(Dân trí) - Háo hức, hối hả, nhiệt tình, vui vẻ… là không khí của bếp ăn nghĩa tình nấu gần 600 suất cơm, canh nóng tiếp sức lực lượng ngày đêm trực chốt chống dịch Covid-19 ở trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu.
Cận cảnh 2 tiếng "ra lò" gần 600 suất "cơm ngon, canh nóng" tiếp sức lực lượng chống dịch
Mấy ngày qua, cứ vào 5h sáng, nhiều tình nguyện viên có mặt tại bếp ăn nghĩa tình do Phòng Văn hóa - Thông tin TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) tổ chức nằm bên trong quán cà phê Phượng Vỹ trên đường 30/4 (đã đóng cửa vì giãn cách xã hội) để chuẩn bị cho "ra lò" hàng trăm suất cơm hỗ trợ lực lượng ngày đêm chốt trực chống dịch Covid-19 ở trung tâm tỉnh lỵ Bạc Liêu.
Bà Đỗ Ái Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Bạc Liêu, cho biết bếp ăn này hoạt động tự nguyện với sự giúp sức của tình nguyện viên là người dân, đoàn viên thanh niên ở địa phương.
Ban tổ chức bếp ăn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nguyên liệu như gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả, cá, thịt... trên tinh thần nấu "cơm ngon, canh nóng, món ăn vừa lòng".
Trực tiếp có mặt tại bếp ăn nghĩa tình trong ngày 14/8, phóng viên Dân trí ghi nhận bếp ăn được tổ chức rất khoa học. Bếp trưởng phân công mỗi người tùy công việc bắt tay thực hiện một cách rất nhiệt tình.
Gần 8h sáng, từng ký thịt heo tươi ngon đã được mang tới bếp ăn. "Hôm nay làm món mặn là thịt heo xào cải xá bấu (củ cải trắng muối). Với 600 suất cơm thì mình cần hơn 80 kg thịt và 20 kg cải xá bấu", bà Trương Thị Lát, một đầu bếp, vừa cắt thịt vừa nói.
Bà Lát là một trong những tình nguyện viên tham gia ngay từ đầu khi bếp ăn hoạt động từ nhiều ngày qua. "Mình vào đây làm nhiệm vụ nấu món ăn để ủng hộ tinh thần các anh chị em chống dịch", bà Lát vui vẻ nói.
Cùng với sơ chế thịt heo, xung quanh bếp nhiều lực lượng tình nguyện viên khác cũng tất bật chia nhau từng nhóm nhỏ xử lý từng rổ dưa leo, cải ngọt…. Hàng chục kí cải ngọt và dưa leo được một nhóm áo xanh đoàn viên thanh niên của tỉnh Đoàn Bạc Liêu lặt bỏ lá bị sâu, hư hỏng rồi cắt nhỏ để làm nguyên liệu cho nồi canh cải thịt bằm và dưa leo xào gan heo.
"Những ngày này dịch bệnh cũng không làm gì nên tụi em qua đây phụ bếp ăn, chung tay góp sức ủng hộ tinh thần phòng chống dịch", một nữ đoàn viên chia sẻ.
Hơn 30 phút sơ chế nguyên liệu, 2 chiếc lò cũng lên lửa, nóng hực, từng chảo to thơm nức mùi tỏi, hành phi bốc lên, cả mấy chục kí cải xá bấu được đổ vào, tiếng xèo xèo của cải, tiếng sạn (một dụng cụ làm bếp) xào qua lại của đầu bếp báo hiệu thời điểm chế biến món ăn bắt đầu tăng tốc.
Để kịp thời gian cho bữa ăn trưa, bà Trương Thị Lát phải dùng đến 2 chảo to để xào mấy chục kí thịt, sau đó trộn cải xá bấu và thịt vào nhau, nêm nếm gia vị đảm bảo món mặn "vừa lòng" người ăn.
Cùng chế biến song song với món mặn thì món canh cũng dùng đến 2 nồi to nấu trên 2 lò. Theo anh Giang Tấn Đạt (54 tuổi) một đầu bếp cho biết, món canh cải ngọt hôm nay dùng 50 kí cải, 4 kí thịt bằm.
Bà Đỗ Ái Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Bạc Liêu, cho biết bếp ăn dùng đến 4 lò để nấu thức ăn, làm sao nhanh nhất có thể vì số lượng rất lớn. "Tinh thần của bếp ăn là vừa nhanh về thời gian nhưng cũng đảm bảo thức ăn chín, hợp khẩu vị của mọi người", bà Ái Lanh chia sẻ.
Trong một góc khác của bếp ăn, ít nhất 3 nồi cơm điện lớn được anh Trương Minh Điền (SN 1978), một tình nguyện viên phụ trách vừa vo gạo, vừa đong nước, chỉnh mức điện để nấu. Nhiệm vụ của anh Điền đảm bảo khi chín, cơm luôn được nóng, mềm, vừa ăn.
Hơn 9h30 hầu hết cơm và các món ăn lần lượt chín. Từng thau cơm, thức ăn nóng hổi để lên bàn và hàng ngàn hộp đựng đã để sẵn. Nhóm tình nguyện chung tay chia nhau người xới cơm, người gắp thức ăn mặn, người xúc thức ăn xào, người múc canh vào hộp.
Khoảng 10h, các suất cơm đã hoàn tất, mỗi suất bỏ vào trong một bọc nhỏ kèm theo chai nước lọc. Các suất cơm được chia ra theo từng số lượng chốt kiểm soát và đưa lên xe được tình nguyện viên chở đến giao tận tay từng chốt một. Có chốt gần địa điểm bếp ăn như phường 7, phường 2, có chốt xa nhất ở ven biển như xã Vĩnh Trạch Đông, phường Nhà Mát cách hơn 10 km.
Nhận các suất cơm nóng hổi tại chốt gần UBND phường 7, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường 7, bày tỏ lời cảm ơn đến bếp ăn nghĩa tình đã hỗ trợ lực lượng trực chốt, đảm bảo có cơm, canh, thức ăn ngon, dinh dưỡng, giúp anh em no bụng làm nhiệm vụ.
Xong buổi cơm trưa, bếp ăn nghĩa tình tạm dừng để các tình nguyện viên ăn uống, nghỉ ngơi phút chốc. Sau đó, từ đầu giờ chiều, bếp ăn lại đỏ lửa, các tình nguyện lại tất bật chuẩn bị hàng trăm suất cho bữa cơm chiều. Món ăn buổi chiều cũng đầy đủ cơm và các món ăn canh, xào, mặn nhưng khác bữa trưa để đảm bảo người ăn không bị ngán.
Các suất cơm chiều được giao đến chốt trực vào lúc 16h, kịp thời cho lực lượng chống dịch ăn uống để làm nhiệm vụ đến buổi đêm. Cuối ngày, sau khi hoàn thành nấu ăn, các tình nguyện viên của bếp ăn cùng nhau lau chùi, dọn dẹp, rửa dụng cụ rồi thu dọn đồ đạc cất vào trong tủ cho đảm bảo vệ sinh.
Hoạt động của bếp ăn này kết thúc trước 18h tối để các tình nguyện viên về nhà vì 18h là giờ hạn chế ra đường theo quy định giãn cách xã hội. Cứ thế, bếp ăn nghĩa tình lan tỏa sự chung sức, đồng lòng, cùng các lực lượng mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh.