DMagazine

Chiếc áo in mèo lười bị cấm và chuyện Trung Quốc ứng xử với thế hệ "nằm im"

(Dân trí) - Những chiếc áo in hình con mèo lười biếng nằm gặm đùi gà, chơi điện tử bị Taobao cấm. Đằng sau đó là cả một câu chuyện về việc ứng xử với làn sóng "nằm im", "mặc kệ" của giới trẻ nước này...

Taobao cấm chiếc áo con mèo lười và câu chuyện về một thế hệ áp lực

Sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc Taobao mới đây đã cấm tất cả sản phẩm có in hình ảnh một chú mèo nằm lười vì cho rằng những hình ảnh này cổ xúy sự lười biếng của những người trẻ tuổi nhằm phản đối văn hóa làm việc áp bức và kỳ vọng của xã hội.

Buổi sáng một ngày giữa tháng 8, tất cả sản phẩm có in hình chú mèo lười trong dự án gây quỹ của RHR Shanghai Adoption Home - một trạm cứu hộ động vật tại Thượng Hải (Trung Quốc) - bị gỡ khỏi Taobao. 

Taobao yêu cầu trạm cứu hộ ngừng bán những chiếc áo phông có nội dung liên quan đến những chú mèo lười. Lý do được đưa ra là những sản phẩm đó vi phạm đạo đức và các quy tắc của nền tảng. 

Chiếc áo in mèo lười bị cấm và chuyện Trung Quốc ứng xử với thế hệ nằm im - 1

Taobao đã yêu cầu trạm cứu hộ ngừng bán những chiếc áo phông có nội dung liên quan đến những chú mèo lười (Ảnh: RHR).

Những sản phẩm bị cấm bao gồm túi vải, móc chìa khóa và áo phông in hình hai con mèo lấy cảm hứng từ những con mèo bị bỏ rơi mà trạm cứu hộ đã giúp đỡ: Một con thì đang nằm dài trên ghế, ôm cái đùi gà. Con còn lại thì nằm dài trên sofa với máy chơi điện tử. Đặc biệt là tất cả những sản phẩm đều có các chữ Hán là "tang ping" (nằm nghỉ) hoặc "bai lan" (mặc kệ).

Taobao cũng từ chối trả lời những câu hỏi từ phía truyền thông về việc vì sao lại cấm tất cả sản phẩm liên quan đến văn hóa "nằm nghỉ". 

Bất chấp lệnh cấm của Taobao, trạm cứu hộ động vật trên đã đưa những sản phẩm này lên bán trực tiếp trên Douyin (Tik Tok của Trung Quốc) để gây quỹ ngay buổi tối hôm đó và thậm chí còn được mọi người chú ý từ hơn từ khi lệnh cấm được đưa ra.

"Chúng tôi coi việc "nằm nghỉ" là một điều tích cực. Chẳng ai có thể phấn đấu và cố gắng làm việc chăm chỉ mọi lúc cả. Ai cũng có thể có những giây phút thư thái hoàn toàn trước khi bắt tay vào làm việc gì đó, điều này cũng giúp mỗi người cân bằng hơn", người phát ngôn của trạm cứu hộ cho biết.

Zhang Sisi, giám đốc marketing của một doanh nghiệp, kể anh đã mua 2 cái áo phông với giá khoảng 200 nhân dân tệ (gần 700.000 đồng). "Hai từ diễn tả cảm xúc của tôi khi mua 2 cái áo đó là thư giãn. Tôi cũng chủ yếu mặc áo ở nhà thôi", anh nói.

"Tang ping" có nghĩa đen là "nằm thẳng". Phong trào này ủng hộ mọi người chỉ làm việc ở mức tối thiểu. Những người trẻ tuổi này chọn cách hạ thấp mục tiêu và giảm ham muốn nhưng vẫn kiếm tiền cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống tối giản của họ. 

