DMagazine

Trải lòng "tôi bị bố xâm hại" của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt

(Dân trí) - Mang dòng máu Việt trong huyết quản, nữ doanh nhân Isabelle Müller vươn lên một cách phi thường giữa cuộc đời đầy vùi dập cùng những mảng tối ký ức đau đớn.

Cuốn tiểu sử "Con gái của chim Phượng Hoàng - Hy vọng là con đường của tôi" của người phụ nữ Đức gốc Việt Isabelle Müller vừa được chuyển ngữ sang tiếng Việt, phát hành tại Việt Nam sau 13 năm ra mắt phiên bản tiếng Đức gây chấn động. 

Cuốn tiểu sử là những trang viết không hề êm đềm về cuộc đời người con thứ năm của một bà mẹ Việt và bố người Pháp, lớn lên trong không gian tù túng, cơ cực tại một làng quê Pháp vào những năm 1960, trong môi trường sống phân biệt chủng tộc nặng nề. Chưa hết đau đớn, cô còn bị chính người cha tàn bạo xâm hại tình dục... 

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 1

Isabelle Müller, người phụ nữ mang dòng màu Việt - Pháp (Ảnh: NVCC)

Nhưng người phụ nữ ấy không cho phép bản thân bị bất hạnh vùi dập, đã vươn lên làm chủ cuộc đời trở thành một doanh nhân thành đạt ở Đức. 

Isabelle Müller là người thành lập quỹ Loan từ năm 2016 với những dự án giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với PV Dân trí,  Isabelle Müller nói về chủ đề xâm hại tình dục mà bà chính là nạn nhân để truyền đi thông điệp động viên nạn nhân bạo hành tình dục "hãy phá vỡ sự im lặng!".

Những tín hiệu bị xâm hại ít được phát hiện 

Những trang viết kể lại việc bị cha xâm hại ngày nhỏ của bà tái hiện những hình ảnh khủng khiếp khiến người đọc thực sự ngạt thở. Thật không thể hình dung bà ở vai một nạn nhân, "người trong cuộc" phải trải qua những cảm xúc, nỗi ám ảnh đó?

 - Khi viết lại những ký ức của mình, tôi đã nhiều lần tự hỏi, liệu khả năng một người có thể chịu đựng được là bao nhiêu. Điều này làm cho tôi thấy dễ chịu, tích cực hơn. 

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 2

Trẻ bị xâm hại chắc chắn bộc lộ những tín hiệu "kêu cứu" nhưng ít được quan tâm, phát hiện (Ảnh minh họa)

Và đến giờ, tôi đang cảm nhận được sự cân bằng và thanh thản vì tôi đã chấp nhận đó là quá khứ của mình. Quá khứ là quá khứ! Tôi không muốn để quá khứ làm mình thất vọng vì điều đó sẽ làm hỏng cuộc sống hiện tại của tôi. 

Một ký ức quá đau đớn! Tại sao bà quyết định lên tiếng khi đã vượt qua được, đã là một người thành đạt?

- Tôi không có ý định bắt đầu một phong trào xã hội bằng cách nâng cao chủ đề nhạy cảm này. Khi đó, tôi viết cuốn tiểu sử đời mình để tạo tiền đề cho việc xuất bản cuốn tiểu sử về mẹ tôi, một người phụ nữ Việt phi thường mà tôi vẫn nói "bà đáng được cả thế giới biết đến". 

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 3

Bà Isabelle Müller mong muốn bình đẳng giới thật sự cho phụ nữ Việt.

Nhưng sau khi viết về chuyện của mình, tôi mới nhận ra cách xã hội đối phó với vấn đề lạm dụng tình dục. Chuyên gia, bác sĩ, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội, giáo viên, nhà trị liệu và các thành viên trong gia đình hiếm khi có cơ hội nhận được thông tin trực tiếp từ một "cựu nạn nhân", một người trong cuộc, như tôi. 

Họ muốn hiểu về quá trình lạm dụng, các nạn nhân thì muốn học cách trở nên kiên cường. Nhiều người muốn học hỏi từ kinh nghiệm của tôi và tôi rất vui lòng để làm điều đó. Điều tôi muốn hướng đến là làm thế nào để biến những bất hạnh đã qua thành hạnh phúc.

Cô bé Isabelle Müller bé bỏng khi đó trong những thời khắc sợ hãi, rúm ró trước cha ruột, luôn mong ai đó xuất hiện để "giải cứu" mình nhưng đều rơi vào vực sâu tuyệt vọng. Liệu ai có thể hiểu hết tình cảnh, bế tắc của một đứa trẻ khi sống trong cảnh xâm hại?

