Hoang tàn ở 2 dự án từng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến tại TPHCM
(Dân trí) - Hàng loạt khu tái định cư ở TPHCM tiếp tục rơi vào tình trạng bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên trong khi nhu cầu nhà ở của người dân thành phố tăng cao.
Đầu tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, UBND TPHCM ra quyết định trưng dụng 3 khu nhà tái định cư làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong đó, thành phố sử dụng nhiều lô chung cư tại Khu tái định cư Bình Khánh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) để làm bệnh viện dã chiến thu dung số 3, 6, 7, 8, 10, 11, 12 điều trị cho các ca dương tính Covid-19 và khu cách ly tập trung.
Theo tìm hiểu, khu tái định cư này được đánh giá là dự án sở hữu vị trí đẹp nhất Sài Gòn, nằm trên mặt đường đắc địa Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) và Lương Định Của, nối liền trung tâm TPHCM qua hầm Thủ Thiêm đi TP Thủ Đức.
Với diện tích 38,4 ha, hơn 12.000 căn hộ của dự án đã được xây dựng để phục vụ tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy đã được xây dựng từ năm 2013 và cơ bản hoàn thành vào năm 2015 nhưng gần 10 năm nay, hàng nghìn căn hộ tại khu này vẫn luôn trong tình trạng "vườn không nhà trống", được rao bán nhiều năm mà không ai mua.
Ngoài các lô chung cư đầy đủ cơ sở hạ tầng hiện đại, dự án còn có cả khu trường học, công viên, hồ bơi... Tuy nhiên, một số hạ tầng lâu ngày chưa thể hoạt động vì không có người.
Sau thời gian phục vụ cho điều trị Covid-19, khu tái định cư càng thêm vắng vẻ, hoang tàn. Toàn bộ khu vực hầu như không có người dân sinh sống, chỉ có bảo vệ trông coi mỗi khu nhà.
Nhiều lô chung cư với hàng nghìn căn hộ từng được trưng dụng để làm bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022.
Quỹ nhà tái định cư do Nhà nước quản lý xây để phục vụ đối tượng thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng nhưng phần lớn người dân đã nhận tiền đền bù và mua nhà nơi khác ở. Do đó, người dân không đến ở tại các căn hộ này. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác là dự án đã được xây dựng từ nhiều năm trước, thiết kế cũ và chất lượng không bằng các dự án của các chủ đầu tư có thương hiệu phát triển mới đây.
Ngoài ra, khi bán thì nhà tái định cư cũng cần được bán qua đấu giá song thủ tục đấu giá thường chờ thủ tục, quy trình xét duyệt giá khá lâu... trong khi nhà thương mại, hạng sang được các chủ đầu tư mở bán theo tiến độ, được quảng bá có thiết kế, tiêu chuẩn chất lượng cao.
Nhiều lô chung cư sau khi ngừng sử dụng làm bệnh viện dã chiến thì được khóa kín, chặn lối vào.
Rất nhiều vật dụng, giấy tờ, thiết bị y tế vẫn còn nằm lại ở các khu nhà từng được dùng làm bệnh viện dã chiến.
Nhiều block bị bủa vây bởi cỏ cây rậm rạp, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp vì không được bảo trì thường xuyên.
Ban đêm, khu vực này ít người qua lại, một số ít căn hộ của khu chung cư New City bên cạnh sáng đèn, các lô của khu tái định cư Bình Khánh thì tối đen, không bóng người.
Cùng thời điểm trên, khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) cũng được thành phố sử dụng làm bệnh viện dã chiến thu dung số 4 với quy mô khoảng 5.000 giường, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19.
Khu tái định cư tọa lạc tại huyện Bình Chánh này được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, dành để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn thành phố từ năm 2012.
Dự án do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp Đô thị TPHCM làm chủ đầu tư với quy mô 30,9 ha, đã xây dựng 45 block chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, 529 nền đất, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Khu chung cư này được xem là có quy mô lớn ở TPHCM, là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, sau 10 năm được đưa vào sử dụng, nhiều lô chung cư vẫn bị bỏ trống do người dân không về ở, dân cư thưa thớt. Nhiều căn hộ bị cỏ cây, dây leo bao trùm.
Theo ghi nhận của Dân trí, phần lớn lô ở khu tái định cư này đều không có người ở, bị bỏ không trong nhiều năm liền, không khí ảm đạm bao trùm lên cả 45 lô nhà ở.
Các mảng tường tòa nhà cũng xuất hiện nhiều vết nứt, có dấu hiệu sụt lún lâu ngày do không được thực hiện tu sửa.
Chuyển về khu tái định cư này từ năm 2011, trong lần giải tỏa đất tại quận 11, ông Lữ Quốc Hưng (cư dân tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B), cho biết trước khi được chính quyền dùng làm bệnh viện dã chiến thì nơi đây cũng đã rất vắng vẻ. Sau khi thành phố chấm dứt chuỗi ngày chống chọi với bệnh dịch, nhịp sống tại nơi này cũng không mấy cải thiện, vẫn "nhắm mắt chạy không đụng người".
"Từ trung tâm chạy về đây cũng hơn chục cây số, lại xa văn phòng, công ty nên dân cư đều bán lại nhà rồi chuyển đi nơi khác sinh sống. Không có người ở nhiều nên hạ tầng cũng dần xuống cấp, an ninh lỏng lẻo, không được thường xuyên vệ sinh như trước. Giờ nhìn hoang tàn còn thua cảnh dưới quê", ông Hưng cho hay.
Hệ thông giao thông ở khu vực này khá quy mô và đầy đủ, điện, đường, trường, trạm đều có, tuy nhiên vẫn thưa bóng người nhiều năm nay.
Trong khi nhiều người có nhu cầu về nhà ở thì ngay trong thành phố, hàng nghìn căn hộ chung cư lại ở trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm, bị xuống cấp, gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên nhà ở.
Vị trí của 2 dự án (Ảnh chụp Google Map).