(Dân trí) - Từ một giáo sư đại học, đại biểu Quốc hội, sau 2 năm nhận nhiệm vụ, GS Nguyễn Minh Thuyết đã “trình làng” Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhân dịp đầu xuân, ông có phút trải lòng về cơ duyên gách vác công việc đầu tiên trong lịch sử: Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông.
Từ một giáo sư đại học, đại biểu Quốc hội, sau 2 năm nhận nhiệm vụ, GS Nguyễn Minh Thuyết đã “trình làng” Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhân dịp đầu xuân, ông có phút trải lòng về cơ duyên gánh vác công việc đầu tiên trong lịch sử: Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông.
Khó như… viết SGK phổ thông
Từ một giáo sư đại học, đến đại biểu Quốc hội, cơ duyên nào khiến ông “bén duyên” với Chương trình giáo dục phổ thông 2018?
Hồi học phổ thông, tôi chưa bao giờ có ước mong làm thầy giáo. Khi vào đại học (ĐH), tôi học Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐHKHXH&NV), không học Sư phạm ngày nào.
Khi ra trường, đất nước đang có chiến tranh. Trong phong trào “Ba sẵn sàng”, lứa chúng tôi đều làm đơn tình nguyện ra trận nhưng không được, có lẽ vì hồi đó người ta không lấy đến những người tốt nghiệp ĐH.
Chúng tôi lại viết đơn xung phong đi bất cứ nơi đâu đất nước cần. Tôi được điều lên dạy tại ĐH Sư phạm Việt Bắc. Đấy là cơ duyên đầu tiên đưa tôi đến với giáo dục phổ thông.
Khi chuyển về Hà Nội, tôi làm việc ở Viện Khoa học giáo dục, chuyên nghiên cứu về giáo dục phổ thông.
Rồi tôi về lại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tưởng duyên nợ với giáo dục phổ thông đến đây là dứt. Nhưng năm 1992, tôi được mời viết cuốn sách giáo khoa (SGK) đầu tiên là cuốn Làm văn lớp 12. Năm 2002, tôi được mời làm Chủ biên SGK Tiếng Việt tiểu học (từ lớp 2 đến lớp 5) và Chủ biên phần Tiếng Việt trong SGK Ngữ văn trung học cơ sở. Trong ngành giáo dục, có lẽ ít người có cơ duyên như tôi, viết từ SGK tiểu học đến giáo trình ĐH và chuyên luận sau ĐH.
Từ một giảng viên, nhà quản lý ĐH, khi bắt tay làm chương trình, SGK cho học sinh phổ thông, ông thấy có khó và nhiều sự khác biệt?
Mỗi cấp học có cái khó riêng nhưng không có gì khó hơn viết SGK phổ thông bởi vừa đáp ứng các yêu cầu khoa học, vừa phải đáp ứng các yêu cầu sư phạm.
Là tài liệu khoa học, SGK phải đảm bảo tính cập nhật, chính xác; nhưng là tài liệu sư phạm, phải đảm bảo phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, với mục tiêu giáo dục.
Thách thức lớn nhất đối với người viết SGK là phải hài hòa được hai yêu cầu này.
Lần đầu tiên trong lịch sử có danh xưng “Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông”. Làm thế nào để ông gánh vác trọng trách lớn như vậy?
Khoảng tháng 9 năm 2016, sau nửa năm nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mời tôi làm Tổng chủ biên cho Chương trình mới.
Thú thực tôi đã phải từ chối vì làm chương trình phải bao quát tất cả các môn học, còn khó hơn viết SGK, mà lúc đó tôi lớn tuổi rồi. Tôi có kinh nghiệm viết SGK nên muốn tập trung làm SGK môn học của mình thôi.
Tôi giới thiệu với Bộ trưởng một vài người am hiểu giáo dục phổ thông. Một vài người nữa cũng được người khác giới thiệu cho Bộ trưởng.
Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 10/2016, Bộ trưởng Nhạ tiếp tục mời tôi lên và cho biết, nhiều người trong số các chuyên gia ấy lại tiến cử tôi. Tôi từng làm việc với anh Nhạ ở Đại học Quốc gia. Chỗ quen biết, nay anh ấy nhờ, không thể không giúp. Thế là tôi nhận lời.
Xong chương trình, tôi đang làm bộ sách Ngữ văn - Tiếng Việt cho NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (bộ sách có tên là Cánh Diều). Tôi nghĩ, mình còn “dính” đến mảng này lâu dài.
Cô Bình nói một câu khiến tôi “tỉnh” ra
Những ngày đầu làm chương trình mới của một người được xem “ngoại đạo”, ông có vấp phải nhiều trở ngại?
Tôi nhớ mình nhậm chức và bắt tay vào công việc Tổng chủ biên vào ngày 1/11/2016, với nền tảng là những kiến thức đã tích lũy được trong suốt mấy chục năm dạy ở ĐHSP, làm việc ở Viện Khoa học giáo dục, đi nghiên cứu ở nước ngoài và thường xuyên tham gia các hội thảo về chương trình, SGK phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Cũng phải nói là tôi không làm chương trình một mình và làm từ số 0 vì trước đó, Bộ GD&ĐT đã có bộ phận Thường trực Ban soạn thảo chương trình mới, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là TS Nguyễn Vinh Hiển đứng đầu.
Ban này có các chuyên gia từng được gửi đi học hỏi ở nhiều nước và cũng được chuyên gia quốc tế sang giới thiệu lý thuyết và kinh nghiệm xây dựng chương trình. Tháng 8/2015, Ban soạn thảo đã xây dựng được khung chương trình mới và đã được các chuyên gia giáo dục cũng như các tầng lớp nhân dân góp ý
Tôi tiếp nhận công việc khi đã có khung chương trình sơ bộ đó và có nhiều chuyên gia hiểu biết, tâm huyết giúp đỡ. Đó là thuận lợi căn bản khi tôi bắt tay vào công việc.
Trong 4 lần cải cách và đổi mới giáo dục trước đây, 3 lần cải cách giáo dục không kịp biên soạn chương trình mà chỉ viết SGK. Lần đầu tiên gánh trọng trách này, hẳn ông rất nhiều áp lực?
Làm giáo dục phổ thông rất khổ và khó vì được rất nhiều người quan tâm; nói vui là được hàng chục triệu người “soi”. Đó là cái khó chung của giáo dục.
Cái khó riêng của anh em chúng tôi là lần đầu tiên nước ta làm chương trình theo định hướng phát triển năng lực.
Thứ ba, có một số điều được nêu ra trong Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK, như “tổ chức thực nghiệm chương trình” rất mới lạ với anh em. Tuy nhiên, do có 2 khóa ở Quốc hội, tôi hiểu đây chính là việc đánh giá tác động của chính sách và đã tổ chức công việc theo hướng này, đạt kết quả.
Ngoài ra, đối với tôi, có cái khó riêng. Như đã nói, anh em trong Ban soạn thảo chương trình toàn là các đầu lĩnh chuyên môn. Đây là thuận lợi rất căn bản giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng mặt khác, làm việc với các đầu lĩnh chuyên môn không dễ.
Người giỏi thường có cá tính và không dễ nghe ai. Để tập hợp được anh em, phát huy được trí tuệ của mỗi đầu lĩnh chuyên môn ấy cho công việc chung, tôi luôn tâm niệm phải lắng nghe, chắt lọc, tổng hợp ý kiến của mọi người một cách hợp lý để đưa ra được giải pháp phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Được cái hay là đối với các chuyên gia giỏi, khi đã thuyết phục được rồi, họ rất tin cậy và bắt tay vào làm rất hiệu quả.
Có lúc nào ông thấy khó khăn đến mức định buông bỏ?
Buông bỏ ư? Tôi sinh ra và lớn lên trong thời chiến nên đã được rèn luyện ý chí vượt khó, không vì bất cứ điều gì mà buông bỏ nhiệm vụ của mình.
Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã gặp khó khăn khi phải giải thích các khái niệm “phẩm chất”, “năng lực” và xác định hệ thống phẩm chất, năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh.
Về năng lực thì tài liệu nước ngoài viết nhiều. Vấn đề đặt ra chỉ là khái quát thành một hệ thống hợp lý. Đối với người làm khoa học, chuyện này không khó. Nhưng về phẩm chất thì quả là khó khăn. Nước nào cũng đề cao các giá trị sống, nhưng chỉ các nước châu Á mới quy định trong chương trình.
Chúng tôi tìm hiểu chương trình 5 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc thì thấy, họ đều xác định các yêu cầu về phẩm chất nhưng mỗi nước một khác.
Làm thế nào để xây dựng các yêu cầu về phẩm chất phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam? Bàn bạc mãi, anh em mới tạm thống nhất một hệ thống ban đầu.
Với tư cách Tổng chủ biên, tôi đến hỏi ý kiến các chuyên gia, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
Sau một thời gian nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Bình có thư hoan nghênh và trả lời tôi: “Để có định hướng đúng và thuyết phục được xã hội, cần dựa vào các nghị quyết của Đảng về xây dựng con người Việt Nam”.
Ý kiến của cô Bình quá hay, khiến tôi “tỉnh” ra. Năm phẩm chất chủ yếu mà Chương trình GDPT năm 2018 nêu ra là dựa trên định hướng của hai nghị quyết Trung ương về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam: Nghị quyết 5 khóa VIII năm 1998 và Nghị quyết 33 khóa 11, năm 2014.
GS Nguyễn Minh Thuyết (70 tuổi) quê quán xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Từ năm 1990 - 2003, ông là giáo sư, giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ học, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trước khi làm quản lý ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ông từng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc; làm việc ở Viện Khoa học giáo dục; tham gia viết sách giáo khoa từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Ông là đại biểu Quốc hội VN các khóa XI, XII (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) và từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ông nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên chương trình GDPT mới từ tháng 11/2016.
Mỹ Hà