DMagazine

Dỡ cây cầu cổ để du thuyền của tỷ phú đi qua, người giàu liệu có lỗi?

(Dân trí) - Chuyện Hà Lan dỡ nguyên một cây cầu cổ cho du thuyền của tỷ phú Jeff Bezos thoạt nhìn chỉ là chuyện dỡ cầu. Nhưng nhìn sâu xa hơn, đó còn là câu chuyện người giàu liệu có lỗi, tiền có là tất cả?

TỪ CHUYỆN DỠ NGUYÊN CÂY CẦU CỔ VÌ... TỶ PHÚ 

Jeff Bezos, tỷ phú giàu thứ hai thế giới, mới đặt hàng một chiếc siêu du thuyền. Dài tới 417 feet, Y721 là chiếc siêu du thuyền lớn nhất thế giới và đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ vươn khơi trong một vài tháng tới. 

Tuy vậy, có một vài vấn đề...

Chính kích cỡ quá khổ của Y721 khiến cho kế hoạch ra khơi của nó có thể thất bại. Dài và to, Y721 không thể rời Alblasserdam, nơi nó đang trong quá trình hoàn thiện. Cây cầu Royal Harbor Bridge, hay còn được biết đến với tên De Hef, chính là vật cản ngăn ý nguyện của ông chủ Amazon trở thành hiện thực. Nhưng mới đây chính quyền thành phố Rotterdam, Hà Lan đã chấp thuận dỡ bỏ tạm thời cây cầu cổ này, để cho du thuyền của tỷ phú có thể chui qua. 

Điều này dường như là minh chứng rõ nét nhất cho câu nói "có tiền mua tiên cũng được" hay "cái gì không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng... rất nhiều tiền". Bởi lẽ, sau đợt trùng tu mới nhất với cây cầu cổ này vào năm 2017, chính quyền thành phố Rotterdam đã đưa ra cam kết sẽ không tháo dỡ cây cầu cổ vốn được xây dựng từ năm 1878. Nhưng hiện tại, với yêu cầu từ công ty đóng tàu Oceanco, lời hứa này đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ. 

Tỷ phú Bezos hứa sẽ chi trả toàn bộ chi phí tháo dỡ cây cầu. Con số đó chẳng thấm vào đâu so với khoản tiền 500 triệu USD ông đã bỏ ra để tậu chiếc siêu du thuyền.

Gì chứ tiền ư, Jeff Bezos nào có thiếu. Doanh thu của Amazon đã tăng tới 40% trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, và chính điều này là bàn đạp để khối tài sản ròng của vị tỷ phú này tăng gấp nhiều lần.

Nhưng khi mang tiền ra để dỡ cầu và phục vụ cho thú chơi của mình, Jeff Bezos đã nhận về không ít chỉ trích. Thực ra, những chỉ trích xuất hiện không chỉ trong sự việc lần này, mà còn từ việc hưởng lợi thông qua tận dụng những người lao động đang làm việc trong các nhà kho của Amazon - những người bán sức khỏe của mình để nhận về những đồng lương rẻ mạt.

Dỡ cây cầu cổ để du thuyền của tỷ phú đi qua, người giàu liệu có lỗi? - 1

Cây cầu cổ De Hef tại thành phố Rotterdam, Hà Lan (Ảnh: Getty Image).

Câu chuyện về cây cầu tại Rotterdam là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy một số nhà tư bản sẵn sàng đạp đổ mọi thứ cản trở quá trình đạt được mục tiêu của họ bằng mọi giá mà không quan tâm đó là những chứng tích lịch sử tồn tại qua nhiều cuộc thế chiến.

Nhưng phía sau chuyện dỡ cầu cho thuyền tỷ phú đi qua, là cả một câu chuyện dài... 

NHÌN VỀ CHUYỆN NGƯỜI GIÀU CÀNG GIÀU HƠN

Các tỷ phú đã có một đại dịch tuyệt vời.

Nhưng người nghèo thì ngược lại.

Đó chính là hai điểm nhấn đáng chú ý trong một báo cáo mới có tên gọi "Equality kills" được công bố bởi Oxfam, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Anh với sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên quy mô toàn cầu.

Trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, các tỷ phú chắc hẳn là những người hài lòng nhất khi chứng kiến khối tài sản của mình không ngừng tăng cao. Thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra thậm chí còn được đánh giá là giai đoạn mà mức độ gia tăng tài sản của các tỷ phú lớn nhất trong lịch sử.

Cụ thể, tài sản của 10 vị tỷ phú giàu có nhất thế giới đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD. Chỉ riêng khối tài sản của ông chủ hãng xe điện Tesla- Elon Musk - đã tăng tới hơn 1.000%, từ 26 tỷ USD lên 294 tỷ USD ghi nhận tại thời điểm tháng 11/2021.

Vậy điều gì đã xảy ra?

Theo báo cáo của Oxfam, khi các chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái toàn cầu, thị trường chứng khoán đã bùng nổ mạnh mẽ. Và không chỉ dừng lại tại đó, nhiều loại hình tài sản sở hữu bởi giới nhà giàu như bất động sản, cũng bật tăng về giá trị.

Trớ trêu thay, nhiều người lên tiếng chỉ trích khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú lại ủng hộ các chính sách tiền tệ được ban hành, ví dụ như lãi suất 0%, vì họ nghĩ chúng nhằm mục tiêu thúc đẩy khả năng vay vốn và tiêu dùng. Họ cho rằng những chính sách đó sẽ giúp cải thiện nguồn tiền tại các doanh nghiệp và qua đó kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp trên thị trường. Nhưng liệu những điều đó có thực sự xảy ra hay không là điều mà chúng ta cần phải xem xét thấu đáo.

Trong khi đó, dựa trên dữ liệu của Ngân hàng thế giới World Bank, Oxfam khẳng định có tới 99% người dân trên toàn thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập và hơn 160 triệu người bị đẩy vào cảnh đói nghèo trong suốt thời gian đại dịch. Những mất mát kể trên thường gắn liền với những biện pháp phong tỏa, khiến người dân gặp khó trong quá trình thực hiện công việc hàng ngày của họ. Các nhà máy phải đóng cửa. Người lao động phải nghỉ việc trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đặc biệt là ngành du lịch.

Cho dù nhiều quốc gia đã ban hành các biện pháp an sinh, ví dụ như trợ cấp tài chính hoặc tạo ra các công việc ngắn hạn tạm thời, nhưng sự hỗ trợ đó là nhỏ hơn rất nhiều nếu so sánh với giới doanh nghiệp. Và nguồn hỗ trợ đến với một số doanh nghiệp thậm chí còn không giúp tạo ra các công việc mới hoặc duy trì các việc làm cũ. Nó chỉ góp phần làm tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp đó mà thôi.

Dỡ cây cầu cổ để du thuyền của tỷ phú đi qua, người giàu liệu có lỗi? - 2

Khối tài sản của tỷ phú Elon Musk đã tăng tới 1.000% trong hai năm qua (Ảnh: Reuters).

Muhammad Zaman, một giáo sư tại Đại học Boston, cho biết những vấn đề nêu trong báo cáo của Oxfam "là tương đối nhức nhối, nhưng không đáng ngạc nhiên".

"Một vài người đã nói rằng đại dịch Covid-19 là sự kiện giúp cân bằng lại mọi thứ, rằng mọi người đều phải đối diện với nó theo một cách giống nhau, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác", Zaman chia sẻ với tờ NPR. "Điều đó sẽ không bao giờ đúng trong những đại dịch có tính lây lan cao như thế này".

VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI GIÀU

Quay lại câu chuyện Hà Lan dỡ cầu, theo tờ The Sun, hơn 3.900 người dân thành phố Rotterdam sẽ tham gia một sự kiện trên mạng xã hội Facebook. Họ định sẽ cùng nhau ném trứng thối vào siêu du thuyền của tỷ phú Jeff Bezos khi nó đi qua cây cầu biểu tượng lịch sử của thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ phải tháo dỡ. Họ phẫn nộ.

Pablo Struermann, 40 tuổi, đã đăng tải một lời kêu gọi lên trang Facebook cá nhân của mình, thúc giục những người phản đối mang theo một giỏ trứng ung để ném vào con tàu khi nó di chuyển qua cây cầu.

"Rotterdam được xây dựng từ một đống đổ nát bởi chính những công dân của thành phố này, và chúng tôi sẽ không đồng ý bất cứ hành động phá dỡ nào chỉ để phục vụ một tay tỷ phú ngạo mạn. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng", Struermann viết trên Facebook. Bài viết của Struermann đã thu hút tham gia của gần 3.000 người, trong khi đó, có tới 10.000 người bày tỏ sự quan tâm của mình tới sự kiện này.

