Bốc thăm vào trường mầm non: Lá phiếu may rủi?
Do lượng hồ sơ nhận được vượt gần 400 so với chỉ tiêu nên hàng trăm phụ huynh Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) phải bốc thăm để giành suất học cho con. Trong buổi sáng 27/8, hơn 100 phụ huynh bốc thăm được suất vào trường, số còn lại dù rất buồn bã nhưng không còn cách nào khác đành phải ra về. Như vậy, phụ huynh của khoảng 300 học sinh sẽ phải tìm cách khác: Cho con học các trường ngoài công lập hoặc gửi gắm con cái cho ông bà…
"Bốc thăm" những tưởng là hình thức công bằng, không bị can thiệp bởi các yếu tố tiêu cực như quan hệ, tiền bạc nhưng thực tế nhìn vào rất phản cảm. Xin nhập trường cho con mà như đang chơi trò may rủi. Trẻ nào trúng thì học, trượt thì… khỏi học!?
Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, giải thích đây là "tình huống bắt buộc phải làm" và "không còn cách nào khác" vì trên địa bàn chỉ có một trường mầm non công lập duy nhất.
Phường Hoàng Liệt là phường có dân số lớn nhất Hà Nội (hơn 80.000 dân). Bà Trương Thu Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai nói trên báo chí, mỗi năm số lượng trẻ mầm non tăng khoảng 2.000 cháu nhưng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% trẻ, còn lại 82% trẻ trên địa bàn phường phải theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong khi Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thì thực tế diễn ra ở phường Hoàng Liệt cho thấy "chuẩn" có thể đạt được nhưng các bậc phụ huynh lại rất vất vả.
Quả thật, nếu không vào được công lập, phụ huynh vẫn còn lựa chọn khác, chẳng hạn như đăng ký cho con vào học tại các trường tư. Và đây là thực tế phổ biến chứ không riêng phường Hoàng Liệt. Tuy nhiên, không thể lấy đó để bao biện cho yếu kém của công tác quy hoạch và nỗi bức xúc dai dẳng chuyện trường lớp của người dân.
Pháp luật đã quy định rằng trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Và Nhà nước mà trực tiếp là chính quyền địa phương phải có giải pháp bảo đảm điều kiện cho việc thực hiện quyền trẻ em.
Sẽ có những gia đình đủ điều kiện cho con học trường tư chất lượng cao. Nhưng không phải tất cả các bậc phụ huynh đều như vậy, vì các trường mầm non ngoài công lập thường có học phí cao hơn nhiều so với hệ công lập. Tôi từng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng trẻ đã phải gửi con về quê cho ông bà, trẻ phải chịu thiệt thòi cảnh xa cha mẹ. Tình trạng này cũng thường gặp với những gia đình công nhân sống trong các khu công nghiệp.
Mới chỉ một thời gian trước, cả xã hội xót xa, phẫn nộ vì xuất hiện những vụ bạo hành trẻ em ở các cơ sở trông giữ trẻ, các trường mẫu giáo tư thục. Ai có thể cầm lòng và chịu đựng nổi nếu tình huống ấy rơi vào con em mình! Nói như vậy không phải để phân biệt trường công hay trường tư. Nhưng đó chẳng phải là hệ lụy của tình trạng thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến cơ sở mầm non, cơ sở trông giữ trẻ tự phát "mọc lên" mà không được giám sát về chất lượng giáo viên, về điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh, thiếu thốn giáo cụ hay sao?
Ngoài ra, cần thấy rằng trải qua đợt dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội khiến nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non bỏ nghề. Chính vì vậy, trong năm học mới 2022-2023, sức ép tuyển sinh sẽ gia tăng với các trường công lập.
Yếu tố khách quan phát sinh là vậy, nhưng câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp chẳng phải năm nay mới diễn ra ở phường Hoàng Liệt (hình thức bốc thăm vào trường đã được triển khai một số năm trước đó), cũng không phải là hiếm xảy ra ở những nơi tập trung đông dân cư. Theo đó, ngành giáo dục các địa phương hầu như không chủ động được quỹ đất để xây thêm trường lớp. Một số nơi năm nào cũng xây thêm phòng ốc như một hình thức "chữa cháy", song không thể giải quyết được tận gốc vấn đề khi mà số phòng học tăng không đuổi kịp tốc độ tăng của số lượng học sinh.
Địa phương có thể tự hào về việc thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng được nhiều khu dân cư, gọi là "đất lành chim đậu". Nhưng việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng giáo dục của người dân thì sao? Phát triển hạ tầng cơ bản mà bỏ qua ưu tiên xây dựng trường lớp thì làm sao người dân yên tâm "an cư lạc nghiệp"? Do vậy, trách nhiệm ở đây trước hết phải gắn với người đứng đầu tại mỗi địa phương chứ không phải "quả bóng lăn qua lăn lại", để rồi phụ huynh năm này qua năm khác vẫn phải nghe điệp khúc "cảm thông", "chia sẻ" với nhà trường và ngành giáo dục.
Giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu. Khi mà mỗi gia đình đều đề cao sự học của con em, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên giáo dục con người, thì việc phụ huynh phải bốc thăm tìm kiếm cơ hội con vào trường mầm non công lập; bố mẹ xếp hàng từ 5h sáng, xô đẩy đến mức đổ cổng trường để nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con; học sinh thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học… là những hiện tượng cần sớm có giải pháp khắc phục.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!