(Dân trí) - Trên sát mái nhà sàn của người Vân Kiều luôn có những chiếc bát sứ đặt trong kiềng tre. Bà con Vân Kiều giải thích rằng, đó là nơi thờ linh hồn người sống của chính các thành viên trong gia đình họ.
Sống dọc dài theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Vân Kiều chứa đựng trong mình nhiều huyền tích văn hóa thể hiện qua các lễ hội và sinh hoạt đời thường. Nổi bật trong rất nhiều phong tục văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người Vân Kiều là tục thờ linh hồn người sống.
Người Vân Kiều tại tỉnh Quảng Bình cư trú chủ yếu dọc theo các xã vùng cao của huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh và sống rải rác ở một số xã miền núi, vùng cao của huyện Bố Trạch. Khác với người Kinh chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên, những người quá cố, người Vân Kiều có một phong tục rất kỳ lạ là thờ linh hồn người còn sống ngay từ khi họ mới sinh ra.
Đến thăm bất cứ ngôi nhà sàn nào của người Vân Kiều tại Quảng Bình, cũng sẽ nhìn thấy những chiếc bát sứ đặt trong chiếc kiềng tre được đan thủ công, để trên bàn thờ treo sát mái nhà. Theo quan niệm của người Vân Kiều, đó là nơi thờ linh hồn của chính các thành viên trong gia đình họ. Mỗi chiếc bát đặt trong một kiềng tre là nơi thờ linh hồn của một người, chỉ cần nhìn vào số lượng bát là có thể biết được gia đình có bao nhiêu thành viên.
Tiếp tôi trong căn nhà sàn nhỏ đặc trưng của bà con dân tộc Vân Kiều bên dãy Trường Sơn, già làng Hồ Trung Truồi (75 tuổi), ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy hào sảng kể, phong tục thờ linh hồn người sống đã gắn với già, với bản làng và với bà con Vân Kiều suốt bao đời qua.
Chỉ tay lên bàn thờ của gia đình được treo sát mái nhà sàn, già làng Hồ Trung Truồi giới thiệu, đây là tất cả linh hồn còn sống của bản thân cũng như các con, cháu gia đình mình. Theo già làng Hồ Trung Truồi, khi một đứa trẻ Vân Kiều sinh ra thì sẽ được lễ báo với tổ tiên, thần linh, xin đặt bát thờ linh hồn đứa trẻ đó.
Sau khoảng 10 năm thì đứa trẻ đó sẽ tiếp tục được tổ chức lễ mừng hồn. Người Vân Kiều quan niệm, bản thân mỗi con người khi sinh ra đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở. Để con người đó được sống một cách khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, người Vân Kiều phải thực hiện nghi thức cúng vị thần bổn mạng đó, hay còn gọi là cúng hồn cho người sống.
Đến tuổi trưởng thành, những chàng trai, cô gái Vân Kiều sẽ được gia đình làm lễ mừng hồn trưởng thành, bắt đầu một cuộc sống tự lập, vững vàng.
"Trong bản khi có trẻ con sinh ra sẽ mời thầy về làm lễ, cúng hồn, đây là cách để báo với các vị thần linh, tổ tiên, mỗi cái bát là một linh hồn người trong nhà, thờ thần bổn mạng, nếu không làm lễ thì không được đụng đến, bởi sẽ phạm thượng thần linh. Chỉ khi ai ốm đau thì mới xin làm lễ, đổi bát thờ.
Thờ linh hồn như vậy là cầu mong mọi người khỏe mạnh, thần linh che chở, khi một người mất đi thì cũng sẽ chôn chiếc bát theo cùng. Với phụ nữ khi đến tuổi lấy chồng thì sẽ mời thầy về làm lễ, xin được đưa bát thờ linh hồn của mình theo về nhà chồng", già làng Hồ Trung Truồi giải thích.
Già làng Hồ Trung Truồi cũng là thầy mo có tiếng của người Vân Kiều tại xã Lâm Thủy, để làm lễ cúng linh hồn người sống, già làng sẽ có một con dao truyền đời còn gọi là dao gọi hồn và chiếc sáo Pi, mà khi thổi lên âm thanh của nó lúc trầm, lúc bổng.
