DMagazine

Cần nhiều "thành phố không ngủ" để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam?

(Dân trí) - Theo một kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng của khách quốc tế, họ sẽ chi tiêu 30% vào ban ngày và 70% chi tiêu vào buổi đêm tuy nhiên đa phần các dịch vụ ở Việt Nam lại đóng cửa sau 22h.

Cần thêm những "thành phố không ngủ" để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam?

Theo một kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng của khách quốc tế, họ sẽ chi tiêu 30% vào ban ngày và 70% chi tiêu vào buổi đêm tuy nhiên đa phần các dịch vụ ở Việt Nam lại đóng cửa sau 22h.

Dịch vụ du lịch nghèo nàn, sao bắt khách "móc hầu bao"?

Hà Nội sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, chất lượng, gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống dân tộc và có lợi thế, tiềm năng thu hút khách tham gia mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn như: Times City, Royal City, Aeon Mall, Tràng Tiền Plaza... 

Tuy nhiên, nhiều khách Tây đến Hà Nội vẫn kêu chán, phải đi ngủ sớm vì thiếu chỗ chơi về đêm.

Nói về điều này, ông Lê Công Năng, TGĐ Công ty du lịch Wondertour nhận định, rào cản lớn nhất là hầu hết các dịch vụ hàng quán, cửa hàng tiện lợi đều đóng cửa trước 0h.

Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đêm ở Hà Nội chưa phong phú, chủ yếu là chương trình food tour, tham quan một số tuyến phố và mua sắm chợ đêm phố cổ... sau đó đưa khách ghé thăm cầu Long Biên, khám phá chợ đầu mối Long Biên, chợ hoa Quảng Bá.

Cần nhiều thành phố không ngủ để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam? - 1

Khách Tây thích các trải nghiệm buổi tối ở Hà Nội song họ thừa nhận, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm tại đây chưa đa dạng và hầu hết đều đóng cửa sớm (Ảnh: Mạnh Quân).

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá, Hà Nội đã có những kết quả khởi đầu đáng ghi nhận trong việc phát triển kinh tế đêm gắn liền với du lịch thông qua tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Tây Tạ Hiện, hoạt động kinh doanh chủ yếu dịch vụ ăn uống, mua sắm, siêu thị tiện ích, khách sạn, massage, bar, karaoke... ở khu phố cổ.

Tuy nhiên, thực trạng kinh tế đêm Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế. Các hoạt động du lịch đêm còn khá "nghèo nàn". Đặc biệt sau 0h, các hàng quán đều đóng cửa khiến khách nước ngoài không biết chơi đâu, làm gì.

Ông Hoàng Tuân, giám đốc THD Travel & Event bày tỏ, Hà Nội vẫn thiếu các dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách nước ngoài.

"Hà Nội đang bỏ lỡ tiềm năng phát triển du lịch đường thủy với những di sản quý giá như sông Hồng, Hồ Tây... nhưng lại chưa có bến du thuyền, cũng không có bến thủy nội địa", ông Tuân nhận xét.

Cần nhiều thành phố không ngủ để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam? - 2

Khách quốc tế chủ yếu tập trung ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…, còn những khu vực mới như Cô Tô, Lý Sơn,... lại "đìu hiu", khách lưu trú trong thời gian ngắn, mức chi tiêu chưa cao (Ảnh: Toàn Vũ).

Khách quốc tế đến Hà Nội chi tiêu ít hơn so với TPHCM, Khánh Hòa

Theo thống kê số lượng khách và doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trung bình mỗi du khách đến Hà Nội chi khoảng 2,93 triệu đồng; ở TPHCM là gần 4,52 triệu đồng/khách.

Trong khi đó, du khách chi tới 5,3 triệu đồng khi đến Khánh Hòa, đứng top đầu cả nước.

Ông Năng nhận định, mặc dù Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế cùng lịch sử hàng ngàn năm văn hiến nhưng khách du lịch tới đây lại chi tiêu vô cùng khiêm tốn so với TPHCM, đặc biệt là với Khánh Hòa (nơi có thành phố du lịch Nha Trang).

Theo ông Năng, sự chênh lệch này phần lớn là do nguồn thu từ các trải nghiệm về đêm hoặc xuyên đêm.

Tại Việt Nam có rất nhiều phố Tây nổi tiếng như phố tây Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TPHCM), Phạm Ngũ Lão (Huế),... và đặc biệt Nha Trang với khu phố Tây chạy theo các con đường ven biển Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải, Trần Phú, Hùng Vương,...

Trong đó, phố Tây ở Nha Trang là khu vực tập trung rất nhiều nhà hàng với nét ẩm thực đặc trưng của các nước và cung cấp những dịch vụ về đêm đa dạng như spa, bar, pub, quán ăn đêm… mở cửa đến 2, 3 giờ sáng.

Song, không chỉ Hà Nội, nhìn rộng hơn, các "thủ phủ" du lịch khác tại Việt Nam cũng đang "ngủ quên" trên kho vàng. 

Không có nhiều dịch vụ hấp dẫn để khách Tây "móc hầu bao"

Theo một kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng của khách quốc tế, họ sẽ chi tiêu 30% vào ban ngày và 70% chi tiêu vào buổi đêm. Điều này đồng nghĩa với việc, ở nhiều quốc gia, sản phẩm du lịch ban ngày chỉ mang đến 30% nguồn thu, còn lại 70% đến từ hoạt động du lịch ban đêm.

Nhưng tại Việt Nam, đa phần các sản phẩm du lịch, dịch vụ chủ yếu hoạt động tập trung từ 7h sáng tới 10h tối. Trong khi đó, khách nước ngoài có xu hướng ra đường chơi đêm từ 22h-23h trở đi.

Cần nhiều thành phố không ngủ để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam? - 3

Du khách nước ngoài tới Hà Nội chủ yếu tiêu tiền vào các hoạt động, trải nghiệm ban ngày (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Năng cho hay, nếu tính tổng chi tiêu trên lượt khách, khách quốc tế chi tiêu trung bình tại Việt Nam khoảng 1.000$ (hơn 24,8 triệu đồng). Trong khi đó, con số Thái Lan là 1.600$ (39,7 triệu đồng), Nhật Bản và Tây Ban Nha khoảng 1.300$ (32,2 triệu đồng), còn Anh xấp xỉ 1.800$ (44,7 triệu đồng) và Mỹ là 3.400$ (84,4 triệu đồng).

"Đánh giá khách quan thì mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam không quá thấp so với mặt bằng chung khối các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu so sánh với Thái Lan hay một số quốc gia là rốn du lịch trên thế giới thì chưa xứng với tiềm năng", ông Năng nhận xét.

Tương tự, nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam chưa cao phần lớn là do du lịch nội địa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Dù các hoạt động trải nghiệm ban ngày rất đa dạng nhưng dịch vụ về đêm còn hạn chế và ít các sản phẩm, hàng hóa đặc thù, đủ hấp dẫn, nhất là những sản phẩm mua sắm, giải trí về đêm để kéo khách ra đường, tiêu tiền.

Điều này cũng khiến tổng thu từ du lịch của Việt Nam chưa thể bằng nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…. dù lượng khách quốc tế đến nước ta có tăng trưởng trong những năm qua.

Tại Singapore, dù là một quốc đảo nhỏ bé, ít tài nguyên nhưng nơi đây có rất nhiều hoạt động, từ nghệ thuật văn hóa, triển lãm, đến các hoạt động trên mặt nước,...

Tương tự như Singapore, Malaysia, Thái Lan... hiện cũng có hệ thống trung tâm thương mại rất phát triển, cả về số lượng lẫn quy mô, chất lượng hàng hóa để khách quốc tế phải mạnh tay "móc hầu bao".

Ông Năng dẫn chứng, dù đều là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị nhưng ở thủ đô Thái Lan, các dịch vụ, sản phẩm du lịch về khuya sôi động và khác biệt hơn Hà Nội.

Cụ thể, vào ban ngày, du lịch Bangkok phần lớn là các điểm tham quan về văn hóa như cung điện, chùa chiền, bảo tàng, khu vui chơi giải trí,... còn ban đêm trở thành một thành phố không ngủ.

"Khách quốc tế đến đây có thể xả láng tiêu tiền với các hoạt động như du thuyền ăn tối trên sông Chao Phraya, cuốn mình trong các show diễn nghệ thuật đậm chất sử thi như Siam Niramit Show hoặc Calypso Cabaret Bangkok, Muay Thái hay đầy tính giải trí như Nanta Show; mua sắm và ăn đêm đến 0h, thậm chí 2h sáng tại các chợ đêm sầm uất,...", ông Năng nói.

Cần nhiều thành phố không ngủ để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam? - 4

Du khách sẵn sàng "móc hầu bao" khi du lịch Thái Lan bởi những hoạt động, trải nghiệm sôi động về đêm (Ảnh: Minh Hoàng Nguyễn).

Thay vì đếm khách, nghĩ cách thu tiền

Để phát triển du lịch đêm Hà Nội, PGS.TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh giải pháp xây dựng tổ hợp: Vui chơi giải trí - ẩm thực - mua sắm đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý. Đây là nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm đầy đủ và khác biệt về điểm đến du lịch và sẽ không ngần ngại "chi đến đồng cuối cùng".

Tuy nhiên, cơ quan ban ngành không nên phát triển tràn lan mà cần có định hướng phát triển tại các khu vực phù hợp theo quy hoạch đô thị, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ông đề xuất đa dạng hơn các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm để hình thành nên những "thành phố không ngủ", thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. 

Đại diện một số đơn vị lữ hành cũng nhận định, thay vì chú trọng quá nhiều vào số lượng, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn nữa từ nguồn khách nước ngoài.

Cần nhiều thành phố không ngủ để khách Tây chịu chi khi đến Việt Nam? - 5

Bên cạnh thu hút những thị trường khách có khả năng chi trả cao, du lịch Việt Nam cần phát triển các dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn, tương xứng với tiềm năng để khách quốc tế "có chỗ tiêu tiền, xả láng" (Ảnh: Mạnh Quân).

Chi tiêu của khách nước ngoài tới Việt Nam chủ yếu dành cho những dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan ban ngày khiến số lượng du khách tới nước ta tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch thì lại tăng chưa tương xứng.

Bởi vậy, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm sẽ giúp tăng thời gian lưu trú, khả năng chi tiêu của du khách, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương; trở thành "con gà đẻ trứng vàng".

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn khai thác tốt dòng sản phẩm này, ngành du lịch cần xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch đêm trên cơ sở nghiên cứu, khai thác tiềm năng cảnh quan, văn hóa riêng của từng địa phương. Từ đó xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù, hấp dẫn.

Tuy nhiên, nên áp dụng thí điểm việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm ở một số tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch để đánh giá tác động và rút kinh nghiệm trong quản lý. Tránh tình trạng triển khai đại trà, tràn lan dẫn tới hoạt động không hiệu quả.

Nội dung: Thảo Trinh