- Tôi thấy có hai trường hợp thường xảy ra. Một là có những đứa trẻ dám nói rằng đã bị lạm dụng nhưng khi đó chúng lại có thể bị trừng phạt vì sự lên tiếng của mình. Người ta muốn đứa trẻ im lặng hoặc nhìn theo hướng khác, không hỗ trợ nạn nhân. Khi đó, lòng tin của đứa trẻ đối với mọi người sẽ hoàn toàn bị hủy hoại.

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 4

Cuốn tiểu sử của Isabelle Müller là những trang viết kể về cuộc đời đau thương của bà (Ảnh: V.Y).

Trường hợp thứ 2 là do sự thiếu hiểu biết của người xung quanh. Đứa trẻ không diễn đạt được việc mình bị xâm hại sẽ cố gắng đưa ra các tín hiệu như nói bóng gió hoặc một bức vẽ khác thường hay có biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống, kết quả học tập tụt dốc... Đáng tiếc, người xung quanh thường không nhận ra những tín hiệu "kêu cứu" này.

Ứng xử của người lớn trong cả hai trường hợp đều như sự trừng phạt nạn nhân lần thứ hai. Những tiếng kêu cứu thầm lặng của trẻ bị phớt lờ. Nạn nhân và những "người cứu hộ tiềm năng" không nói cùng một ngôn ngữ. Thật sự, điều đau đớn nhất với nạn nhân bị xâm hại tình dục là họ mất đi quyền tiếp cận sự giúp đỡ xung quanh. 

"Các nạn nhân bị xâm hại đừng đi theo đường của tôi"

Chúng ta thường nghe nhà quản lý, chuyên gia tâm lý kêu gọi nạn nhân bị xâm hại tình dục "lên tiếng" nhưng sau những lời kêu gọi đó, tại Việt Nam, nhiều nạn nhân bị xâm hại thường vẫn chỉ lựa chọn cả đời im lặng gánh chịu nỗi đau. Sự thúc giục "đừng im lặng" của bà, với tư cách là một nạn nhân, người trong cuộc hẳn là có ý nghĩa với sự thay đổi?

 - Khi tín hiệu kêu cứu không được phản hồi, nạn nhân không còn tin tưởng vào những người có khả năng giúp đỡ mình. Tôi cũng đã từng nghĩ "dù sao người khác cũng không hiểu mình, không biết mình đang phải trải qua những gì".

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 5

Isabelle Müller mong mỏi các nạn nhân bị xâm hại tình dục đừng im lặng như mình đã từng (Ảnh: NVCC).

Thế nên, nạn nhân bị xâm hại thường có cảm giác xấu hổ và tội lỗi trong vô thức. Họ tin rằng bản thân đã làm sai điều gì đó và vì họ khao khát được yêu như bao người khác, họ sẽ làm bất cứ điều gì để được yêu. Bằng cách này, họ tự nhận một món nợ không phải của mình. Chúng ta cần phải nói rõ điều đó với họ.

Hơn nữa, thủ phạm liên tục gây nhiều áp lực lên nạn nhân bằng đe dọa, uy hiếp hoặc để nạn nhân tin là việc xảy ra do lỗi của chính nạn nhân. Do đó, các nạn nhân thường không phản kháng, đồng nghĩa là thủ phạm có thể tiếp tục. 

Có sự khác biệt là khi tôi lên tiếng bằng chính câu chuyện cuộc đời mình, phần nào sẽ giúp cho các nạn nhân cảm thấy được chia sẻ. Tôi là một trong số họ và tôi cho họ một tiếng nói mạnh mẽ cũng như cách để thoát khỏi nỗi đau. 

Tôi không khuyên bất cứ ai đi theo con đường giống như tôi, là giữ bí mật những năm tháng bị xâm hại với chính mẹ mình, với lầm tưởng là để không phá hủy hạnh phúc của mẹ.

Không! Các nạn nhân đừng đi theo con đường đó!

Các bạn phải hiểu mình có nhiều quyền lực hơn như vậy. Bạn không có tội, hãy lên tiếng. Việc xảy ra với bạn không phải là sự xấu hổ của bạn mà nỗi xấu hổ và sự yếu đuối phải thuộc về thủ phạm. 

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 6

Quỹ Loan đưa sách đến với học sinh Hà Giang.

Tất nhiên, chúng ta cần có dũng khí để phá vỡ một thứ gì đó có vẻ mạnh mẽ. Nhiều nạn nhân không thể làm điều đó một mình, họ cần cộng đồng, xã hội đứng bên cạnh và thủ phạm phải bị trừng trị. 

