DMagazine

"Cất" bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ

(Dân trí) - Nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp đang có chuyển biến tích cực, nhiều người xuất thân từ trường nghề đạt được thành công, nhiều em học sinh giỏi chọn học nghề ngay từ đầu chứ không vào đại học.

"Cất" bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ

Nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp đang có chuyển biến tích cực, nhiều người xuất thân từ trường nghề đạt được thành công sớm, nhiều em học sinh giỏi chọn học nghề ngay từ đầu chứ không vào đại học.

Thành công nhờ học nghề

Năm 2015, khi các bạn cùng lứa lựa chọn đi học đại học thì Vũ Hoàng Trinh (SN 1996) đi học trung cấp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn Âu ở trường Trung cấp Du lịch - khách sạn.

Sau 1 năm học tập, Trinh đã thể hiện năng khiếu vượt trội trong nghề, đạt giải Nhất nghề Nấu ăn kỳ thi Kỹ năng nghề TPHCM năm 2016. Sau đó, cô đầu bếp trẻ liên tiếp đạt các giải thưởng lớn như: Huy chương vàng kỳ thi Kỹ năng nghề cấp quốc gia 2016; Huy chương Bạc Kỳ thi tay nghề ASEAN 2016; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc Thế giới 2017; Danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc 2018; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018…

Cất bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ - 1

Năm 2022, Vũ Hoàng Trinh đã trở thành bà chủ tiệm bánh pizza nổi tiếng tại quê hương Đắk Lắk với doanh thu 4-5 triệu đồng/ngày. Tháng 7/2022, Trinh vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao danh hiệu Đại sứ Kỹ năng nghề năm 2022.

Khác với Hoàng Trinh, anh Nguyễn Sỹ Hiền (SN 1984) bắt đầu con đường nghề nghiệp của mình với bằng cử nhân ngành kế toán của một trường đại học lớn ở TPHCM. Sau khi ra trường, Hiền có công việc ổn định tại một doanh nghiệp lớn ở quê nhà Bình Phước với thu nhập khá cao.

Nhưng, sau vài năm làm công việc văn phòng không mang lại hứng thú, năm 30 tuổi, Hiền quyết định "cất" bằng cử nhân đi học nghề làm bánh theo đúng sở thích. Sau đó, chàng đầu bếp có bằng cử nhân này mở hệ thống bánh H.N Bakery với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cất bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ - 2

Trần Thị Minh Thy (Ảnh: NVCC).

Còn Trần Thị Minh Thy (SN 1997) thì giống Vũ Hoàng Trinh. Ngay từ đầu, Thy chọn học trung cấp ngành Quản trị khách sạn tại một trường Trung cấp. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, Thy làm việc tại một bệnh viện quốc tế nổi tiếng ở TPHCM.

Chỉ sau 4 năm đi làm, bằng kỹ năng phục vụ khách hàng được học, Minh Thy trở thành cán bộ phụ trách kinh doanh khách hàng người nước ngoài tại Việt Nam của bệnh viện, gia nhập câu lạc bộ những cựu sinh viên lãnh lương ngàn USD của trường Trung cấp Việt Giao.

Chia sẻ cùng phóng viên Dân trí, Đại sứ kỹ năng nghề 2022 Vũ Hoàng Trinh khẳng định mình tự hào khi đã chọn học nghề ngay từ đầu theo sở thích và năng lực của bản thân. Nhờ lựa chọn đúng đắn đó mà Trinh có được thành công, thu nhập tốt như ngày hôm nay.

Học sinh giỏi chọn trường nghề ngay từ đầu

Năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục có khoảng 320.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) nhưng không đăng ký tuyển sinh đại học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh không đăng ký nguyện vọng đại học là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học đại học.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia GDNN, những em không đăng ký nguyện vọng đại học, chọn đi học nghề không phải chỉ toàn là những học sinh không đủ năng lực mà có rất nhiều em là học sinh giỏi, lựa chọn học nghề ngay từ đầu.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, công tác truyền thông về GDNN được đẩy mạnh, bắt kịp đổi mới, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN, nhờ đó thái độ xã hội về nghề và công tác đào tạo nghề nghiệp chuyển biến tích cực.

Ước tính cả năm 2022, cả nước tuyển sinh được gần 2,3 triệu người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp gần 2,1 triệu người, đạt 115% so với kế hoạch.

