Biển số xe - không nên chỉ dừng lại ở "đấu giá"
Việc Bộ công an, thay mặt Chính phủ, trình Quốc hội Nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô, theo tôi, là một chỉ dấu tích cực của việc quản lý xã hội dựa trên những nhu cầu thực tế.
Biển số xuất hiện sau các phương tiện khá lâu, nhưng đã trở thành thứ hữu hiệu để chính quyền ở khắp nơi dễ dàng quản lý và kiểm soát cả chiếc xe lẫn người điều khiển, thông qua việc định danh phương tiện bằng dãy chữ và số trên tấm biển.
Ban đầu các tấm biển sử dụng chữ số và ký tự ngẫu nhiên được ấn định theo thứ tự bởi cơ quan công quyền. Theo thời gian, cùng với việc sở hữu phương tiện, người dân phát sinh nhu cầu có biển số gồm các chữ cái và số theo thứ tự cụ thể dựa trên sở thích cá nhân. Ở nhiều nước, với cơ chế linh hoạt, người dân có thể mua chiếc biển số mà trên đó có các chữ cái trùng tên của họ và dãy số họ yêu thích.
Cho đến nay, việc quản lý phương tiện ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc định danh phương tiện và phân vùng địa lý. Mỗi chiếc xe khi đăng ký sẽ buộc phải gắn với một dãy số cụ thể, ngoại trừ trường hợp, chủ phương tiện chuyển giao quyền sở hữu cho người ở địa phương khác thì việc định danh phương tiện sẽ thay đổi. Lúc đó một biển số mới được cấp cho phương tiện, tương ứng với nơi cư trú của chủ mới.
Cách quản lý trên là cần thiết, và phù hợp với thời kỳ quản lý bằng hồ sơ giấy tờ, không có sự trợ giúp của công nghệ cũng như không có khả năng kết nối dữ liệu. Những người sử dụng mobile cách đây khoảng 25 năm hẳn còn nhớ cách cấp và quản lý số điện thoại di động theo tỉnh, theo vùng - kế thừa cách cấp và quản lý số điện thoại cố định phổ biến lúc bấy giờ.
Khoa học và công nghệ thời nay đã hoàn toàn khác. Giờ đây việc nhận diện biển số xe và tra cứu, đối soát hoàn toàn có thể thực hiện tốt với các dãy số và chữ dài, gần như tức thời. Các phương tiện công nghệ cho phép nhận diện và đọc các biển số xe ở tốc độ cao rất đơn giản. Quản lý giao thông thông minh và các giải pháp công nghệ đã cho phép thay đổi căn bản cách thức quản lý phương tiện và người điều khiển.
Ở một khía cách khác, các khái niệm về cư trú, đăng ký công dân cũng đã thay đổi, công dân có thể đăng ký thay đổi nơi cư trú dễ dàng và linh hoạt theo quy định. Chủ sở hữu phương tiện, vì vậy, không còn đơn giản gắn với một địa chỉ "hộ khẩu" như trước đây nữa. Luật pháp Việt Nam hiện tại cũng đảm bảo quyền lưu thông công bằng và tự do của phương tiện đăng ký ở các địa phương khác nhau.
Với những yếu tố mới như trên, tiền đề cho việc đăng ký biển số định danh phương tiện theo lựa chọn là một giải pháp phù hợp và cần thiết, vừa để phục vụ nhu cầu của xã hội, vừa có thêm nguồn ngân sách cho nhà nước.
Tuy nhiên, việc đấu giá biển số "đẹp" khi triển khai chỉ phục vụ một số ít người dân có điều kiện kinh tế. Và chiếc biển số sau đấu giá có được mua, bán hay không? Theo tôi, chúng ta có thể xem xét cách tiếp cận toàn diện và đầy đủ hơn để mọi người dân đều có thể lựa chọn biển số xe theo thứ tự do cơ quan quản lý ấn định, hoặc lựa chọn dãy số và chữ theo nguyện vọng cá nhân.
Khung pháp lý được thiết kế cho việc này là người dân phải trả một khoản phí cơ bản ban đầu khi lựa chọn dãy số và chữ trên tấm biển, và sẽ được cấp chính thức nếu trong một thời hạn nhất định nào đó, 30 ngày chẳng hạn, không có người khác có cùng mong muốn. Nếu có nhiều hơn một người muốn có biển số như vậy, họ sẽ tham gia đấu giá để sở hữu biển số đó. Người trúng đấu giá được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho biển số của mình theo cơ chế thị trường.
Để phục vụ quản lý biển số và chủ xe trong điều kiện chiếc biển số sẽ có những "biến động" thay đổi chủ sở hữu, cơ quan chức năng có thể áp dụng nguyên tắc định danh phương tiện qua biển số gắn với cá nhân. Theo đó, phương tiện sẽ được định danh bằng số VIN/Vehicle Identification Number (do nhà sản xuất quyết định và dập trên khung xe) tương ứng với một biển số. Còn chiếc biển số thì gắn với một phương tiện cụ thể (tương ứng với số VIN) và một mã số định danh cá nhân (số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu). Khi chủ xe chuyển đổi quyền sở hữu, các bên sẽ đăng ký lại phương tiện gắn với biển số định danh của chủ sở hữu mới.
Và tất nhiên, cũng không nên chỉ giới hạn việc quản lý ở biển số xe ô tô, biển số xe máy cũng hoàn toàn có thể áp dụng cách tiếp cận này.
Những thành quả của Bộ Công an trong việc triển khai căn cước công dân điện tử và quản lý dữ liệu công dân vừa qua, là một ví dụ cho thấy khả năng áp dụng, triển khai công nghệ, cho phép áp dụng một nguyên tắc quản lý khác đối với biển số xe, để việc thí điểm đấu giá biển đẹp sẽ trở thành lựa chọn biển số xe theo nhu cầu và gắn với định danh cá nhân. Khi đó, không chỉ công dân vui vẻ và thoải mái, mà nguồn thu của nhà nước chắc chắn cũng sẽ tăng lên.
Công nghệ đã sẵn sàng, kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác cũng có sẵn để học hỏi và thay đổi, có lẽ cũng đến lúc chúng ta nên thay đổi tư duy và nguyên tắc quản lý phù hợp.
Cách đây vài năm, Bộ Công an từng có một cải tiến nhỏ về biển số xe ô tô, khi cho phép thay đổi kích thước các biển số xe ô tô du lịch, xe bus,… phù hợp với ô trống được thiết kế để đeo biển. Trước đó, trong rất nhiều năm, chúng ta đã phải sử dụng những biển số có kích thước theo tiêu chuẩn biển số của những chiếc xe Gaz 69 và xe do các nước trong khối XHCN sản xuất, cho dù tất cả xe cộ ngày nay đều đã sử dụng chuẩn kích thước khác. Thay đổi này giúp cho hình ảnh biển số đeo trên xe đẹp hơn và người dân cũng bớt đi sự khó chịu.
Lần này, việc thay đổi cơ chế lựa chọn biển số xe chắc chắn mang đến những tác động tích cực hơn.
Tác giả: Phạm Quang Vinh là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của nhiều cơ quan báo chí. Ông quan tâm đến các vấn đề giáo dục, quản trị và xây dựng pháp luật.