(Dân trí) - Financial Times gọi thành công của kinh tế Indonesia bằng từ "unexpected" (tạm dịch là bất ngờ, ngạc nhiên), tuy nhiên không phải là không có những vấn đề hay thách thức.
Bí mật thành công của Indonesia
Financial Times gọi thành công của kinh tế Indonesia bằng từ "unexpected" (tạm dịch là bất ngờ, ngạc nhiên), tuy nhiên không phải là không có những vấn đề hay thách thức.
"Thần kỳ"
Vào năm 2013, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ đã gọi Indonesia là "một trong 5 nền kinh tế mong manh". Indonesia được coi là quốc gia nằm trong một nhóm các nền kinh tế mới nổi - nhóm được tin rằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi Mỹ tăng vọt lãi suất.
Gần một thập kỷ sau, trong khi lãi suất của Mỹ đang tăng mạnh làm tăng thêm các vấn đề kinh tế ở các nước đang phát triển thì nền kinh tế Indonesia lại không bị ảnh hưởng.
Vào thời điểm các nước đang gồng mình để bảo vệ nền kinh tế trước những vấn đề như xung đột Nga - Ukraine, cơn bão giá năng lượng, lương thực và biến đổi khí hậu toàn cầu, Indonesia đã nổi lên như một ngoại lệ khi giữ được đà bùng nổ của nền kinh tế và sự ổn định của chính trị.
Tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II, cao hơn nhiều so với dự báo. Tỷ lệ lạm phát của nước này thuộc mức thấp nhất toàn cầu khi ở mức 4,7% trong tháng 8, trước khi cắt giảm trợ cấp xăng dầu. Đồng tiền pháp định Indonesia rupiah là một trong những đồng tiền mạnh nhất ở châu Á trong năm nay và thị trường chứng khoán Indonesia đang đạt mức cao kỷ lục.
Xuất khẩu tăng 30,2% so với cùng kỳ. Là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, thành phần quan trọng trong sản xuất pin xe điện, Indonesia đang đưa ra kế hoạch để hưởng lợi từ sự bùng nổ sắp tới của xe điện.
Phần lớn công lao cho sự bùng nổ của nền kinh tế Indonesia thuộc về Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người đã cố gắng duy trì niềm tin từ người dân Indonesia bình thường và các nhà đầu tư trong 8 năm cầm quyền.
Một cuộc thăm dò được công bố trong tuần này bởi công ty nghiên cứu Indikator Politik Indonesia cho thấy 62,6% người Indonesia dành sự nể trọng cao nhất đến vị tổng thống, giảm khoảng 10% kể từ trước khi ông ra lệnh cắt giảm trợ cấp nhiên liệu. Dù vậy, con số 62,6% vẫn là mức cao. Sự ủng hộ dành cho ông Widodo mạnh mẽ đến mức có những thời điểm người ủng hộ ông thúc đẩy thay đổi hiến pháp để cho phép ông tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Widodo sẽ có cơ hội quảng bá sự thịnh vượng của quốc gia với thế giới khi ông chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali vào tháng 11 tới. Ông có kế hoạch sử dụng sự kiện này để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, đề cập kế hoạch đầy tham vọng cũng như đầy tranh cãi nhất của ông - một đề xuất trị giá hơn 30 tỷ USD để chuyển thủ đô của Indonesia từ Jakarta đến hòn đảo rừng rậm Borneo, dự án sẽ trở thành di sản của ông nếu như được triển khai.
"Những gì chúng tôi muốn xây dựng là một thành phố thông minh trong tương lai giữa rừng và thiên nhiên", Tổng thống nói với Financial Times trong bữa trưa tại dinh tổng thống ở Jakarta, khuôn mặt ông bừng sáng khi nhắc đến thủ đô mới. "Điều này sẽ cho thấy sự chuyển mình của Indonesia".