Thầy Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, cho biết: "Năm học 2022-2023, trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn có 57 học sinh xếp loại Giỏi cấp học THPT nhập học hệ cao đẳng, trong đó có 3 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở Đồng Tháp, Bạc Liêu và Đồng Nai".

Tại trường Cao đẳng Viễn Đông năm học 2022-2023 cũng có hàng loạt thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt gần 24 điểm (3 môn) đăng ký học cao đẳng như em Đỗ Minh Phúc (23,6 điểm), Đinh Tấn Lộc (23,5 điểm), Phan Quốc Huy (23,8 điểm), Nguyễn Hoàng Huy (23,15 điểm)…

Tại trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, các em học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT từ 21 đến 24 điểm vào học rất nhiều. Kết quả tuyển sinh năm học 2022-2023 bằng cách xét tuyển học bạ còn cao hơn, nhiều em đạt hơn 26 điểm.

Kết quả tuyển sinh tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng càng nổi bật hơn khi điểm chuẩn tuyển sinh cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của trường này là 31 điểm, cao hơn điểm chuẩn tuyển sinh cùng khối ngành của nhiều trường đại học.

Cất bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ - 3

Hiện nay đang có xu hướng học sinh giỏi chọn học nghề ngay từ đầu.

Em Đinh Tiến Hùng (ngụ tỉnh Bình Phước) thi tốt nghiệp THPT đạt 24 điểm, đủ đậu vào nhiều trường đại học nhưng Hùng lại đăng ký học hệ trung cấp tại trường Trung cấp. Vì theo em, ở trường trung cấp dạy nghề mà em yêu thích và thời gian học ngắn hơn đại học rất nhiều.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Theo các nhà quản lý trường nghề, hiện xu hướng học sinh chọn học nghề đang phát triển mạnh, nhiều em bỏ đại học ngay từ đầu để đi học nghề chứ không phải "lọt sàng xuống nia", không đủ điểm vào đại học mới lùi xuống học trường nghề như trước.

Thầy Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, cho rằng: "Hiện học sinh rất tiến bộ trong việc chọn nghề, chọn trường. Các em có nhiều thông tin và lựa chọn rất rõ ràng nghề gì, cấp học nào, trường nào… phù hợp với bản thân mình".

Cất bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ - 4

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, xu hướng chọn học nghề đang diễn ra là điều bình thường, phù hợp với sự phân công lao động của xã hội, có thầy thì phải có thợ; có kỹ sư, bác sĩ thì phải có nhân viên kỹ thuật, điều dưỡng…

Xu hướng này phát triển mạnh vì gần đây tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" ngày càng nghiêm trọng, cử nhân đại học khó tìm việc làm, trong khi doanh nghiệp khó tuyển được thợ lành nghề. Đồng thời, Chính phủ có chính sách khuyến khích nên học nghề có nhiều lợi thế như thời gian học ngắn, được hỗ trợ học phí, ra trường có việc làm ngay…

Theo ông Trần Anh Tuấn, kết quả khảo sát việc làm trên địa bàn TPHCM 10 năm gần đây cho thấy số người tìm việc có trình độ đại học năm nào cũng cao gần gấp đôi nhu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, nhu cầu lao động trình độ cao đẳng, trung cấp của doanh nghiệp rất lớn thì ngành GDNN lại không đáp ứng đủ vì thiếu người học.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện đại học không còn là con đường duy nhất để thành công như ngày xưa. Học nghề đang chiếm lợi thế vì cử nhân đại học ra trường khó tìm vị trí việc làm phù hợp hơn người học trung cấp, cao đẳng.

Cất bằng đại học đi học nghề - nhanh thành công, sớm làm chủ - 5

Doanh nghiệp hiện cần nhiều lao động có kỹ năng nghề thực tế.

Ông Tuấn nói: "Nhiều người đang hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị hành nghề. Bằng cấp là một yếu tố quyết định thành công nhưng không phải là quan trọng nhất. Yếu tố quyết định thành công trong thị trường lao động là phải chuyển hóa được những gì mình học thành kỹ năng nghề nghiệp, làm tốt công việc thực tế".

Ông Trần Anh Tuấn khẳng định, đại học không còn là con đường duy nhất để thành công như ngày xưa. Thanh niên ngày nay có thể gia nhập thị trường lao động ở bất kỳ cấp bậc nghề nào, miễn là có kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc; còn việc học là suốt đời, có thể học bổ túc kỹ năng để phát triển sự nghiệp khi bản thân thấy cần thiết, công việc yêu cầu.

Bài và ảnh: Tùng Nguyên