1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Một kiểu kiếm tiền từ chứng khoán: Ngồi yên, sóng gió sẽ qua

Mai Chi

(Dân trí) - Cắt lỗ là một nguyên tắc trong đầu tư, nhưng không ít người vẫn lựa chọn "ôm" cổ phiếu bất chấp "bảng giá xanh đỏ".

VN-Index tăng gần 22 điểm

Thị trường phiên hôm nay (13/4), đặc biệt là vào thời điểm cuối phiên sáng, đầu phiên chiều đã có cú đảo ngược tình thế ấn tượng. Nếu vào cuối phiên sáng VN-Index có lúc xuyên thủng ngưỡng 1.450 điểm thì sức bật của chỉ số trong phiên buổi chiều đã khiến không ít người ngỡ ngàng.

Đóng cửa, VN-Index "đòi lại" 21,95 điểm tương ứng tăng 1,51% lên 1.477,2 điểm; VN30-Index tăng 18,19 điểm tương ứng 1,21% lên 1.525,39 điểm. HNX-Index cũng tăng mạnh tới 6,44 điểm tương ứng 1,53% lên 427,45 điểm; UPCoM-Index tăng 0,77 điểm tương ứng 0,69% lên 113,3 điểm.

Một kiểu kiếm tiền từ chứng khoán: Ngồi yên, sóng gió sẽ qua - 1

VN-Index có nhịp hồi phục ngoạn mục phiên chiều nay (13/4) (Ảnh chụp màn hình).

Độ rộng thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt khi số lượng mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá, thị trường thoát khỏi tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng". Thống kê cho thấy 624 mã tăng giá, 36 mã tăng trần so với 365 mã giảm, 15 mã giảm sàn.

Trong rổ VN30, ngoại trừ 3 mã đứng tham chiếu, 27 mã còn lại đều tăng giá. Trong đó, một số mã tăng mạnh như BVH tăng 5,5%; TPB tăng 5,1%; FPT tăng 4,8%; GVR tăng 4,5%; PNJ tăng 3,2%; VRE tăng 2,4%.

Nhà đầu tư lại "đua lệnh" mua cổ phiếu bất động sản

Sau chuỗi bị bán tháo, dòng bất động sản phiên hôm nay có một phiên hồi phục mạnh mẽ. Nhiều cổ phiếu từ vùng giá "đỏ" đã hồi phục nhanh chóng và cuối phiên thậm chí có lệnh "đua giá trần".

Nhiều cổ phiếu tăng trần và hoàn toàn được hấp thụ sạch sẽ lệnh bán, dư mua giá trần ở mức cao như DXG, SCR, LHG, ITA, TDH có dư mua giá trần, QCG và LDG cũng tăng trần, HTN tăng 6,7%; DRH tăng 5,8%; TDC tăng 5,8%, HQC tăng 5,7%; VPH tăng 5,3%; KBC tăng 5,1%...

Tương tự, cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng tăng giá mạnh mẽ. DHA và VCG tăng trần, không còn dư bán; DPG tăng 6,4%; PC1 tăng 6,2%; TCD tăng 5,9%; VNE tăng 5,2%; CTR tăng 4,6%.

Ngành thực phẩm và đồ uống tiếp tục hút tiền với nhiều mã tăng giá tích cực như IDI tăng 5,5%; HAG tăng 5,2%; ASM tăng 5,1%; LSS tăng 4,6%; BAF tăng 4,2%; ACL tăng 3,9%... Dòng hàng và dịch vụ công nghiệp cũng khởi sắc trở lại, trong đó GEX và GMD tăng trần; VOS tăng 4,3%; VTO tăng 4,3%; MHC tăng 3,2%.

Cổ phiếu ngành chứng khoán sau chuỗi giao dịch bị "vạ lây" cũng đã lấy lại được sắc xanh. VND là tâm điểm chú ý khi tăng kịch biên độ lên 35.300 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đạt gần 16,7 triệu đơn vị; APS tăng 6,1%; AAS tăng 5,6%; TVB tăng 4,4%; MBS tăng 4,3%; VIG tăng 4,2%; AGR tăng 2,7%...

Nhìn chung, đà phục hồi đã lan tỏa đến phần lớn cổ phiếu ở các ngành nghề trên toàn thị trường. Nếu như một số nhà đầu tư đang cảm thấy tiếc nuối vì đã cắt lỗ đúng đáy ở phiên sáng khi VN-Index lùi sâu dưới 1.450 điểm thì những ai kịp giải ngân ở vùng này đã thu được khoản lãi trong ngày đáng kể. Riêng với những nhà đầu tư "ôm full" cổ phiếu trong danh mục cũng được an ủi phần nào vì phần thiệt hại đã co hẹp lại.

Anh Thái Sơn, một nhà đầu tư ở TP Vinh (Nghệ An) ví von hóm hỉnh: "Đầu phiên sáng, tài khoản của tôi vẫn còn âm 200 triệu đồng nhưng bây giờ các mã trong danh mục có mã tăng trần, có mã tăng mạnh, thua lỗ còn hơn 50 triệu đồng, có cảm giác như không làm gì cũng kiếm được 150 triệu đồng vậy". Tuy nhiên, anh Sơn cũng cho biết thêm, anh đã nghiên cứu rất kỹ cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nên mới quyết định giữ cổ phiếu trong dài hạn, hoàn toàn không đầu cơ ngắn hạn.

Trước phiên giao dịch này, các công ty chứng khoán cũng lưu ý rằng, chỉ số đã về sát hỗ trợ "cứng" nên nhà đầu tư không cần bán tháo, nên canh nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ và có thể mua thêm cổ phiếu bluechips, đón kết quả kinh doanh quý I.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm