Dòng tiền "chán" chứng khoán?
Không khí giao dịch ảm đạm trên thị trường chứng khoán trong khoảng một tháng trở lại đây khiến những phiên giao dịch quy mô trên 40.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên trên 50.000 tỷ đồng dường như đã trở thành kỷ niệm xa xôi với phần lớn nhà đầu tư.
VN-Index từ đỉnh cao trên 1.520 điểm, trong hơn một tháng nay chỉ loay hoay trong vùng 1.300-1.350 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tụt dốc, xuống dưới 20.000 tỷ đồng, nhiều phiên chỉ đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Phải chăng nhà đầu tư đã chán chứng khoán và dòng tiền đã chủ động rời bỏ kênh đầu tư này để tìm kiếm cơ hội sinh lời tại những "cửa" khác?
Nếu như trong 2 "năm Covid" vừa qua, khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp, kinh tế gặp khó, dòng tiền nhàn rỗi "bế tắc" và chảy vào những kênh nặng tính đầu cơ là bất động sản, chứng khoán… thì hiện tại, khi "bình thường cũ" trở lại, một lượng tiền không nhỏ từ các tổ chức, doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp rút ra để phục vụ sản xuất kinh doanh. Xét về vĩ mô, điều này là tích cực.
Bên cạnh đó, diễn biến lao dốc đột ngột của chỉ số khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay, bị "kẹp hàng", nghĩa là tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản vẫn ở mức cao, khiến sức mua giảm sút. Những nhà đầu tư có vị thế tiền mặt cao, ngược lại, trở nên thận trọng do bối cảnh thị chứng khoán toàn cầu xấu đi đáng kể và theo đó, họ lựa chọn đứng ngoài thay vì tham gia bắt đáy. Một trong những phương án an toàn với nhà đầu tư không chuyên, đó chính là rút tiền để gửi tiết kiệm - dù mức sinh lời không hấp dẫn bằng chứng khoán, song an toàn và sinh lãi ổn định.
Ngoài ra, những động thái làm trong sạch thị trường đã dẫn đến giảm hoạt động giao dịch "tay trái sang tay phải" của các "đội lái" nhằm tạo cung - cầu ảo. Có thể kể thêm là đang có những dấu hiệu cho thấy, dòng tiền chảy từ thị trường chứng khoán cơ sở sang chứng khoán phái sinh.
Không thể phủ nhận thanh khoản là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán đi lên suốt 2 năm qua, do đó, việc dòng tiền giảm đột ngột sẽ khiến chỉ số khó bứt phá. Bức tranh thị trường rõ ràng đã khác đi rất nhiều so với thời gian trước.
VN-Index giảm hơn 10% từ đỉnh, phần lớn nhà đầu tư thua lỗ. Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ nặng nề mà giới đầu tư chuyên nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Ngay cả quỹ PYN Elite Fund, một "cá mập" trên thị trường, trong tháng 4 cũng đã phải công bố khoản thua lỗ lên tới 10,2% - mức lỗ nặng nhất cùng kỳ của quỹ này kể từ năm 2013.
Trong một chia sẻ mới đây của SGI Capital, quỹ này nhìn nhận, sự cực đại của dòng tiền rẻ và dễ dãi đã đi qua, nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang chuyển tiếp sang một trạng thái mới. Ở đó, cơ hội đến nhiều hơn từ sự vận động nội tại của từng doanh nghiệp, vươn lên trong môi trường dần bình thường hóa, không còn các gói kích thích, và vắng bóng dòng tiền của các nhà đầu tư với hội chứng sợ bị bỏ lỡ (Fomo). Từ đây, năng lực cạnh tranh và khả năng tận dụng cơ hội để tăng trưởng sẽ là chìa khóa tạo sự khác biệt với từng doanh nghiệp cũng như cổ phiếu mà họ đại diện.
Dù hầu hết giới phân tích đều không khuyến nghị mua mới đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, song xét về dài hạn thì đây lại được cho là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư "tích sản", tìm kiếm cơ hội tăng sở hữu tại những doanh nghiệp có triển vọng. "Kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi đầu tư trên thị trường chứng khoán cho thấy, tin xấu và sự bi quan luôn là bạn tốt của nhà đầu tư. Tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ, và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao" - đại diện SGI Capital nêu quan điểm.
Hay như PYN Elite Fund - quỹ ngoại đến từ Phần Lan - dẫu hiệu suất đầu tư xuống thấp nhưng họ vẫn cho rằng, thị trường chỉ điều chỉnh trong ngắn hạn và sẽ ổn định và lành mạnh hơn trong dài hạn; các phản ứng thái quá của thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn là đe dọa.
Cơ sở cho sự tự tin của PYN Elite Fund là chỉ số P/E (giá thị trường/thu nhập) của VN-Index dự báo năm 2022 ở mức 12,7 lần, hấp dẫn hơn so với mức trung bình 17,6 của Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Trong đánh giá của quỹ đầu tư chuyên nghiệp này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố vĩ mô khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hồi phục nhanh, xuất khẩu tăng 25%, vượt so với mức tăng trưởng nhập khẩu là 15%, qua đó, giúp thặng dư thương mại tăng lên 2,5 tỷ USD so với đầu năm. Sản xuất công nghiệp trong tháng 4 cũng đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu bán lẻ tăng 12,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tương ứng 6,4% và 4,4% so với cùng kỳ năm trước ở quý I/2022. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, ở mức 2,64%.
Trên đây đều là những con số "biết nói" trong khi nhà đầu tư lại đang bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Người viết cho rằng, việc tin tưởng hay sợ hãi, tiếp tục đầu tư hay từ bỏ là lựa chọn riêng của từng nhà đầu tư, chỉ có điều, dù là chứng khoán hay bất cứ kênh đầu tư nào khác, kiếm được lợi nhuận từ thị trường chưa bao giờ là việc dễ dàng; với riêng thị trường chứng khoán thì có lẽ đã qua rồi giai đoạn hễ cứ "đánh là thắng". Để hạn chế thua lỗ và đạt được lợi nhuận, chắc chắn nhà đầu tư sẽ cần sự phân tích thấu đáo về bối cảnh kinh tế, sự hiểu biết về từng doanh nghiệp và bản lĩnh, kế hoạch tài chính rõ ràng để quản trị tài khoản hợp lý trong mỗi giai đoạn vận động của thị trường.