Một số nhà đầu tư lo lắng về tính bền vững của sự ổn định "mới và lạ thường" của Indonesia. Năm tới, chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử năm 2024 sẽ bắt đầu nhưng ông Widodo vẫn chưa có một ứng cử viên được "xức dầu" để thực hiện chương trình nghị sự của mình. Các nhà phê bình cũng nói rằng ông có thể đã làm nhiều hơn nữa để ổn định các thể chế dân chủ trẻ của Indonesia, thay vì khiến quốc gia rơi vào nguy cơ nếu một nhà lãnh đạo không liêm chính lên nắm quyền trong tương lai.
"Vì vậy, nhiều thị trường mới nổi gặp vấn đề nhưng Indonesia thì không. Nền kinh tế đang ở đỉnh cao mọi thời đại", Kevin O'Rourke, một nhà phân tích chính trị và kinh tế tại Jakarta, Indonesia, Giám đốc tại công ty tư vấn Reformasi Information Services, cho biết.
"Vấn đề là chính trị. 18 tháng nữa là đến ngày bầu cử và điều này sẽ quyết định triển vọng dài hạn của Indonesia".
Thành tựu và thách thức
Với lạm phát của nền kinh tế tương đối thấp, Ngân hàng trung ương Indonesia mới tăng lãi suất lần đầu tiên sau 3 năm vào tháng 8 lên 3,75%. Các ngân hàng cũng vẫn đang cho vay tín dụng và xuất khẩu đang bùng nổ, không chỉ từ hàng hóa. "Luật Omnibus" đặc trưng của Ông Widodo đã nới lỏng các quy định về việc làm để giúp tạo việc làm đã khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), khi một số nhà sản xuất lớn đa dạng hóa danh mục, hạ tỷ trọng đầu tư ở Trung Quốc.
Về thu nhập xuất khẩu của Indonesia trong vài tháng qua, O'Rourke của Reformasi cho biết: "Indonesia đang xuất khẩu đa dạng hàng hóa gồm hàng dệt may, may mặc, giày dép, máy móc, đồ nội thất, điện tử, ô tô... qua đó tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Đây là năm thứ hai kinh tế Indonesia tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ".
David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Á ở Jakarta, cho biết các nhà kinh tế đang quan ngại rằng giá hàng hóa có thể bắt đầu giảm trong năm nay khi các nền kinh tế phương Tây chậm lại, điều này sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia như than đá và dầu cọ. "Năm tới sẽ là một năm khó khăn, đó là lý do tại sao tôi đã hạ dự báo GDP xuống dưới 5%".
Lạm phát dù được kìm hãm bởi trợ cấp nhiên liệu, cũng có thể tăng nhanh lên 8% vào tháng 10, theo Priyanka Kishore, nhà kinh tế trưởng về Đông Nam Á và Ấn Độ tại Oxford Economics. Bà cho rằng ngân hàng trung ương phải hành động quyết liệt hơn để giải quyết lạm phát ngay bây giờ. Indonesia đã đánh thuế lên một số mặt hàng, bao gồm thuế đối với than và niken. Tuy nhiên, họ cũng đã giúp phát triển các lĩnh vực chế biến và tinh chế trong nước.
"Rõ ràng là mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp". Eugene Galbraith, giám đốc tại công ty tháp điện thoại di động PT Protelindo và là một nhà quan sát lâu năm các doanh nghiệp Indonesia cho biết. "Tất cả những điều đó, cả các chính sách tốt và xấu, đều được nhiều người ủng hộ và đánh giá cao".
Một trong những thành tựu chính của ông Widodo là mở rộng cơ sở hạ tầng ở quy mô chưa từng có cho Indonesia, một đất nước rộng lớn với 17.000 hòn đảo.
Chính phủ của ông đã xây dựng 2.042km đường thu phí trong 8 năm so với khoảng 780km trong 40 năm trước đó, cũng như xây mới 16 sân bay, 18 cảng và 38 đập nước mới. Chi phí đã được tập trung hóa vào các dự án đặc trưng như đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung - dự án tàu cao tốc ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, trong khi một số dự án khác lại không được chú trọng, khi nhiều sân bay mới ở những địa điểm xa xôi không có khách du lịch. Dù vậy, sự lột xác có thể nhìn thấy rõ ràng, ngay cả với người ngoài.
