Xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam: Không chỉ cấm xe máy mà nên hạn chế cả ô tô cá nhân?

(Dân trí) - Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, muốn xây dựng đô thị xanh, Việt Nam nên hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng, trong đó có xe máy và ô tô.

Trong vài năm trở lại đây, ô nhiễm môi trường đang cản trở sự phát triển các đô thị xanh tại Việt Nam. Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, các chỉ số quan trắc môi trường đánh giá không khí tại Hà Nội luôn chạm ngưỡng nguy hại (trên 300 đơn vị), đây là mức kém và xấu, có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.

Thậm chí, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), chất lượng không khí của Hà Nội càng về cuối năm càng xấu. Trong tuần có tới 6/7 ngày không khí ở mức kém.

Xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam: Không chỉ cấm xe máy mà nên hạn chế cả ô tô cá nhân? - 1

Theo các chuyên gia phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn

Trao đổi với PV báo Dân Trí, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) khẳng định, các phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay. 

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí, tuy nhiên, phương tiện giao thông có đóng góp ô nhiễm nhiều nhất và là “thủ phạm” chính. Theo một số nghiên cứu, các phương tiện giao thông gây ra 55 - 60% lượng khí thải độc ra môi trường”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nói.

So với các quốc gia trong khu vực châu Á,Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều xe máy nhất trong các phương tiện giao thông chính gồm xe con xe máy, xe buýt, đường sắt, bán công cộng. Cụ thể, tại Hà Nội, 85% phương tiện được sử dụng là xe máy, 11% xe buýt, 5% là xe con. Tại Tp.HCM, 91% là xe máy, 2% xe con, và 2% là xe buýt.

Xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam: Không chỉ cấm xe máy mà nên hạn chế cả ô tô cá nhân? - 2

Việc xây dựng các khu đô thị xanh là xu thế tất yếu. Muốn làm được điều này, Việt Nam phải hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, các loại khí được thải ra từ các phương tiện giao thông là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh như: giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hoá phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... 

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, ông ủng hộ đề xuất cấm xe máy, đồng thời, trong tương lai, Việt Nam nên hạn chế tất cả các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng, trong đó có ô tô di chuyển trong đô thị.

Thay vào đó, khuyến khích người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, trong tương lai sẽ có xe điện hoặc đường sắt trên cao.

“Cấm xe máy và hạn chế ô tô cá nhân đang là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ”, ông Sỹ đưa gia nhận định.

Để làm được điều này, Việt Nam cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển tương ứng. 

Ngoài ra, để phát triển các đô thị xanh, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, Việt Nam cần phải chú trọng giải quyết từng bước về vấn nạn ô nhiễm không khí. Trong đó, mỗi nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm sẽ phải có các giải pháp cụ thể tương ứng.

Cụ thể, để giảm thải khí thải của các loại phương tiện giao thông, cần khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học (xăng E5), làm đường tránh đi qua thành phố hay, tuyên truyền người dân nên tắt máy khi đứng ngã 4 đèn xanh đèn đỏ, các thành phố nên tăng cường rửa đường, hút bụi,...

Để đạt được hiệu quả tốt nhất, mọi người tầng lớp trong xã hội phải nỗ lực tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.

Đơn cử, cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phải kiên quyết xử lý các chủ phương tiện chở vật liệu xây dựng cố tình không trùm bạt khi ra đường.

Ngoài ra, trước các công trình xây dựng phải có chỗ rửa xe. Mỗi khi ra - vào công trường bắt buộc phải rửa xe để giảm bụi bẩn.

Đối với các nguyên nhân gây ô nhiễm có liên quan tới con người, cần tuyên truyền cho người dân về các tác hại khi sử dụng than tổ ong trong thành phố và các tác hại của việc đốt rơm, đốt rạ,...

Thay vì đốt sau khi thu hoạch, người nông dân có thể bán rơm, rạ cho các cơ sở thu mua để làm nguyên liệu tái chế cho trồng nấm, làm thức ăn chăn nuôi,... thậm chí có thể làm giấy từ rơm.

“Để xây dựng và phát triển các đô thị xanh cần phải có lộ trình, kế hoạch và tầm nhìn dài hạn. Trong đó, cần sự chung tay của rất nhiều các cơ quan, tổ chức và sự nỗ lực của người dân”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.

Việt Vũ