Lên tiếng về việc bị chính bố ruột lạm dụng ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bà? 

- Từ câu chuyện của tôi, nhiều tổ chức xã hội đã điều chỉnh các chiến lược của mình để giúp đỡ nạn nhân hiệu quả hơn. Tôi luôn được đối xử với sự tôn trọng và ngưỡng mộ.

Là một người năng động và mạnh mẽ, tôi chưa bao giờ đưa chủ đề lạm dụng tình dục trở thành chủ đề trọng tâm của cuộc đời mình. Tôi có ý thức không trao cho vấn đề lạm dụng tình dục nhiều quyền lực hơn các vấn đề khác.

Phụ nữ Việt đừng hy sinh vì điều xấu xa!

Không cho phép bản thân chìm trong bất hạnh, bà đã vươn lên làm chủ cuộc đời mình, bất chấp ám ảnh về số phận. Sức mạnh đó, như chia sẻ của bà, một phần do dòng máu Việt chảy trong huyết quản. Phẩm chất can trường, hy sinh của phụ nữ Việt phải chăng cũng là chính rào cản với con đường đấu tranh tự bảo vệ của họ?

- Khi bạn đặt câu hỏi, tôi nghĩ ngay đến câu nói: "Một cành tre trước tiên phải uốn cong xuống đất trước khi nó có thể dùng toàn lực đánh trả". 

Sự mạnh mẽ, hy sinh của phụ nữ Việt là phẩm chất không được thấy rõ ở các nền văn hóa khác. Thực sự thì bất cứ người nào khi yêu cũng thường sẵn sàng hy sinh, đặc biệt là phụ nữ, điều này càng nổi bật ở người phụ nữ Việt Nam.

Trải lòng tôi bị bố xâm hại của nữ doanh nhân Đức mang dòng máu Việt - 7

Người phụ nữ mang dòng máu Việt này mong muốn phụ nữ Việt Nam không chấp nhận hy sinh cho điều xấu xa (Ảnh: NVCC).

Điều tôi muốn nói ở đây là không ai nên mạnh mẽ, hy sinh để điều xấu xa có thể tiếp diễn. Quyền của phụ nữ và trẻ em cần được tôn trọng như quyền của nam giới. Các hệ thống gia đình cổ xưa nên ngừng đánh đổi hạnh phúc của con cái và phụ nữ vì lợi ích của đàn ông. Nam và nữ cần bình đẳng, nhất là trong những lời kêu cứu. 

Nếu có thể nói một điều với phụ nữ Việt, thông điệp của bà là...

- Nếu nói gọn trong một câu thì đó là: "Hãy dũng cảm đấu tranh cho danh tính, quyền lợi của bạn và hãy kêu thật lớn về những bất bình đẳng để giải quyết chúng".

Nếu có thể trình bày nhiều hơn thì tôi muốn nói rất nhiều chữ "hãy". Hãy là một hình mẫu. Hãy can đảm để tiếp tục đặt câu hỏi về cuộc sống của bạn. Hãy là người rèn giũa cuộc sống của chính bạn, đừng sống vì người khác. Hãy là chính mình. Hãy sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi khó khăn cho ước mơ của bạn, chỉ những người hạnh phúc mới có thể xây dựng một xã hội hạnh phúc. Hãy giáo dục con cái thật tốt và sống chu đáo hơn. Hãy tạo cho con một cơ sở lành mạnh và vững vàng cùng những giá trị tốt đẹp để chúng tiếp tục hành trình của mình. Hãy cứ yêu nhưng đồng thời, hãy sử dụng lý trí trực giác của bạn.

Bà thành lập quỹ từ thiện Loan hướng đến học sinh miền núi phía Bắc Việt Nam như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn. Điều bà muốn trao đi chắc hẳn không chỉ là cơm ăn, áo mặc?

- Tôi quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới. Có một thực tế là bạo lực thể xác và tâm lý tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có thêm áp lực từ các truyền thống cũ. Những quan niệm truyền thống với hình ảnh phụ nữ lỗi thời và chủ nghĩa lệch lạc giới còn phổ biến. 

Tôi muốn mang đến cho trẻ em dân tộc thiểu số một tương lai tốt đẹp hơn thông qua giáo dục. Giáo dục cảm hóa tâm trí, mở rộng chân trời và có thể giúp các em có sức mạnh bảo vệ mình.  

Tôi cũng muốn nhiều hơn nữa khi tham vọng tất cả chúng ta, tất cả những người liên quan cùng, hiện diện để đưa lý thuyết về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em vào thực tế thông qua các chính sách, các hỗ trợ về mặt luật pháp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoài Nam (thực hiện)