Loài rắn độc nguy hiểm, xuất hiện nhiều tại miền Bắc ở thời điểm hiện tại
(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều người sống tại các tỉnh thành ở miền Bắc Việt Nam đã bắt gặp những cá thể rắn hổ mang non xuất hiện tại cả những khu vực đông dân cư. Điều này đã khiến không ít người lo sợ.
Loài rắn hổ mang phổ biến nhất tại miền Bắc Việt Nam
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội lớn của Việt Nam như Facebook, Zalo… nhiều người dùng đã phản ánh việc họ bắt gặp những cá thể rắn xuất hiện ở nhiều nơi, bao gồm đồng ruộng, công viên hay thậm chí cả những khu dân cư đông người sinh sống.
Những cá thể rắn này chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh thành thuộc phía Bắc, kéo dài đến các tỉnh thuộc bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh… Những người này cho biết họ không rõ loài rắn mà mình đã bắt gặp là gì, nhưng dựa vào kích thước và hành động ngóc cao đầu và bành mang, họ có thể nhận ra đây là những cá thể rắn hổ mang non chưa trưởng thành.
Dựa vào những hình ảnh do cư dân mạng chia sẻ cho thấy những cá thể rắn này đều chung một loài, đó là rắn hổ mang Trung Quốc.
Rắn hổ mang Trung Quốc, có tên khoa học Naja atra, còn được biết đến với tên gọi hổ mang bành, hổ mang thường… là một trong những loài rắn độc phổ biến nhất tại khu vực miền Bắc Việt Nam.
Rắn hổ mang Trung Quốc được phân bố chủ yếu tại khu vực đông nam Trung Quốc, đảo Hải Nam, đảo Đài Loan, phía Bắc Việt Nam và một phần nhỏ phía bắc của Lào.
Tại Việt Nam, loài rắn này có nhiều ở các tỉnh thành ở phía Bắc, kéo dài đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và xuất hiện rải rác tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Các tỉnh thành phía nam từ Thừa Thiên-Huế trở vào dường như không ghi nhận sự xuất hiện của rắn hổ mang Trung Quốc.
Rắn hổ mang Trung Quốc được tìm thấy ở nhiều môi trường sống khác nhau, bao gồm đồng cỏ, rừng cây, đất cây bụi, đầm lầy, ven sông suối, khu vực ruộng lúa canh tác nông nghiệp… thậm chí, loài rắn này còn có thể được tìm thấy cả ở những khu dân cư sinh sống, những nơi có đất bỏ hoang cây cối mọc um tùm tại các thành phố…
Loài rắn này hoạt động cả ngày, nhưng chủ yếu săn mồi vào ban đêm. Thức ăn chính của chúng là cóc, ếch, thằn lằn, chuột và cả các loài rắn khác. Rắn non chủ yếu ăn ếch, nhái.
Đặc điểm nhận dạng của rắn hổ mang Trung Quốc
Rắn hổ mang Trung Quốc là loài rắn độc kích thước trung bình, với chiều dài khoảng từ 1,2 đến 1,5m, đôi khi có thể dài đến 2m nhưng rất hiếm gặp. Giống các loài rắn hổ mang khác, rắn hổ mang Trung Quốc dễ dàng được nhận dạng nhờ phần cổ có khả năng bành mang và ngóc cao đầu khi bị đe dọa.
Loài rắn này có đầu hình tam giác, phần thân màu đen, nâu hoặc xám, với một số đường màu vàng chạy ngang thân. Mặt dưới của rắn có màu sáng hơn. Phần mang cổ khi bành rộng có thể quan sát thấy hoa văn hình móng ngựa với 2 hình tròn, giống như 2 mắt kính. Đôi khi hoa văn này kéo dài thành một vạch, nhưng vẫn có thể thấy phần vành khuyên móng ngựa.
Khi rắn hổ mang Trung Quốc ngóc cao đầu có thể nhìn thấy 2 đốm màu đen phía dưới mang cổ.
Hoa văn trên rắn hổ mang Trung Quốc có thể bị nhầm lẫn với rắn hổ mang đất (còn được gọi là rắn hổ mang một mắt kính), dù phạm vi phân bố của 2 loài này không trùng nhau do rắn hổ mang đất thường phân bố ở khu vực miền Nam Việt Nam.
Tất cả các loài rắn hổ mang đều sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người, do vậy nếu nhìn thấy rắn hổ mang, dù là loài nào đi chăng nữa, hãy tìm cách tránh xa chúng đề phòng trường hợp bị rắn cắn gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì sao rắn hổ mang Trung Quốc xuất hiện nhiều vào thời điểm này trong năm?
Sở dĩ có điều này là vì hiện tại là khoảng thời gian rắn non nở ra khỏi trứng sau mùa sinh sản của loài rắn này.
Theo đó, rắn hổ mang Trung Quốc trưởng thành giao phối vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sau đó đẻ trứng vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7. Mỗi lứa rắn mẹ sẽ đẻ từ 6 đến 20 trứng. Trứng sẽ nở sau 50 đến 57 ngày, nghĩa là con non sẽ xuất hiện vào giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.
Rắn hổ mang Trung Quốc là loài hung dữ, nhưng chúng vẫn ít khi chủ động tấn công con người, luôn tìm cách tránh xa và lẩn trốn để không đối đầu với con người. Tuy nhiên, rắn hổ mang Trung Quốc non thường có xu hướng hung dữ hơn do bản năng sinh tồn của chúng, luôn phải chống chọi với nhiều loại kẻ thù để sống sót khi còn nhỏ.
Rắn non ngay khi nở ra khỏi trứng đã có khả năng bành mang và ngóc cao đầu để đe dọa kẻ thù. Chúng sở hữu ngay răng và tuyến độc khi mới chào đời và đã đủ khả năng cắn chết người.
Cần làm gì nếu không may bị rắn hổ mang Trung Quốc cắn trúng?
Rắn hổ mang Trung Quốc là loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người. Đây là loài rắn gây ra số lượng rắn độc cắn và số ca tử vong do rắn cắn nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục.
Rắn hổ mang Trung Quốc sở hữu nọc độc thần kinh và nọc độc tế bào, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim và gây hoại tử vết thương. Khi con người bị cắn, vết thương sẽ sẫm màu đỏ và sưng đau tại vết cắn.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ bị hoại tử vết thương, đau tức ngực, sốt cao, đau họng, khó nuốt, tụt lưỡi gây mất giọng, các chi yếu dần, khó thở và cuối cùng là dẫn đến tử vong.
Trong trường hợp bị loài rắn này cắn trúng, cần phải giữ nạn nhân bình tĩnh, tránh vận động nhiều khiến tim đập nhanh dẫn đến nọc độc lan truyền nhanh hơn.
Do rắn hổ mang Trung Quốc sở hữu nọc độc tế bào gây hoại tử, tuyệt đối không được sơ cứu bằng cách băng ga rô vì điều này có thể khiến vết thương trầm trọng hơn. Cần phải lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc vết thương đúng cách.
Hiện tại đã có huyết thanh giải độc cho vết cắn do rắn hổ mang Trung Quốc gây ra, giúp giảm nguy cơ tử vong và để lại hậu quả sau khi bị rắn cắn.
Nên xử lý thế nào khi bắt gặp rắn hoặc khi rắn bò vào nhà?
Theo anh Nguyễn Chí Lâm - đại diện nhóm di dời rắn Viet Snake Rescuer, một nhóm chuyên hỗ trợ giải cứu và tái thả các cá thể rắn xuất hiện tại khu vực con người sinh sống - dưới đây là một vài điều mọi người cần lưu ý nếu bắt gặp rắn:
- Khi gặp rắn vào nhà, điều cần làm đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, giữ khoảng cách an toàn với rắn, sử dụng điện thoại hoặc thiết bị ghi hình để lưu giữ hình ảnh của rắn, sau đó gửi hình ảnh này đến với những người có chuyên môn về rắn hoặc lực lượng cứu hộ địa phương.
Hình ảnh về các loài rắn ghi được cũng rất hữu ích trong trường hợp không may bị rắn cắn, sẽ giúp các bác sĩ có phương án điều trị và sử dụng loại huyết thanh kháng nọc độc phù hợp với từng nhóm đối tượng.
- Trong khi chờ lực lượng cứu hộ hoặc nhóm giải cứu rắn đến hiện trường, người dân cần phải luôn để mắt đến rắn, tránh để con vật chạy khỏi tầm mắt và lẩn trốn vào những góc khuất trong nhà.
- Nếu không thể liên lạc với lực lượng cứu hộ hoặc các chuyên gia bò sát, người dân có thể sử dụng sào, cán chổi dài… và một cái thùng để đựng rắn. Sau đó, sử dụng sào hoặc cán chổi để lùa hoặc móc rắn cho vào thùng, đậy nắp chặt để tránh rắn trốn thoát.
- Theo anh Lâm, mọi người cần phải giữ khoảng cách an toàn, không cố bắt rắn nếu không đủ kỹ năng vì đây là hành động khiến rắn rơi vào trạng thái bị đe dọa và phản ứng phòng vệ theo bản năng. Lúc này, rắn có thể trở nên hung dữ và tấn công con người, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
- Một điều cần lưu ý, trong trường hợp rắn sợ hãi hoặc bị đập chết, con vật sẽ tiết ra mùi hương mà con người khó nhận ra cũng như rất khó tẩy rửa. Mùi hương này không chỉ dẫn dụ các cá thể rắn cùng loài nhưng khác giới tìm đến, mà còn có thể thu hút sự chú ý của các loài rắn ăn rắn khác, có thể gây nguy hiểm cho con người.