"Nằm thẳng" thể hiện tư duy thay vì nỗ lực học hành và làm việc chăm chỉ để mua nhà hay lập gia đình, họ chỉ "nằm im". Xu hướng trên được mô tả như một "liều thuốc giải độc" cho áp lực làm việc chăm chỉ của xã hội Trung Quốc. Tiểu thuyết gia Liao Zenghu đã mô tả "tang ping" như một phong trào phản kháng và The New York Times cũng gọi đó là một khía cạnh của "văn hóa phản kháng" của giới trẻ Trung Quốc.

Tờ South Morning China Post cho rằng nguồn gốc của phong trào có thể được bắt nguồn từ bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 4/2021 của một người dùng có tên Kind-Hearted Traveller. Chủ nhân bài đăng này đã trích dẫn quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp cùng với kinh nghiệm sống của bản thân bằng cách chỉ tiêu chỉ khoảng 200 nhân dân tệ (gần 700.000 đồng) một tháng, ăn 2 bữa mỗi ngày và không làm việc trong 2 năm. Theo tác giả, cuộc sống đơn giản như vậy mang lại sự thoải mái, khỏe mạnh về thể chất và tự do về tinh thần. Mặc dù bài đăng gốc đã bị bên kiểm duyệt xóa trên internet, nhưng các bản chụp lại đã được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng, dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi và thu hút sự quan tâm của giới trẻ. 

Vì sao giới trẻ Trung Quốc lại hưởng ứng phong trào "nằm nghỉ"?

Xu hướng "tang ping" chống lại văn hóa làm việc quá sức buộc thanh niên Trung Quốc phải làm việc nhiều giờ hơn với mức thù lao thấp. Không ít người cảm thấy thất vọng vì không có nhiều triển vọng trong công việc và họ không có đủ khả năng trang trải với chi phí sinh hoạt tăng cao hay có thể mua được một căn nhà trong đời. Và họ đang từ chối tất cả bằng cách "nằm nghỉ". Ý tưởng này giống như một phản ứng chống lại văn hóa cạnh tranh, làm việc quá sức tại đất nước này. 

"Bai lan" (mặc kệ) cũng trở thành một từ thông dụng và phổ biến hơn từ đầu năm nay và những người theo xu hướng này thường để cho một tình huống xấu tiếp tục xấu đi thay vì chủ động khắc phục nó.

Chiếc áo in mèo lười bị cấm và chuyện Trung Quốc ứng xử với thế hệ nằm im - 2

Nhiều tranh cãi đã nổ ra về hình ảnh hai chú mèo này (Ảnh: RHR).

Người trẻ làm việc trong môi trường công nghệ là những người đầu tiên hưởng ứng phong trào "nằm nghỉ" này. Họ đã quá chán với văn hóa "996" làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Thậm chí, tại một số vùng ở Trung Quốc còn áp dụng văn hóa "007", làm việc từ 0h sáng đến 0h tối xuyên suốt 7 ngày trong tuần. Dù làm việc quá sức như vậy nhưng họ vẫn không đủ tiền mua nhà, càng không đạt được sự cân bằng và hạnh phúc giữa công việc và cuộc sống. 

"Trong những năm qua, giá nhà tăng vọt, khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội ngày càng cao. Tầng lớp thượng lưu và giới quan chức nắm giữ tài sản ngày một nhiều, trong khi tầng lớp lao động như chúng tôi phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày trong tuần nhưng vẫn không đủ tiền mua nhà hay sinh con", Hu Ai, 35 tuổi, đã lập gia đình được 7 năm nhưng chưa có con, trả lời với SCMP.

Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập đế chế Alibaba - là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ văn hóa "996", cho rằng chỉ những ai may mắn mới được làm việc 72 giờ một tuần. Tại Trung Quốc, việc thực thi luật lao động thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng làm việc quá sức một cách tràn lan. Những câu chuyện về người lao động chết trên bàn làm việc hay bị trầm cảm, kiệt sức không phải là hiếm.

Cái chết của người nhân viên trẻ tại Bilibili đã khiến mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng và họ đã cùng nhau lập nên một "danh sách đen" gồm hơn 150 công ty mà cộng đồng cho rằng có xảy ra tình trạng nhân viên phải làm việc quá sức.

Một người dùng Weibo đã tố cáo rằng: "Ở Bilibili, dù bạn đã đủ điều kiện hưởng ngày nghỉ hằng năm nhưng họ sẽ không cho bạn nghỉ. Công ty cũng không trả tiền cho giờ làm thêm". Công ty này cũng được tố cáo rằng đã yêu cầu nhân viên phải làm việc cả trong ngày lễ tết. Về phía Bilibili, họ phủ nhận các cáo buộc nhưng họ cũng thông báo rằng sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe người lao động, đồng thời kêu gọi mọi người chú ý giữ gìn sức khỏe và sử dụng chế độ nghỉ có lương hoặc báo với giám sát nếu cảm thấy không khỏe. 

Luật quy định người lao động không được làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày hoặc 40 tiếng mỗi tuần, thời gian làm thêm tối đa chỉ 36 tiếng mỗi tháng song nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc dường như không thực thi. Có những người làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày.

Làm việc liên tục dưới áp lực và cường độ cao như vậy đã gây áp lực vô cùng lớn lên thế hệ trẻ Trung Quốc. Frank Lin, một kỹ sư trẻ, cho rằng: "Nhiều người làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn không mua được nhà. Có lẽ chúng ta nên từ bỏ mục tiêu này cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn".

Còn Hu, một người trải qua quãng thời gian làm việc quá sức cảm thấy rằng việc "nằm yên, mặc kệ tất cả" giúp cô cảm thấy thoải mái hơn. "Tôi từng rất muốn đi mua sắm, tiêu tiền để giải stress. Nhưng giờ đây sống đơn giản, không làm việc quá giờ, nghỉ hai ngày trong tuần và có mức lương 4.000 nhân dân tệ (khoảng 13,5 triệu đồng) một tháng là tốt rồi. Tôi không còn thiết tha nỗ lực gì nữa", Hu nói.

Trả lời với Thời báo Hoàn Cầu, các nhà giáo và xã hội học cho biết thế hệ trẻ Trung Quốc, hầu hết có xuất thân từ gia đình một con, thường tự cho mình là trung tâm và nhạy cảm hơn trước những áp lực so với thế hệ trước. "Thay vì tuân theo những "đức tính" đấu tranh, chịu đựng và hy sinh để đối diện với căng thẳng cuộc sống, họ chọn cách trốn tránh tạm thời như một sự hỗ trợ để điều chỉnh", các chuyên gia phân tích.

Zhao Ziyin, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại tỉnh Phúc Kiến cho rằng việc cư dân mạng ủng hộ trào lưu nằm thẳng khiến cô cảm thấy được an ủi. Đối với Zhao, việc chia sẻ tinh thần "nằm thẳng" cùng những người bạn trên mạng xã hội là cách giúp cô cảm thấy thoải mái hơn sau những giờ làm việc căng thẳng. Cô chọn lối sống này sau khi cảm thấy quá sức với văn hóa làm việc "996" nhàm chán của công ty. Với cô, nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau khi làm việc vất vả có thể là một trong những cách tốt nhất để lấy lại năng lượng và tiếp tục làm việc.

Bên cạnh vấn đề cạnh tranh trong môi trường làm việc, các bậc cha mẹ trẻ Trung Quốc cũng chịu áp lực cạnh tranh với nhau và ra sức thúc ép con mình học tập, cho rằng con mình có thể "thua thiệt ngay từ vạch xuất phát". Một số vị phụ huynh phân trần với Thời báo Hoàn cầu rằng họ cảm thấy áp lực khi con cái của bạn bè cùng lứa tỏ ra thông minh hơn.

