Toàn cảnh đường vành đai 2,5 đi qua nhiều khu đô thị ở Hà Nội
(Dân trí) - Vành đai 2,5 từ Phú Thượng (Tây Hồ) đến Trần Phú (Hoàng Mai) đi qua nhiều khu đô thị lớn của Hà Nội.
Đường vành đai 2,5 Hà Nội là tuyến giao thông đường bộ phụ trợ tuyến đường vành đai 2 và đường vành đai 3 của Hà Nội, dài khoảng 30 km, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Tuyến nằm hoàn toàn trong nội đô Hà Nội.
Theo quy hoạch phân khu H2-1 có điểm đầu ở tuyến đường nối vành đai 2 và 3 (từ cầu Thăng Long đến cầu Nhật Tân). Đoạn đầu vành đai 2,5 được xây dựng một phần cùng với khu đô thị Ciputra.
Với đoạn tuyến từ đường nối 2 vành đai đến Nguyễn Hoàng Tôn, vành đai 2,5 đã xây dựng được hai đoạn đầu cuối. Đoạn giữa đang trong quá trình xây dựng.
Theo ghi nhận của Dân trí, từ đường Nguyễn Hoàng Tôn, vành đai 2,5 đang được xây dựng một phần. Đây cũng chính là dự án đường số 5 vào khu đô thị Tây Hồ Tây.
Dự án này mới được giải phóng mặt bằng đường một phần từ Nguyễn Hoàng Tôn đến ngách 126/26 Xuân Đỉnh. Khu dân cư bên phải ngách trên cũng đã có trong kế hoạch sử dụng đất, thuộc diện thu hồi mở đường.
Từ ngách 126/26 Xuân Đỉnh đến đường Xuân Đỉnh, vành đai 2,5 chưa được giải phóng mặt bằng.
Từ đường Xuân Đỉnh đến chung cư 789, vành đai 2,5 đang được xây dựng một phần. Hình ảnh đoạn tuyến vành đai 2,5 đi qua Ciputra và Ngoại giao đoàn.
Từ chung cư 789, vành đai 2,5 đã hoàn thiện, đi qua khu đô thị Ngoại giao đoàn và Tây Hồ Tây hướng về đường Hoàng Quốc Việt.
Từ Hoàng Quốc Việt, vành đai 2,5 hiện là đường Nguyễn Văn Huyên đi qua khu vực Công viên Nghĩa Đô và dự án D'.Palais Louis của Tân Hoàng Minh.
Từ nút giao Nguyễn Văn Huyên - Cầu Giấy, vành đai 2,5 đang được giải phóng mặt bằng.
Tại đoạn tuyến từ Cầu Giấy đến đường Dương Đình Nghệ, vành đai 2,5 cũng đi qua nhiều dự án chung cư như Thanh Bình, Hà Đô...
Theo quy hoạch phân khu H2-2, vành đai 2,5 đi trùng với một phần đường Dương Đình Nghệ và Trung Kính đến nút giao Mạc Thái Tông, Vũ Phạm Hàm.
Từ Trung Kính, vành đai 2,5 đi qua khu vực dân cư, nối với đường Hoàng Đạo Thúy. Vành đai 2,5 trùng với đường Hoàng Đạo Thúy hiện Hữu và từ đoạn giao với ngõ 116 Nhân Hòa đến Nguyễn Trãi, tuyến đường này chưa được xây dựng.
Theo quy hoạch phân khu H2-3, vành đai 2,5 sẽ đi trùng với nút giao Khương Đình - Nguyễn Trãi. Hình ảnh đoạn tuyến vành đai 2,5 từ cầu mới trên đường Vũ Tông Phan đến Nguyễn Trãi đi qua loạt nhà dân.
Tương tự, từ đường Vũ Tông Phan, vành đai 2,5 cũng đi qua loạt nhà dân, qua đường Khương Trung và hướng về Đầm Hồng.
Từ Đầm Hồng đến ngõ 192 Lê Trọng Tấn, vành đai 2,5 đã có mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện. Từ ngõ 192, tuyến vành đai cơ bản hoàn thiện qua khu đô thị Định Công.
Từ khu vực đường Trần Nguyên Đán, vành đai 2,5 còn một số nhà dân chưa giải phóng mặt bằng. Đoạn từ sông Lừ đến đường Định Công cũng mới được giải phóng mặt bằng gần đây.
Vành đai 2,5 đoạn qua đường Định Công và Giải Phóng. Hà Nội cũng đã phê duyệt quyết định xây dựng hầm chui ở nút giao Giải Phóng - Kim Đồng với tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.
Từ đường Giải Phóng, vành đai 2,5 đã xây dựng hoàn thiện, hiện là đường Kim Đồng, Tân Mai.
Từ chung cư CTI Vĩnh Hoàng, vành đai 2,5 chưa được hoàn thiện. Theo quy hoạch phân khu H2-4, vành đai 2,5 sẽ đi trùng và mở rộng đường Lĩnh Nam.
Theo quy hoạch phân khu nêu trên, vành đai 2,5 mở rộng đường Lĩnh Nam về 2 bên và kết thúc ở nút giao với đường vành đai 3.
Sơ đồ được vẽ tương đối căn cứ theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn Hà Nội và các quy hoạch phân khu đã nhắc trong bài viết.