Đề xuất đấu giá biển số xe: Nên làm sớm và hãy làm minh bạch!

Khả Vân

(Dân trí) - Đề xuất đấu giá biển số xe đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng cần làm sớm vì các nước đã làm từ lâu và quan trọng nhất là cần sự minh bạch, tránh hiện tượng "quân xanh, quân đỏ".

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Bộ Công an vừa đề xuất khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (còn gọi là biển số đi theo người suốt đời). 

Hiện dự Thảo Nghị quyết này đang được Bộ Công an lấy ý kiến từ người dân.

Thực chất, đây không phải là một vấn đề mới. Trước đó ngày 10/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127/TB-VPCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá biển số xe ô tô.

Thời điểm năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe.

Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe.

Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Đơn cử, tại thời điểm đó đã ghi nhận một biển số "tứ quý" 9 ở tỉnh Nghệ An được bán với giá 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.

Đề xuất đấu giá biển số xe: Nên làm sớm và hãy làm minh bạch! - 1

Nhiều năm qua, việc đấu giá biển số xe đã được đặt ra nhưng vướng các luật hiện hành như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản Nhà nước. Trong ảnh: Người dân đi đăng ký biển số xe ở Hà Nội. (Ảnh: Báo Giao thông).

Nên làm và cần làm minh bạch!

Một đại biểu Quốc hội từng cho biết, theo nghiên cứu của ông thì trong mỗi series số, ví dụ từ BKS 30A-000.01 đến 30A-999.99 có 99.999 số, sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ. Vì thế, số tiền thu được nếu cho đấu giá biển số sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Gửi ý kiến bình luận về Dân trí, nhiều bạn đọc đồng ý với đề xuất trên của Bộ Công an và cho rằng cần phải triển khai sớm bởi các nước phát triển đã thực hiện việc này từ rất lâu rồi.

"Tuy nhiên, học nước ngoài thì phải học cả sự minh bạch của họ nữa", một bạn đọc nhấn mạnh.

"Việc này lẽ ra phải làm từ lâu rồi chứ. Ủng hộ việc đấu giá đối với biển số xe, ai trúng biển nào thì được sở hữu biển đó suốt đời, mua phương tiện khác được gắn và đăng ký lại biển đó. Bởi biển số xe không phải để quản lý xe mà để quản lý người chủ sở hữu xe, chiếc xe là vật vô tri vô giác, quan trọng là quản lý người chủ sở hữu chiếc xe đó. Vì vậy nên cấp biển dõi theo cả đời là quản lý khoa học nhất.

Bên cạnh đó, việc đấu giá biển số đẹp và cấp biển theo yêu cầu chẳng hạn như ngày tháng năm sinh... sẽ đem lại nguồn thu hàng ngàn tỷ nếu áp dụng. Ngoài đấu giá biển đẹp như ngũ quý, lộc phát, số tiến lên, số gánh, số cặp... còn có sở thích biển số theo yêu cầu dù không đẹp nhưng đã thích vì bất kỳ lý do gì nên cho đấu giá. Nguồn thu về ngân sách bao việc để sử dụng có ích cho xã hội", bạn đọc Tiến Dũng viết.

"Hợp lý quá. Ngân sách nhà nước thu được, sau bổ sung vào quỹ tu bổ giao thông của cả nước. Tôi xin bổ sung thêm một ý đó là có thể cho tặng hoặc thừa kế biển số nữa. Biển đẹp sẽ thành món quý gia truyền, như vậy sẽ nâng giá lên rất cao", quan điểm của bạn đọc Nông Thị Tấm.

"Thật khó hiểu tại sao lại tốn nhiều thời gian đến thế cho một việc quá đỗi đơn giản", bạn đọc Nam Trung thắc mắc và không quên đưa ra một vài dẫn chứng ở các nước tiên tiến:

"Việc đấu giá biển số xe ở nước ngoài đã có từ nhiều chục năm, ví dụ nước Anh đã bắt đầu đấu giá biển số xe từ năm 1989. Năm 2014 chủ một đại lý Ferrari ở nước này có tên John Collins chi hơn 800.000 USD để sở hữu biển số xe "25 O" để gắn lên chiếc Ferrari 250 SWB từng thuộc về danh ca người Anh Eric Clapton.

Ở Hong Kong, biển số "28" từng được bán với giá 2,3 triệu USD. Con số 28 vốn mang hàm ý về sự may mắn, dễ phát tài phát lộc.

Biển số "AA8" được bán với số tiền cao nhất buổi đấu giá ở Dubai, với 9,53 triệu USD. Ngoài ra, những biển số khác cũng có mức giá cao như F55 và V66 đều có giá 1,08 triệu USD, và biển Y66 giá 1,03 triệu USD

Còn tại Thụy Sỹ, việc này cũng đã được triển khai lâu rồi mà không cần phải đấu giá. Biển xe đi theo người đăng ký cả đời (nếu không còn xe thì phải mang đi hủy biển). Một biển được dùng cho 2 xe, chủ biển đang đồng thời sở hữu song phải đăng ký.

Chúng ta chỉ việc làm theo họ, chỉnh sửa chút cho hợp với điều kiện nước ta".

Đề xuất đấu giá biển số xe: Nên làm sớm và hãy làm minh bạch! - 2

Một luồng ý kiến phản đối lại cho rằng, Bộ Công an đang cho bấm lấy biển số ngẫu nhiên đã rất tốt. Còn việc bấm được biển số đẹp là niềm vui, sự may mắn của chủ xe. (Ảnh minh họa).

Lo ngại xuất hiện thị trường biển số đầy phức tạp

Đó là quan điểm của bạn đọc Minh Anh bởi những lý do: "Tôi không quan tâm số xe đẹp xấu thế nào, chỉ cần lái xe an toàn là được. Về mặt quản lý, biển số gắn liền với phương tiện, quản lý phương tiện chứ không phải quản lý biển số hay người sở hữu cái biển số. Họ bán xe, giữ lại biển số, nếu họ không mua xe khác thì biển số cất giữ để làm gì khi mà nó không được chuyển nhượng.

Còn nếu được chuyển nhượng như một tài sản thì sẽ xuất hiện thị trường biển số nữa, thêm rắc rối phức tạp. Đừng vì thu thêm chút tiền mà làm phức tạp trong việc quản lý.

Hiện Bộ Công an đang cho bấm lấy biển số ngẫu nhiên đã rất tốt. Còn việc bấm được biển số đẹp là phần thưởng của họ. Cũng tạo cho họ có thêm niềm vui trong cuộc sống chứ có sao đâu?".

Bạn đọc Hải Ly nêu một số thắc mắc: "Vậy những biển cấp thông thường có gắn suốt đời không? Nếu không thì tức là phải có một ngưỡng giá nào đó mà những biển có phí cấp (hoặc giá đấu) cao hơn thì mới được sở hữu suốt đời chứ? Giả sử một biển phí cấp thông thường là 1 triệu đồng, với một biển không quá đẹp nhưng lại có ý nghĩa nhất định nào đó với người mua ví dụ ngày sinh đấu giá là 1.5tr, mà biển đấu giá lại được giữ theo người trong khi biển kia đi theo xe thì sẽ không hợp lý".

Bạn đọc Nam Giang cũng đưa ra một số câu hỏi: "Tôi cũng chưa hiểu lắm về đề xuất mới này, trong đó cụm từ "suốt đời" là làm sao? có phải khi người đấu giá biển số chết thì biển số xe bị mất hiệu lực? Trường hợp này lỡ con của họ đang đi chiếc xe đó thì có bị gỡ biển số xe không? nếu không bị gỡ thì có nghĩa họ được thừa kế biển số xe. Việc thừa kế biển số xe lại đặt ra vấn đề tranh chấp, người thắng cuộc lỡ không có xe hoặc đã có xe khác thì họ có quyền được bán không?".

Cho rằng nên quản lý biển số xe giống cách quản lý số điện thoại, bạn đọc Thanh Hải đưa ra một số ý kiến: "Thứ nhất, khi chuyển biển số từ xe này sang xe khác thuộc cùng sở hữu, thì tính thuế, phí thế nào?

Khi mua, bán xe có biển số đấu giá có cần 2 hợp đồng mua bán (xe và biển) không? Nếu có nhiều biển số đấu giá, vài ba cái xe, có thể thay đổi qua lại biển giữa các xe không?

Nên chăng bất cứ biển xe nào cũng theo chủ sở hữu suốt đời (nếu họ có nhu cầu) không cứ biển đấu giá. Chẳng qua cũng chỉ là cái biển có số đẹp mà thôi. Nên quản lý giống số điện thoại".

Dòng sự kiện: Đấu giá biển số xe

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm