(Dân trí) - Những căn biệt thự cao cấp, các khu nhà liền kề ở khu đô thị mới Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rơi vào cảnh hoang tàn nhiều năm nay. Nhiều căn bỏ hoang dần trở thành nơi tá túc cho những người lao động, công nhân các công trình gần đó.
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG CÔNG NHÂN PHỤ HỒ TRONG "BIỆT THỰ TRIỆU ĐÔ" GIỮA LÒNG HÀ NỘI
Những căn biệt thự cao cấp, các khu nhà liền kề ở khu đô thị mới Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rơi vào cảnh hoang tàn nhiều năm nay. Nhiều căn bỏ hoang dần trở thành nơi tá túc cho những người lao động, công nhân các công trình gần đó.
Khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Diễn nằm sâu trong ngõ 332 đường Hoàng Công Chất, thuộc phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Những căn biệt thự nơi đây được xây dựng cách đây khoảng 8 năm, theo kết cấu đơn lập, nhà vườn kết hợp cùng các dãy nhà liền kề bao quanh. Tuy nhiên, nhiều năm nay sau khi xây thô, dự án đã tạm dừng hoạt động và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.
Diện tích một căn biệt thự trung bình khoảng 58 m2, gồm 4 – 5 tầng, mặt tiền rộng 4,6 mét. Giá trị mỗi căn được rao bán với giá dao động từ 5 đến 7 tỷ tuỳ căn và vị trí khác nhau.
Những căn chưa có người sử dụng thường được môi giới cho bên thứ ba đứng ra cho công nhân, hoặc người lao động ngoại tỉnh thuê lại với giá rẻ. Người đến thuê nhà ở đa số là công nhân và lao động ở xa, bên cạnh đó cũng có một số người thuê làm xưởng hoặc kho chứa đồ.
Nhà chưa được sử dụng thường được lao động ngoại tỉnh thuê lại với giá rẻ, khoảng 7 – 8 triệu/ tháng/ căn 5 tầng. Người cho thuê không quy định số người ở, và không giới hạn thời gian ở. Trung bình một căn có khoảng 15 – 30 người, chia nhau ở từ tầng 1 đến tầng 5. Tiền thuê nhà được những người thuê đóng 3 tháng 1 lần.
Những người lao động ở đây đều là dân ngoại tỉnh, phần lớn là công nhân tại các công trình xây dựng. Để tiết kiệm chi phí, họ thường chung nhau tiền thuê lại các căn biệt thự bỏ hoang và chỉ ở trong những căn nhà này đến khi kết thúc công trình (thường là 1 năm).
Những người ở chung một căn nhà thường là những người đã quen biết nhau từ trước, cùng quê, cùng đội hoặc cùng chung dự án.
Từ nhà thuê đến chỗ làm khá xa, có người phải đi khoảng 10 km mỗi ngày. Song, họ vẫn chọn thuê ở đây phần vì được ở cùng người quen, phần vì tiền thuê nhà giá rẻ, an ninh ổn định. Hàng ngày, người những lao động ở đây bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ sáng và 1 rưỡi chiều. Họ cùng nhau leo lên chiếc xe máy cũ, chở nhau tới chỗ làm rồi lại cùng nhau đi về.
Ông San, sinh năm 1977, người Hưng Yên – một người lao động xa quê, sống trong căn biệt thự này cho biết, được một người quen từng ở đây giới thiệu thuê. "Ở đây mọi người vẫn luân phiên nhau đến rồi đi vì không ai được làm một chỗ cố định. Cứ hết công trình lại di chuyển đến chỗ mới, và tìm một ngôi nhà thích hợp để thuê", ông San nói.
Căn nhà chỉ có phần thô gạch vữa, cốt thép bao quanh nên những người đến đây ở thường tự cơi nới thêm khu bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh hoặc ngăn các phòng nhỏ cho những cặp vợ chồng hoặc lao động là phụ nữ.
Những bậc thang gạch vữa bong tróc, không có tay vịn gây nguy hiểm khi lên xuống trong bóng đèn leo lắt.
Thu nhập của những người lao động ở đây trung bình khoảng 7 triệu đồng/ tháng, tuỳ vào trình độ và vị trí. Cuộc sống nay đây, mai đó đã khiến họ quen với cảm giác thích nghi ở một nơi ở mới mà chẳng hề thấy bất tiện, thiếu thốn. Cho dù đấy là khu lán ọp ẹp, hay những căn nhà cao tầng chỉ có “xác” không.
Cô Hà Thị Hiền, 45 tuổi, người huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) trước kia vừa hỗ trợ, phụ giúp dọn dẹp ngoài công trình, vừa nấu cơm. Tuy nhiên, hiện giờ cô chỉ tập trung vào việc chuẩn bị bữa ăn cho mọi người trong đội và ở lại luôn trong các khu biệt thự bỏ hoang.
Anh Giàng A Minh (33 tuổi) là người dân tộc Mông, thuộc bản Keo Lôm, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. “Đi làm xa nhà nên mình rất nhớ gia đình. Có thời gian rảnh là mình gọi điện ngay cho vợ con hỏi thăm. Cố gắng chăm chỉ làm việc, tiết kiệm tiền, Tết nhất về sắm sửa cho gia đình”, anh chia sẻ.
Dù sống trong những "căn biệt thự" triệu đô giữa lòng Hà Nội nhưng cuộc sống của những người lao động nghèo ở đây, thiếu thốn trăm bề.
Do là căn biệt thự bỏ hoang nên không ai để ý tới việc dọn dẹp sạch sẽ xung quanh các ngôi nhà này.
Tác giả: Đức Anh