Tâm điểm
Bích Diệp

"Đánh chuột không để vỡ bình"

Thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây chứng kiến sự "tháo chạy" của dòng tiền khỏi lĩnh vực bất động sản. Hiệu ứng lan sang các ngành khác khiến chỉ số giảm mạnh.

Lực cầu yếu cho thấy tâm lý thận trọng, sự lưỡng lự của nhà đầu tư trong quyết định giải ngân. Từ mức giao dịch trên 30.000 tỷ đồng mỗi phiên, hiện tại thanh khoản sàn HoSE chỉ loanh quanh mức 20.000 tỷ đồng, tức giảm khoảng 30%. Không ít nhà đầu tư hoang mang vì gần như bỏ tiền vào mã nào, sau 3 ngày cổ phiếu về đến tài khoản đều thua lỗ. Khi mà phân tích kỹ thuật, mọi khung đồ thị đều cho tín hiệu xấu, nhiều người tự hỏi liệu có phải chứng khoán đã rơi vào xu hướng giảm dài hạn hay không? 

Trả lời truyền thông, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn còn dư địa tăng trưởng với nhiều yếu tố hỗ trợ, đó là triển vọng phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành kịp thời để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nhiều doanh nghiệp báo kết quả có lãi năm 2021 và kỳ vọng duy trì mức độ tăng trưởng cao năm 2022. Ngoài ra còn có kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Vậy, điều gì khiến thị trường rơi? Phải chăng khi tâm lý là yếu tố tác động lớn trong mỗi quyết định của nhà đầu tư, thì sự hoài nghi, sự phỏng đoán lại có tác động nhiều hơn so với phân tích lý tính dựa trên cơ sở thực tiễn về vĩ mô, về sức khỏe của doanh nghiệp và của nền kinh tế. 

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô tả thực trạng của thị trường thời điểm hiện tại là "tiếng vo ve của con muỗi ở đầu vào sẽ trở thành tiếng bom ở đầu ra". Như vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời, mạnh và đúng để giữ lòng tin thị trường thì có thể tiềm ẩn rủi ro.

Sau quyết định khởi tố hình sự một số cá nhân ở FLC và Tân Hoàng Minh, những đồn thổi trên thị trường liên quan đến doanh nghiệp khác khiến thị trường bị "nhiễu". Facebooker Đặng Như Quỳnh sau đó đã bị bắt vì hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Thông điệp của cơ quan quản lý là rất rõ ràng. Xử lý vi phạm đúng người, đúng tội, sai ở đâu xử lý ở đó và không gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng không khoan nhượng với những hành vi "té nước theo mưa", tung tin thất thiệt, gây hại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Đây là những công việc "dọn rác" để hướng thị trường đi theo chiều tích cực hơn - cũng là sự mong mỏi của bất kỳ nhà đầu tư nào. Vậy nên, người viết cho rằng, nhà đầu tư không nên "tự dọa mình" bởi những suy diễn vô căn cứ để rồi gánh lấy thiệt hại.

Việc xử lý tiêu cực cũng như nắn dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, không để chảy vào các lĩnh vực rủi ro không có nghĩa là phủ định vai trò hay vùi dập chứng khoán, bất động sản. Mà ngược lại, cần nhìn thấy rằng nếu nguồn tín dụng phục vụ cho mục đích đầu cơ, đưa thị trường đi lên thông qua các chiêu trò thổi giá, tạo thanh khoản ảo một cách phi lý và vô nghĩa, liệu rằng kinh tế có phát triển bền vững, nhà đầu tư có thực sự hưởng lợi? Bài học về những cổ phiếu "mô hình cây thông" hay những vụ vỡ nợ đầu cơ đất đai hãy còn đó!

"Đánh chuột không để vỡ bình", mong rằng cùng với quá trình "dọn rác", các cơ quan quản lý sẽ kịp thời truyền thông, đưa ra các khuyến cáo và tuyên bố rõ ràng hơn để ổn định tâm lý giới đầu tư, hướng dòng tiền vào những nơi cần thiết cho nền kinh tế. Đó là trước mắt, về lâu dài, cần rà soát lại quy định pháp luật liên quan, xây dựng rào chắn từ xa đối với những hành vi tiêu cực thao túng thị trường, tránh để xảy ra "lách luật", "nhờn luật" rồi mới xử lý!