"Chỉ những người thất bại, muốn nghèo mãi mãi thì mới nằm im và mặc kệ"

Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng làn sóng "nằm im, mặc kệ tất cả". Nói với tờ Business Insider, Yubo Li, 31 tuổi, designer tự do tại Thượng Hải cho rằng: "Bản thân việc "nằm nghỉ" không có nghĩa thực sự nằm cả ngày thất nghiệp. Nó có nghĩa là bạn làm việc ở mức độ phù hợp với bản thân, và quan trọng là làm điều mình thích".

Mỗi ngày, Li chỉ làm việc khoảng 5 giờ và chỉ làm để kiếm đủ tiền cho cuộc sống đơn giản của mình. Anh không thúc ép bản thân phải làm việc thêm giờ quá nhiều và anh cũng không ủng hộ việc làm quá sức để thăng tiến.

Với một số người khác, như Shihui Lin, 26 tuổi, tại Bắc Kinh thì việc "nằm nghỉ" chỉ mang tính chất tạm thời. Lin đã bỏ việc tại ngân hàng khi cảm thấy quá áp lực. Cô muốn "nằm nghỉ" vài tháng, trước khi có thể "đứng dậy" thêm một lần nữa.

"Tôi khi đó đã đánh mất chính mình. Sau khi thiếu ngủ suốt 5 ngày cho một dự án lớn, nếu không nghỉ việc bây giờ, tôi sẽ không thể chịu thêm được nữa", Lin nói và cho rằng cuộc sống của mình sẽ vô nghĩa nếu cứ tiếp tục làm việc quá sức như vậy. Công việc đã chiếm hầu hết thời gian của Lin suốt 3 năm trời và giờ cô muốn học cách sống thực sự. Cô cũng chuẩn bị cho việc mất thu nhập để có thời gian phục hồi lại tinh thần của mình.

Một số người cũng cho rằng đó là chỉ là xu hướng phù hợp với giới trung lưu và dành cho những ai có mức thu nhập ổn định.

Yixiang Zhou, 27 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực pháp lý ở Quảng Châu, cho rằng: "Ý tưởng về việc nằm xả hơi thật nực cười đối với tôi. Tôi không thể làm vậy vì bố mẹ tôi ngày một già đi. Khi họ nghỉ hưu và già yếu thì ai sẽ là người lo cho họ? Ai sẽ chi trả chi phí sinh hoạt và thăm khám sức khỏe nếu tôi cứ lãng phí tuổi trẻ của mình?", Zhou trả lời với tờ Business Insider.

Li-li Fang, sinh viên đại học 21 tuổi, cho rằng việc theo trào lưu "nằm im" là dấu hiệu của một thái độ không tốt.

"Theo tôi thì nằm im chỉ có thể được thực hiện bởi hai kiểu người: Những người đủ giàu để theo đuổi lối sống lười biếng, hoặc những người thất bại, không ngại nghèo mãi mãi", cô nói và thêm rằng: "Đừng lười biếng hoặc không muốn làm việc như lối sống này, bất chấp những chuẩn mực xã hội. Hãy tìm một công việc và ngừng ăn bám gia đình. Hãy làm cho bản thân trở nên hữu ích".

Huang Ping, giáo sư văn học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, thì bày tỏ, truyền thông đang rất lo ngại vì phong trào lười biếng này sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất lao động chung. Tuy nhiên, ông cũng không đồng tình hoàn toàn với quan điểm từ phía truyền thông. Theo ông Huang, người lao động không chỉ là những cỗ máy làm việc. Vị giáo sư cũng giải thích thêm nguyên nhân về mặt tâm lý của hiện tượng này là việc "nằm nghỉ" dễ dàng hơn so với việc phải tiếp tục cố gắng làm việc trong môi trường căng thẳng. Đó là một cách để nhiều người cởi bỏ hoàn toàn gánh nặng cuộc sống. 

Tờ Nhật báo Quảng Minh cho rằng: "Bất luận thế nào, người trẻ phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ. Cuộc sống chỉ hạnh phúc khi chúng ta làm việc chăm chỉ". Tờ báo này cũng nhấn mạnh chính quyền Trung Quốc nên cải thiện đời sống của người lao động để họ có thể thoải mái hơn trong công việc.

