó lách luật hơn, còn cơ quan nhà nước thì được minh bạch hóa đơn tài chính, tránh thất thu thuế. Và tôi nghĩ, đó là cách mà các quốc gia đang phải đau đầu với nạn trốn thuế nên học hỏi. Thật tiếc phải nói rằng, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đó. Tôi mừng là Chính phủ Việt Nam đã quyết định học theo cách của Thâm Quyến và Đài Loan.
Thông thường ở Việt Nam, mỗi khi đi ăn uống cùng đối tác cần phải lấy hóa đơn về công ty thanh toán thì tôi mới yêu cầu người bán xuất hóa đơn đỏ. Cần phải cung cấp đầy đủ thông tin doanh nghiệp rồi có nơi phải chờ vài ngày để họ gửi về văn phòng. Nhiều nơi hứa hẹn sẽ gửi hóa đơn điện tử song cũng không hiếm lần tôi không thấy họ gửi.
Những khi đi cùng bạn bè, gia đình, tôi thường chỉ nhận được hóa đơn tạm tính và thú thực là chưa bao giờ lấy mã số thuế cá nhân hay thẻ căn cước/chứng minh nhân dân để yêu cầu người bán xuất hóa đơn cho cá nhân. Tôi không có nhu cầu lấy hóa đơn để khấu trừ cho việc kinh doanh nên dù biết đó là quyền lợi của mình song cũng mắt nhắm, mắt mở cho qua.
Rất nhiều người Việt khác cũng có thói quen như tôi. Với 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) nhân với số khách hàng không lấy hóa đơn hàng ngày, khó có thể biết được con số thu thực tế của các cơ sở kinh doanh so với trên sổ sách có khớp với nhau hay không, và nó sẽ là bao nhiêu nghìn tỷ đồng thất thoát thuế cho Chính phủ. Mỗi một đồng thuế bị thất thoát, đồng nghĩa với việc quyền được chăm sóc về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội của chính chúng ta sẽ bớt đi một ít. Chúng ta đang vô tình tiếp tay cho những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta.
Mấy hôm nay đọc báo tôi phát hiện, cùng với việc theo nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ, bắt đầu từ ngày 1/7/2022 sẽ chính thức áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc thay thế cho hóa đơn giấy. Đây là bước tiến lớn đối với chính quyền nói chung, cơ quan thuế nói riêng để minh bạch hóa thông tin, kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở kinh doanh. Cùng với đó, Bộ tài chính đề xuất thông tư 78 để lấy những hóa đơn điện tử này làm "xổ số hóa đơn", khuyến khích người dân yêu cầu hóa đơn sau mỗi giao dịch. Không lâu nữa, người Việt Nam sẽ được chơi xổ số bằng chính hóa đơn thanh toán của mình.
Vào thời điểm này, tôi cho rằng là lúc chín muồi khi các giao dịch thanh toán bằng ví điện tử, online banking, thẻ ngân hàng... trở nên phổ biến và đang phát triển nhanh chóng, đồng thời chúng ta cũng có thể rút kinh nghiệm từ cách thức tổ chức của những nơi đi trước.
Như tại Thâm Quyến thời điểm mười mấy năm về trước, thanh toán qua các ví điện tử, thẻ ngân hàng chưa bùng nổ như bây giờ nên cách thức xổ số này cũng có lỗ hổng. Trên xổ số hóa đơn không có thông tin cá nhân của người mua, nên họ có thể rao bán lại hóa đơn dễ dàng để ai có nhu cầu sẽ mua về thanh toán với công ty, đơn vị công tác. Tại Đài Loan thì thời gian quay số kéo dài khiến người mua cũng ngại giữ lại từng tập hóa đơn để chờ kiểm tra QR code trên từng hóa đơn để so số trúng thưởng.
Nếu áp dụng tại Việt Nam thời điểm bây giờ, cùng với sự bùng nổ của smartphone, thanh toán qua ví điện tử, online banking, chắc chắn cơ quan chính quyền có nhiều thuận lợi. Nếu chúng ta kết nối hóa đơn điện tử với mã số thuế cá nhân hoặc thẻ căn cước công dân của mỗi người, hoàn toàn có thể dễ dàng chứng thực pháp nhân người trúng số nếu gửi mã số hóa đơn tương ứng xổ số cho họ sau khi thanh toán. Điều này giúp tránh các tranh chấp, làm giả nếu có, giảm bớt hoàn toàn những hóa đơn xổ số bằng giấy tiêu tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, tài lực. Nếu các đợt quay số tổ chức mỗi tháng rồi tự động báo về điện thoại đã được xác thực hoặc email trong hóa đơn, người mua hàng cũng không cần chủ động đi so hàng loạt các con số để chờ trúng thưởng.
Dù vẫn chưa rõ các thông tin như hóa đơn tối thiểu cần là bao nhiêu tiền mỗi giao dịch thì được cấp hóa đơn xổ số, hay cơ cấu giải, cách thức trả thưởng, nguồn ngân sách nào được sử dụng... song tôi tin, số tiền mà ngân sách nhà nước thu được sẽ nhiều hơn rất nhiều lần số tiền chi cho giải thưởng. Đây sẽ là cơ hội để nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, khuyến khích mọi người hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi được nộp thuế cho chính quyền. Cũng là cơ hội để đất nước giải được nhiều bài toán khó khăn về ngân sách, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch covid-19 lần này.