"Tôi mong đợi một sự thay đổi, nhưng tôi không ngờ một sự thay đổi ngoạn mục như vậy. Đã có ùn tắc giao thông nhưng chúng không còn tồi tệ như trước", cựu Bộ trưởng Singapore Yeo nói về chuyến thăm Indonesia gần đây. "Sân bay Jakarta tốt hơn bất kỳ sân bay nào ở Mỹ".
Hiện nay, chính sách thúc đẩy công nghiệp trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Widodo là nỗ lực nhằm sử dụng trữ lượng niken khổng lồ của Indonesia để phát triển ngành công nghiệp xe điện nội địa.
Vào năm 2020, chính phủ đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu quặng niken, buộc các công ty nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, bắt đầu phải tinh chế. Hầu hết thành phẩm sản xuất được đi vào ngành công nghiệp kim loại không gỉ, mục đích là để bắt đầu chiết xuất vật liệu cao cấp hơn để sử dụng trong pin. Indonesia dự kiến sẽ cung ứng một phần đáng kể niken cho ngành công nghiệp xe điện toàn cầu nhưng trữ lượng quặng đá ong của nước này đòi hỏi phải xử lý nhiều hơn.
Ông Widodo ghi nhận những hạn chế này với việc nâng giá trị xuất khẩu liên quan đến quặng niken từ 1,1 tỷ USD hàng năm cách đây 5 năm lên gần 20,9 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông nói: "Nhờ điều này, giá trị xuất khẩu có thể tăng hơn 40 lần hoặc 60 lần". Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, khoảng 21 triệu tấn, hoặc khoảng 30% trữ lượng thế giới".
Không ngần ngại việc EU thách thức các hạn chế xuất khẩu vì đã hạn chế quyền tiếp cận không công bằng của các nhà sản xuất châu Âu trong Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Widodo phát biểu rằng bước tiếp theo có thể là mở rộng chính sách khai thác để tận dụng trữ lượng lớn quặng bôxít và đồng của Indonesia. Nhu cầu về các vật liệu, được sử dụng để sản xuất nhôm và năng lượng tái tạo đang không ngừng tăng trên toàn cầu. "Nó có thể tạo ra việc làm cho người dân và mang lại giá trị gia tăng cho Indonesia".
Kế hoạch tinh chế quặng thành vật liệu cấp pin vẫn chỉ mới bắt đầu, với một nhà máy lọc dầu được đưa vào vận hành vào tháng 5 năm ngoái và bảy nhà máy khác đang được triển khai, tất cả đều trên đảo Sulawesi, theo Isabelle Huber, một thành viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Indonesia cho biết Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương Đại (CATL) của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, đã đồng ý đầu tư vào một nhà máy sản xuất pin xe điện, bên cạnh đó, Ông Widodo cho biết các nhà máy cũng đang thu hút Tesla.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp niken vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Quy trình phổ biến nhất để sản xuất vật liệu cấp pin là thông qua phương pháp lọc axit áp suất cao (HPAL), tạo ra lượng chất thải khổng lồ. Chính quyền cấm doanh nghiệp đổ chất thải độc hại này xuống đại dương trong khi việc xử lý những chất thải này là khó khăn trong môi trường nhiệt đới có lượng mưa lớn.
Đây có thể là một trở ngại đối với việc cung cấp cho các thị trường phương Tây, vì các nhà sản xuất pin xe điện của EU và Mỹ sẽ quản lý nghiêm ngặt quy trình sản xuất chất thải.
Một vấn đề tiềm ẩn khác là việc sử dụng nhiệt điện than làm năng lượng cho các nhà máy chế biến niken sẽ khiến pin có nguồn gốc từ loại niken này khó được bán ở Mỹ và EU. Các tổ chức hoạt động vì môi trường đã kêu gọi Elon Musk không đầu tư vào ngành công nghiệp niken của Indonesia bởi những thiệt hại môi trường.
Việc khai thác niken vẫn để lại nhiều tranh cãi. Các nhà sản xuất than địa phương có thể cung cấp 25% than cho các nhà máy địa phương với mức chiết khấu cao so với giá thị trường, cản trở khả năng cạnh tranh của các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng mặt trời, ở một quốc gia nhiệt đới. "Đây thực sự là bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường", một nhà đầu tư nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại nước này cho biết.
Các ưu tiên khác của ông Widodo bao gồm đổi mới hệ thống giáo dục của đất nước và cải cách các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh. Ông đã bổ nhiệm nhiều doanh nhân nổi tiếng và kiệt xuất để giải quyết nhiệm vụ trên.
Với việc các quốc gia Đông Nam Á khác đang cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút các ngành công nghiệp ra khỏi Trung Quốc về với quốc gia mình, chính phủ của ông Widodo cần làm cho lực lượng lao động của Indonesia ưu việt hơn và hiện đại hóa các công ty nhà nước (sở hữu tài sản tương đương một nửa GDP cả nước).
Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước, Erick Thohir, người từng sở hữu đội bóng đá Italy Inter Milan, cho biết những cải cách này là rất cần thiết nếu Indonesia muốn tạo ra đủ việc làm cho dân số trẻ của mình.
"Indonesia sở hữu 270 triệu dân, phần lớn là người trẻ, nếu họ không có việc làm, một quốc gia lớn như Indonesia sẽ tạo ra vấn đề cho khu vực", ông Thohir nói.
Chuyện của thủ đô mới
Tuy nhiên, vấn đề có thể quyết định di sản lâu dài của Tổng thống Widodo là Nusantara, thủ đô mới. Những người ủng hộ dự án nói rằng Jakarta đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm khi một số khu vực chìm thêm 25cm mỗi năm. Indonesia cần phải mở rộng sự phát triển của mình ra ngoài hòn đảo chính Java, nơi chiếm 56% dân số và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Nusantara có diện tích gấp 3,5 lần diện tích của Singapore và gấp 4 lần so với Jakarta. Giai đoạn đầu tiên của dự án, bao gồm việc di chuyển dinh tổng thống, phó tổng thống, lực lượng vũ trang, cảnh sát và các bộ khác vào năm 2024, đang được chính phủ tài trợ. Sự phát triển dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2045, khi Indonesia hy vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Bambang Susantono, cựu quan chức Ngân hàng Phát triển châu Á, người được bổ nhiệm làm chủ tịch Cơ quan Quản lý thành phố Nusantara trong năm nay, đặt chi phí cho giai đoạn đầu tiên này ở mức hơn 50.000 tỷ rupiah hay 3,3 tỷ USD nhưng khẳng định tất cả điều này sẽ không đến từ ngân sách.
Ông nói: "Chúng tôi đang phát triển bằng ngân sách vì chúng tôi cần tạo niềm tin vào thị trường. Nhưng sự quan tâm từ các đơn vị tư nhân trong đầu tư phát triển là có".
Các nhà phê bình phản bác rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên vùng đất than bùn của Borneo là khó khăn, trong khi việc di chuyển hàng chục nghìn binh sĩ và xây dựng các cơ sở quân sự mới cho họ là tốn kém. Dự kiến khoảng 80% dự án được tài trợ bởi vốn tư nhân, trong khi việc huy động vốn tư nhân vẫn chưa bắt đầu. Một công ty nổi tiếng ủng hộ kế hoạch này, SoftBank của Nhật Bản, đã rút lui trong năm nay.
"Tôi hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch trong vài năm tới", Evan Laksmana, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Trong khi đó, vẫn có những luồng quan điểm cho rằng ông Widodo sẽ đưa dự án đến ngưỡng "tiến thoái lưỡng nan". "Nusantara sẽ quá lớn để thất bại", Fajar Hirawan, một nhà nghiên cứu tại Khoa Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
"Vốn đầu tư mới dồi dào là cần thiết để đảm bảo rằng sự phát triển lan rộng ra ngoài lãnh thổ quốc gia, để mọi người có thể thấy và trải nghiệm sự tiến bộ của dự án", ông nói.
Dương Hoàng
Theo FT