Khi được hỏi về động cơ lời kêu gọi này, Struermann nói: "Vì tôi là một người con của Rotterdam, và tôi cho rằng những người có rất nhiều tiền nên nhận ra rằng họ không thể làm mọi thứ theo ý của họ".

Trong thời gian gần đây, giới siêu giàu đã không ít lần xuất hiện trên mặt báo xung quanh cái cách mà họ chi tiêu hàng tỷ USD tiền kiếm được từ giai đoạn đại dịch. Nhiều người trong số họ đã mua cho mình những siêu du thuyền, ví dụ như Jeff Bezos, góp phần đẩy doanh số của mặt hàng này lên mốc kỷ lục trong năm 2021.

Nhưng những vị tỷ phú đó không chỉ sắm du thuyền, họ thậm chí còn "mua chuộc" cả những chính trị gia. Họ đã chi ra rất nhiều tiền, đặc biệt là thông qua các siêu ủy ban vận động bầu cử, với hy vọng hình thành nên tương lai pháp lý tại một quốc gia.

Tại Mỹ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã huy động hàng triệu USD trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, và không ai khác ngoài các vị tỷ phú đã đóng góp một vai trò không hề nhỏ trong quá trình tài trợ vốn cho cả hai Đảng. Những cá nhân ủng hộ nhiều cho Đảng Dân chủ bao gồm George Soros, Fred Eychaner, Reid Hoffman, Connie Ballmer, và George Marcus, trong khi đó, những cái tên quan trọng đối với Đảng Cộng hòa bao gồm Patrick Ryan và Ken Griffin.

Những "nhà tài trợ" lớn của Đảng Cộng hòa không chỉ "chi tiền" cho các thành viên trong Đảng. Họ còn lên tiếng ủng hộ các thượng nghị sĩ như Manchin và Sinema vì họ là những "chướng ngại vật" đối với các kế hoạch của đương kim tổng thống Joe Biden, đặc biệt là chương trình Build Back Better.

Và lý do tại sao chương trình Build Back Better của ông Biden lại không được thông qua bắt nguồn từ dự định tăng thuế đối với giới nhà giàu. Nhiều chương trình khác như CARES Act, American Rescue Plan và gói xây dựng cơ sở hạ tầng lưỡng Đảng đều được thông qua với sự ủng hộ cao. Sự khác biệt giữa những chương trình này với Build Back Better đó chính là nguồn tài chính của Build Back Better sẽ được lấy từ số tăng thu thuế đối với giới nhà giàu và doanh nghiệp.

Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề mang tên "tỷ phú". Thật không cam lòng khi chứng kiến trong khi hàng triệu người dân trên toàn cầu đang phải đối diện với nạn đói, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên... thì các vị tỷ phú lại tiêu vô số tiền của vào siêu du thuyền và thao túng chính sách. 

HIỆN THÂN CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG?

Trong báo cáo Inequality Kills công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Oxfam cho biết sự bất bình đẳng chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của ít nhất 21.000 người trên toàn cầu mỗi ngày. Kết quả này được tính toán dựa trên số lượng người tử vong trên phạm vi toàn thế giới do thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bạo lực giới, nạn đói và biến đổi khí hậu.

Tài sản của các tỷ phú đã tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ. Với 5.000 tỷ USD, đây là mức gia tăng tài sản lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Ví dụ, nếu đánh thuế một lần với thuế suất 99% đối với khối tài sản tăng thêm của 10 vị tỷ phú giàu có nhất thế giới trong hai năm trở lại đây, chúng ta sẽ có đủ tiền để sản xuất đủ vaccine cho người dân toàn cầu và cung cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe và xã hội, hỗ trợ tài chính cho quá trình thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu bạo lực giới tính tại hơn 80 quốc gia.

Các vị tỷ phú đã có một đại dịch hoàn hảo. Các ngân hàng Trung ương đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường tài chính nhằm cứu vớt nền kinh tế, và một phần trong số đó đã chảy vào túi của họ. Vaccine là giải pháp tốt nhất để chấm dứt đại dịch, nhưng các quốc gia giàu có lại cho phép các tỷ phú ngành dược độc quyền công thức qua đó giảm khả năng tiếp cận vaccine của hàng tỷ người dân.

Sự bất bình đẳng nghiêm trọng là một dạng của bạo lực kinh tế, khi những chính sách và quyết định chính trị có lợi cho quyền lực và tài sản của một số ít cá nhân lại gây ra những hệ quả to lớn đối với một bộ phận không nhỏ người dân bình thường trên khắp Trái Đất.

Dịch bệnh Covid-19 đã hé lộ động cơ cho sự tham lam và những cơ hội tạo ra thông qua các phương thức kinh tế và chính trị, qua đó, sự bất bình đẳng nghiêm trọng đã trở thành một công cụ của bạo lực kinh tế. Sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, đây là một kết luận gây sốc mà Oxfam đã công bố ngày hôm nay.

Dù phải chi ra không ít tiền cho công cuộc phòng chống dịch bệnh, trong hai năm qua, các quốc gia giàu có đã không thể gia tăng mức thuế nhắm vào những cá nhân giàu có trong khi lại tiếp tục tư nhân hóa những loại hàng hóa công cộng như vaccine. 

Sự bất bình đẳng gia tăng mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra hết sức cam go, khi 1% những người giàu có nhất lại đang phát thải CO2 nhiều hơn gấp 2 lần so với 50% người dân nghèo khó ở nửa còn lại. Một loạt các vụ cháy rừng, hạn hán, bão lũ đã liên tục xảy ra, và hệ quả là mùa màng thất bát, người dân lâm vào cảnh đói, nghèo.

Dỡ cây cầu cổ để du thuyền của tỷ phú đi qua, người giàu liệu có lỗi? - 3

Đói nghèo đang diễn ra nghiêm trọng hơn sau đại dịch (Ảnh: weltohnehunger.org).

Tình trạng bất bình đẳng hiện tại xảy ra không phải điều ngẫu nhiên. Các cấu trúc kinh tế hiện tại không chỉ khiến cho chúng ta trở nên ít an toàn hơn trước đại dịch mà còn giúp sức cho những cá nhân giàu có và quyền lực thu về không ít nguồn lợi từ đại dịch này.

Báo cáo của Oxfam nhấn mạnh vào vai trò của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc, với mong muốn họ sẽ cân nhắc các chính sách nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, trong đó bao gồm tăng thuế suất nhắm vào giới nhà giàu và hành động chống lại hiện tượng độc quyền. Chỉ khi các quốc gia đó thực hiện được những điều này, một sự thay đổi trong tư tưởng trong phần còn lại của thế giới sẽ xuất hiện.

Oxfam khuyến nghị các chính phủ cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp như:

  • Hãy "thu nhỏ" khoản tăng trưởng tài sản của các tỷ phú trong thời gian đại dịch thông qua hình thức đánh thuế tài sản và vốn.
  • Sử dụng nguồn thu từ các loại thuế kể trên để đầu tư vào các chương trình bảo trợ sức khỏe và xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu bạo lực giới.
  • Các quốc gia giàu có cần chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ vắc xin Covid-19, qua đó cho phép nhiều hơn các quốc gia có thể sản xuất các dòng vắc xin phòng bệnh hiệu quả, góp phần sớm chấm dứt đại dịch.

 TỶ PHÚ HOÀN TOÀN CÓ LỖI?

Đó là một câu hỏi cần phải bàn luận rất nhiều.

Oxfam cho biết các chương trình nhằm giúp đỡ người nghèo như hỗ trợ thực phẩm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đang được đầu tư chưa thỏa đáng khi mà giới nhà giàu đang cố gắng tìm cách vận động hành lang nhằm "bôi trơn" các chính sách có lợi cho túi tiền của họ.

Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tình trạng bạo lực kinh tế chắc chắn tồn tại. Các tỷ phú có thể là nguyên nhân cho tình trạng này nhưng đó không phải là tất cả. Ví dụ, nhiều cử tri tại các quốc gia giàu có có tư tưởng không ủng hộ các chính sách về khí hậu.

Tồn tại một lỗ hổng trong hệ thống kinh tế, qua đó cho phép một số người trở nên rất giàu có, trong khi nhiều người khác lại không có đủ các điều kiện cần thiết để tồn tại. Việc không có đủ 2 bữa ăn mỗi ngày có thể dẫn tới tình trạng bệnh tật và suy dinh dưỡng, nhưng có không ít người lại có thể nhân đôi tài sản của mình trong khi hầu như không phải trả một đồng tiền thuế nào. Điều đó khó có thể chấp nhận.

Dịch bệnh đã phơi bày ra không ít những ví dụ minh họa cho tình trạng bất bình đẳng. Thế giới hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ vaccine cho toàn bộ người dân nhưng vì lý do nào đó điều đó không thể xảy ra. Có chăng nó xuất phát từ sự ích kỷ của một số cá nhân?