Để làm lễ cúng hồn, dân bản cũng sẽ chuẩn bị đầy đủ gà, lợn, gạo, rượu và trầu cau. Khi lễ xong là linh hồn của đứa trẻ đã chấp nhận lễ vật, trở về để bảo hộ cho thể xác để đứa trẻ Vân Kiều lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Bát "đựng linh hồn" người sống sẽ có trầu cau, một chiếc ly nhỏ và một ít vỏ cây rừng, được đặt lên bàn thờ, kê sát mái nhà sàn.
Nói về phong tục thờ hồn người sống, ông Hoàng Bảo (81 tuổi), một người con của đồng bào Vân Kiều, trú bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, nguyên là Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cũng chia sẻ, theo quan niệm của người Vân Kiều, ở rừng núi cũng có thần, ở nhà cũng có thần nên người Vân Kiều phải luôn tuân thủ các lễ cúng để các vị thần phù hộ có đầy đủ các vật chất phục vụ cuộc sống được thuận lợi.
"Việc thờ hồn người sống giữa nam và nữ không có sự phân biệt nhưng có những luật lệ và những điều kiêng kỵ bắt buộc mọi người phải tuân thủ theo. Mục đích của nghi lễ cúng là cầu mong cho mình được khỏe mạnh, bình an, gặp may mắn trong cuộc sống", ông Hoàng Bảo chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng Bảo, việc thờ hồn người sống của đồng bào Vân Kiều chỉ kết thúc khi nào người đó mất đi, những thứ liên quan trên bàn thờ người sống cũng sẽ được chôn theo cùng người đã mất. Lúc này linh hồn người đó sẽ được gia đình chuyển sang thờ cúng ở bàn thờ dành cho những người đã khuất.
Đối với người Vân Kiều, thờ hồn của chính mình, đó là việc tôn trọng chính bản thân. Đồng nghĩa với nó là phải ý thức để sống tốt với gia đình, bản làng, phải nỗ lực lao động, sản xuất, dần xóa đói giảm nghèo, hướng tới cuộc sống no đủ, văn minh hơn.
Là một người đã có hơn 20 năm gắn bó và từng xuất bản sách về những nét đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều, ông Nguyễn Thanh Toàn cũng chia sẻ, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, tất cả đã tạo nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.
Hiện, bà con Vân Kiều vẫn duy trì phong tục thờ linh hồn của chính mình. Tuy đã có kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống nhưng về cơ bản vẫn giữ được y nguyên ý nghĩa ban đầu, nét văn hóa đặc trưng.
Với người Vân Kiều nơi biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán vẫn được gìn giữ và truyền từ đời này qua đời khác. Nhờ có những việc làm này thông qua già làng mà con cháu, dân bản luôn đoàn kết, hun đúc những giá trị truyền thống.
"Với người Vân Kiều nói riêng và các dân tộc thiểu số khác nói chung, các phong tục, tập quán cần phải được giữ gìn và nâng tầm giá trị văn hóa. Điều này cần có sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành, đặc biệt là các hội, cơ quan quản lý về di sản, văn hóa", ông Toàn bày tỏ.
Theo ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của chính quyền và người dân, đời sống bà con Vân Kiều tại địa phương đang ngày một nâng lên, no ấm hơn. Cũng như người Kinh hay các đồng bào dân tộc khác, người Vân Kiều cũng có những nét văn hóa đặc trưng, những tập tục đã gắn liền với đời sống bao đời nay.
Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền đến người dân, với những hủ tục thì cần được xóa bỏ, nhưng cần phải gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có phong tục thờ linh hồn người sống hay những nét văn hóa trong cưới hỏi của đồng bào Vân Kiều, bởi đó là đời sống tinh thần của người Vân Kiều nơi biên cương Tổ quốc bao đời nay.
Nội dung: Tiến Thành
Thiết Kế: Nguyễn Vượng