Lãnh đạo Hà Nội tiết lộ "cái khó nhất" khi làm đường vành đai 4
(Dân trí) - Khó khăn lớn nhất của dự án vành đai 4 là giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh không được phép chia công tác này ra nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường khác nhau.
Tại tọa đàm "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/5, các chuyên gia đã hiến kế thực hiện dự án đường vành đai 3 TPHCM và đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hình thức đầu tư dự án là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Hiện tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm dự án thành phần.
Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận.
Vốn đầu tư nhóm 1, 2 do ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 do nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, với nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3. Hiện nay, quy mô giải phóng mặt bằng cho cả 3 tỉnh, thành phố là 1.341 ha; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, dưới 25%.
"Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm", ông Tuấn nhấn mạnh.
Khi vượt qua khó khăn này, các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 đường song hành đô thị sẽ diễn ra từ năm 2022-2026; đặc biệt dự án trung tâm PPP-BOT với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến sẽ phải hoàn thành trong năm 2025.
Một khó khăn nữa là Hà Nội phải thực hiện mô hình Nhà nước phối hợp với xã hội, tức đầu tư công kết hợp đầu tư công tư. Tuy nhiên, Hà Nội nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ và vành đai 4 cũng có tính hấp dẫn riêng nên đảm bảo tính khả thi.
Nói về tầm quan trọng của dự án vành đai 4, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hóa hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.
Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Hà Nội nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Ngoài ra, đây còn là con đường kết nối 2 cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô đang được quy hoạch.
Dự án vành đai 4 cũng cho phép điều hòa hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.