6 biện pháp giảm tải cấp học phổ thông trong chương trình phổ thông mới

(Dân trí) - Thực tế, thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước nhưng việc học đang quá tải vì nhiều nguyên nhân: nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết, một số kiến thức không thiết thực, học sinh còn học để thi… Ở chương trình phổ thông mới, đã áp dụng 6 biện pháp giảm tải chương trình.

Hệ thống môn học của chương trình mới:

Trong bài viết trước, Dân trí đã giới thiệu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cấp tiểu học có những điểm khác biệt chương trình hiện hành ra sao.

Ở cấp THCS, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

6 biện pháp giảm tải cấp học phổ thông trong chương trình phổ thông mới - 1

 

Cụ thể cấp Tiểu học:
-Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
-Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Cấp THCS: 
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn)
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Cấp THPT:
-Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
-Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
-Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

6 biện pháp giảm tải cấp học phổ thông trong chương trình phổ thông mới - 2
Giảm cao nhất 315 giờ ở cấp THPT

Ở cấp THCS, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ.

Đối với bậc THPT, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THPT giảm mạnh, từ 262 giờ đến 315 giờ.

Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.

Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 6.349 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 1.126 giờ.

Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.

Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Về phương pháp giáo dục, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.

6 biện pháp giảm tải trong chương trình mới

Từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải” trong GDPT. Từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lí thuyết, thời gian học tập lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày đều được phụ huynh học sinh và báo chí nêu lên như những điển hình về sức ép học hành đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở. Bộ GD&ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.

Theo Bộ GD&ĐT, thực tế thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước.

Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi năm học sinh bang California, Hoa Kì phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ v.v…

6 biện pháp giảm tải cấp học phổ thông trong chương trình phổ thông mới - 3

Việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải do: Nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực. (Ảnh:  Minh họa). 

 

Việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải do:

Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không thiết thực.

Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.

Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.

Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.

Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.

Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.

Ở Chương trình GDPT mới, áp dụng 6 biện pháp giảm tải sau:

Giảm số môn học và hoạt động giáo dục; Giảm số tiết học; Giảm kiến thức kinh viện; Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn; Thực hiện phương pháp dạy học mới; Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.

Mỹ Hà