Phụ huynh tự nhốt mình để hiểu nỗi đau của con trước áp lực cuộc sống

Bích Ngọc

(Dân trí) - Hàn Quốc đang phải đối diện với thế hệ những người trẻ sống ẩn dật vì không chịu nổi áp lực. Vì vậy, phụ huynh tại Hàn Quốc được yêu cầu tự nhốt mình trong phòng kín nhiều ngày để hiểu tâm lý của con.

Tự nhốt mình 3 ngày trong phòng 

Trung tâm Hồi phục Cá voi xanh (BWRC) và Quỹ Thanh niên Hàn Quốc (KYF) đang tiến hành chương trình giáo dục phụ huynh có con sống ẩn dật. Chương trình này kéo dài 13 tuần nhằm giúp cha mẹ hiểu trạng thái tâm lý của những người con lựa chọn lối sống ẩn dật.

Năm 2023, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) đã tiến hành khảo sát đối với 15.000 thanh thiếu niên nước này. Họ phát hiện ra có khoảng 5% thanh thiếu niên tham gia khảo sát đang tự cách ly mình khỏi đời sống xã hội.

Phụ huynh tự nhốt mình để hiểu nỗi đau của con trước áp lực cuộc sống - 1

Hàn Quốc đang phải đối diện với tình trạng một bộ phận thanh thiếu niên lựa chọn lối sống ẩn dật (Ảnh minh họa: SCMP).

Những thanh thiếu niên này cảm thấy khốn khổ trong cuộc sống, tình trạng sức khỏe tinh thần của họ cũng không ở trạng thái bình thường. Họ tìm mọi cách để né tránh các tương tác xã hội, chỉ ở trong phòng riêng từ ngày này sang ngày khác, tránh cả giao tiếp với người thân.

Để hỗ trợ điều trị cho những thanh thiếu niên sống ẩn dật, cha mẹ của họ được yêu cầu tham gia vào quá trình trị liệu. Hiện tại, nhiều phụ huynh có con sống ẩn dật được yêu cầu tự nhốt mình trong phòng tối thiểu 3 ngày để hiểu về trạng thái xa lánh xã hội mà con họ đang trải qua.

Tại một trung tâm trị liệu nằm ở tỉnh Gangwon, một số phụ huynh thu xếp công việc và cuộc sống để tới sống vài ngày trong những căn phòng nhỏ.

Những căn phòng này được thiết kế tối giản, khi bước vào phòng, phụ huynh phải bỏ lại tất cả các thiết bị điện tử để ngưng kết nối xã hội. Họ dành vài ngày ở trong căn phòng nhỏ có sẵn phòng tắm, phòng vệ sinh. Vào khung giờ định kỳ trong ngày, họ nhận đồ ăn tiếp tế đưa qua một ô cửa nhỏ.

Sau trải nghiệm này, nhiều phụ huynh cho biết họ đã hiểu hơn về trạng thái tâm lý cô độc và lặng lẽ của con mình.

Phụ huynh tự nhốt mình để hiểu nỗi đau của con trước áp lực cuộc sống - 2

Những phụ huynh có con sống ẩn dật được yêu cầu tự nhốt mình trong phòng vài ngày để hiểu tâm lý của con (Ảnh minh họa: SCMP).

Bà Jin Young-hae (50 tuổi) có con trai sống ẩn dật trong phòng riêng 3 năm qua. Sau khi bỏ học đại học, con trai bà Jin bắt đầu tự nhốt mình trong phòng, không thực hiện việc vệ sinh cá nhân và thường xuyên bỏ bữa. Là một người mẹ, bà Jin rất đau khổ.

Trong 3 ngày tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ tại trung tâm trị liệu, bà Jin dành thời gian để đọc nhật ký của một số thanh thiếu niên từng sống ẩn dật, né tránh xã hội. Bà cho biết bản thân đã hiểu hơn về tâm lý của con trai bà - một thanh niên 24 tuổi.

Các phương pháp trị liệu tâm lý mà bà Jin nhận được tại trung tâm bao gồm các đối thoại xung quanh chuyện gia đình của bà, mối quan hệ giữa vợ chồng bà và con, cũng như cách thức để giúp con bà kết nối với xã hội trở lại.

Sau trải nghiệm tự nhốt mình 3 ngày tại trung tâm trị liệu, bà Jin chia sẻ: "Tôi nhận ra con trai tôi đang sử dụng sự im lặng để tự bảo vệ mình, bởi con cảm thấy không ai hiểu con cả".

Phản ứng tiêu cực của người trẻ gây thiệt hại lớn

Bà Kim Seong-a, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Sức khỏe và Các vấn đề Xã hội tại Hàn Quốc, đánh giá rằng, hiện tượng một bộ phận thanh thiếu niên Hàn Quốc sống ẩn dật cũng giống như hiện tượng "nằm yên, mặc kệ đời" xuất hiện ở một bộ phận người trẻ tại Trung Quốc.

Đây đều là những phản ứng tiêu cực của người trẻ khi họ cảm thấy không đương đầu nổi với áp lực thi cử, công việc và cuộc sống gia đình. Lúc này, một bộ phận người trẻ chuyển sang trạng thái ngừng nỗ lực, ngừng hòa nhập vào guồng quay của xã hội.

Phụ huynh tự nhốt mình để hiểu nỗi đau của con trước áp lực cuộc sống - 3

Hàn Quốc phải đối diện với khoản thiệt hại lên tới 7.500 tỷ won mỗi năm vì một bộ phận thanh thiếu niên sống ẩn dật (Ảnh minh họa: SCMP).

Nghiên cứu chỉ ra rằng những thanh thiếu niên chọn sống ẩn dật tại Hàn Quốc đều phải chịu áp lực đến từ việc học hành, thi cử, công việc, kỳ vọng của gia đình...

Bà Kim Hye-won, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hoseo, cho hay người trẻ Hàn Quốc thường được kỳ vọng ổn định công việc ở tuổi ngoài 20, ổn định cuộc sống gia đình riêng ở tuổi ngoài 30. Việc không đạt được các mốc này khiến người trẻ dễ rơi vào trạng thái suy sụp, tự thấy mình vô dụng, gây thất vọng cho gia đình.

Dần dần, họ cảm thấy xấu hổ, sợ hãi trong việc đối diện với người thân và người xung quanh, họ chuyển sang sống ẩn dật, né tránh các tương tác xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học tại Hàn Quốc, việc người trẻ tự cách ly mình khỏi đời sống xã hội gây nên những hệ lụy trầm trọng cho cộng đồng.

Năm ngoái, Quỹ Thanh niên Hàn Quốc ước tính mỗi năm, quốc gia này phải đối diện với khoản thiệt hại lên tới 7.500 tỷ won (tương đương 5,4 tỷ USD) vì những thanh thiếu niên sống ẩn dật, xa lánh xã hội. Khoản thiệt hại này bao gồm những tổn thất về mặt kinh tế, chi phí dành cho phúc lợi xã hội và dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho nhóm đối tượng này.

Theo SCMP/CNA