Chính phủ Trung Quốc phản ứng ra sao?

Khi trở nên phổ biến hơn, "tang ping" và bai lan" cũng bị chính phủ Trung Quốc phản đối. Các đơn vị kiểm duyệt được yêu cầu hoạt động mạnh mẽ hơn. Bài gốc của phong trào đã bị gỡ xuống ngay lập tức và các bài đăng lại hoặc với nội dung tương tự cũng đã bị xóa. Các chủ đề thảo luận hay các nhóm liên quan đến nội dung này cũng nhanh chóng bị gỡ xuống.

Vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại thành thị Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 đã tăng lên 19,9%. Theo SCMP, đây là mức tăng mạnh so với 28,4% trong tháng 5, là mức cao kỷ lục kể từ năm 2018 và là tháng thứ tư liên tiếp Trung Quốc ghi nhận kỷ lục thất nghiệp mới đối với người trẻ. 

Chiếc áo in mèo lười bị cấm và chuyện Trung Quốc ứng xử với thế hệ nằm im - 3

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại thành thị Trung Quốc đang tăng lên (Nguồn: Tradingeconomics.com)

Chính vì vậy, Trung Quốc đã lên án phong trào "nằm im" này và kêu gọi giới trẻ hãy vui lên. Theo He Junke - một thành viên của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, hầu hết thanh niên Trung Quốc vẫn đang chăm chỉ làm việc và việc họ nói về "nằm nghỉ" giống như là "một trò đùa để giải tỏa bớt áp lực và cảm xúc của họ".

Vào tháng 5/2021, Tân Hoa Xã đã đăng một bài xã luận trong đó khẳng định Tang ping là một điều "đáng xấu hổ". Tờ Nanfang Daily của Quảng Châu cũng cho rằng giới trẻ không nên học theo triết lý này. Thời báo Hoàn cầu của nhà nước cũng mô tả rằng "nằm nghỉ không phải là một triết lý nghiêm túc". Còn Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc thì chỉ ra rằng các nhân viên y tế trẻ ở tiền tuyến trong đại dịch "không bao giờ chọn nằm im".

Theo các nhà kinh tế - xã hội Trung Quốc, về lâu dài, việc nằm nghỉ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiêu dùng và tăng trưởng mà còn làm giảm tỷ lệ sinh vốn đã rất thấp của đất nước này.

Chiếc áo in mèo lười bị cấm và chuyện Trung Quốc ứng xử với thế hệ nằm im - 4

Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang ngày càng giảm (Nguồn: SCMP).

Các nhà tâm lý học và bác sĩ cũng cảnh báo rằng việc không vận động kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn thể chất và tinh thần đe dọa tính mạng, bao gồm cả bệnh tim và trầm cảm.

Tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, một nhà bình luận độc lập và là cựu phó giáo sư tại Đại học Thâm Quyến, cho rằng ông rất hiểu sự lo lắng của chính quyền Trung Quốc trước thái độ "nằm im, mặc kệ tất cả". "Nếu nó trở nên phổ biến, nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của giới trẻ về tăng trưởng thu nhập, việc tiêu dùng, kết hôn và sinh con. Điều này sẽ gây bất lợi cho khả năng giảm thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc", ông nói.

Nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự phục hồi ấn tượng sau tác động của đại dịch Covid-19. Nhưng hiện đất nước tỷ dân này vẫn đang phải đối mặt với vô số những khó khăn, bao gồm sự khủng hoảng bất động sản, tâm lý tiêu dùng của người dân và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc theo đuổi "sự thịnh vượng chung" và ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người không nên "nằm nghỉ". Ông cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải thúc đẩy mục tiêu của mình là tất cả công dân đều có cơ hội trở nên giàu có. "Chỉ bằng cách thúc đẩy thịnh vượng chung, tăng thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn, và cải thiện nguồn vốn con người, chúng ta mới có thể tăng năng suất tổng thể và củng cố nền tảng cho sự phát triển chất lượng cao", lời ông Tập, theo Qiushi.

Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)