Hồ sơ Pacific Airlines, hãng bay vừa trả hết đội tàu để tái cơ cấu nợ
(Dân trí) - Việc Pacific Airlines phải trả toàn bộ máy bay để tái cơ cấu nợ được coi là hệ quả từ những tín hiệu đã có từ trước đó. Một lần nữa, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam đi tìm nhà đầu tư mới.
Pacific Airlines vừa phải trả hết toàn bộ đội tàu bay để tái cơ cấu nợ đồng thời tìm nhà đầu tư mới. Thời gian tới, hãng bay này sẽ thuê khô (không kèm tổ bay) 3 máy bay của Vietnam Airlines để tiếp tục khai thác.
Thực tế những năm qua, tình hình tài chính của Pacific Airlines vốn đã luôn bị đặt trong tình trạng đáng báo động.
Những tín hiệu "không lành"
Tháng 6/2022, Vietnam Airlines công bố tài liệu họp đại hội cổ đông, trong đó tiết lộ về tình cảnh của Pacific Airlines thời điểm bấy giờ: "Tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, dòng tiền bị thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động".
Vietnam Airlines phải triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Trong giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.
Cũng chỉ 2 tháng sau thời điểm trên, Cục Hàng không Việt Nam phát đi cảnh báo sẽ hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Pacific Airlines nếu hãng không bổ sung thêm vốn để duy trì vốn tối thiểu theo Nghị định 89. Báo cáo tài chính đã kiểm toán chỉ ra, vốn chủ sở hữu của Pacific Airlines năm 2020 và 2021 lần lượt âm 2.275 tỷ đồng và âm 4.583 tỷ đồng.
Pacific Airlines đã không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc. Theo Nghị định 89, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp "không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục".
Lúc này, Cục Hàng không yêu cầu Pacific Airlines báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động của hãng, trong đó cung cấp báo cáo tài chính, mạng bay, sản lượng và thị phần vận chuyển 6 tháng đầu năm 2022.
Hãng cũng phải báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động, tình hình đội máy bay đang khai thác gồm số lượng, chủng loại, tuổi của máy bay; hình thức sở hữu...
Cục Hàng không cũng yêu cầu Pacific Airlines cung cấp thông tin về công tác đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định của nhà chức trách hàng không, đồng thời báo cáo phương án xử lý các khoản nợ với các đối tác (ACV, VATM...) và phương án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Thời gian sau đó, Cục Hàng không thường xuyên phải họp với cơ quan chức năng để xem xét điều kiện kinh doanh của Pacific Airlines.
Cuối năm 2022, Pacific Airlines ghi nhận tổng doanh thu gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng.
Từng là "ngôi sao" hàng không giá rẻ
Pacific Airlines được thành lập năm 1991, là hãng bay giá rẻ thuộc sở hữu Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam.
Với số vốn ban đầu 40 tỷ đồng, hãng có 7 cổ đông gồm Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên đã chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist, 13,06%) và Công ty Thương mại Đầu tư Phát triển Giao thông Vận tải (Tradevico, 0,45%).
Năm 1993, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tái cấu trúc bộ phận khai thác thành Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Các cổ phần của Cục Hàng không dân dụng được chuyển sang cho Vietnam Airlines, đồng nghĩa Pacific Airlines trở thành công ty con của Vietnam Airlines.
Đến năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và từ năm 1996 là thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Group). Các cổ phần của Vietnam Airlines và các doanh nghiệp thành viên chuyển lại thống nhất cho Vietnam Airlines Group quản lý. Số cổ đông của Pacific Airlines chỉ còn 3 cổ đông là Vietnam Airlines Group, Saigon Tourist và Tradevico.
Thời gian sau đó, hãng hàng không này kinh doanh bết bát và thua lỗ. Năm 2005, Thủ tướng ký quyết định chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của Vietnam Airlines Group cho Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước quản lý và tái cơ cấu. Trong khi đó, Pacific Airlines phải cắt bớt đường bay không hiệu quả và đàm phán lại để giảm chi phí thuê máy bay.
Giữa năm đó, những cuộc thương thảo liên quan phương án tái cấu trúc Pacific Airlines trong 5 năm tới cũng đã diễn ra, nhưng không rõ kết quả. Pacific Airlines thì lỗ gấp 9 lần vốn, nợ nước ngoài tồn đọng.
Tới năm 2006, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập trực thuộc Bộ Tài chính, cổ phần của Nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển sang cho SCIC điều hành.
Qantas đến rồi đi
Tháng 4/2007, Pacific Airlines bất ngờ "bén duyên" với Qantas (Australia) khi hãng hàng không đến từ Australia ký hợp đồng đầu tư với SCIC về việc mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược. Qantas tham vọng đưa hãng hàng không giá rẻ của riêng mình là Jetstar Airways xuất hiện trên bản đồ châu Á.
Theo thỏa thuận ban đầu, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để được sở hữu 18% cổ phần của Pacific Airlines, sau đó sẽ đầu tư thêm để được sở hữu 30%. Nhờ số tiền này mà Pacific Airlines có thể cắt lỗ, nhưng đổi lại sẽ chuyển sang dùng thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.
Số lượng cổ đông cũng như tỷ lệ cổ phần cũng thay đổi thành SCIC (75,78%), Qantas Airways (18%), Saigon Tourist (6,18%) và ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc (0,04%).
Dù được đầu tư mạnh tay, đến cuối năm 2011, Jetstar Pacific chỉ chiếm khoảng 17% thị phần hàng không nội địa tại Việt Nam. Do hậu quả của nhiều năm lỗ liên tiếp, hãng phải tái cơ cấu sở hữu và rà soát lại toàn bộ hoạt động.
Lúc này, Vietnam Airlines nhận tiếp nhận quyền đại diện phần vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần và một lần nữa trở thành cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific. Bằng kinh nghiệm của mình, Vietnam Airlines đã giúp Jetstar Pacific trên đà phục hồi và phát triển đội bay.
Sau quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific từng bước giảm lỗ và bắt đầu có lãi 2 năm liên tiếp 2018 và 2019. Tuy nhiên, khi chưa kịp "ăn mừng" thì Covid-19 ập đến khiến ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề và hầu hết đội bay phải ngừng hoạt động.
Ngày 15/6/2020, Vietnam Airlines phát đi thông báo Qantas sẽ rút vốn khỏi Jetstar Pacific, hãng bay trở lại với tên gọi Pacific Airlines. Với việc Qantas rút lui, Vietnam Airlines sẽ sở hữu 98% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ.
Hai năm dịch "ngủ đông", không có doanh thu đang đẩy Pacific Airlines vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Trước tình hình tài chính của Pacific Airlines "rất nghiêm trọng", Vietnam Airlines cho biết đang triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, đồng thời tìm nhà đầu tư mới tham gia quá trình tái cơ cấu Pacific Airlines.
Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước.