DNews

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Hai nhiệm kỳ giữ cương vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiện diện trên nhiều "mặt trận" quan trọng với nhiều chỉ đạo đột phá, những quyết định quyết liệt mà nhân văn.

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH

Gần 10 năm gắn bó với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tận tâm với công tác chăm lo, bảo vệ cuộc sống, đảm bảo an sinh người dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn tự hào khi được cống hiến cho một ngành có bề dày lịch sử và ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Suốt chặng đường ấy, với tâm huyết, bản lĩnh và tầm nhìn xa, ông đã từng bước thúc đẩy sự phát triển của ngành nói riêng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội của đất nước nói chung.

Dấu ấn người làm công tác xã hội

Giai đoạn 2016-2024 ghi nhiều dấu mốc nổi bật của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Trong khoảng thời gian này, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành khối lượng lớn các văn bản pháp luật quan trọng, đóng góp tích cực vào việc củng cố thể chế. Tiêu biểu là việc trình Quốc hội thông qua các bộ luật quan trọng: Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2024. Luật Việc làm sửa đổi cũng đang trong quá trình "về đích".

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TBXH - 1

Là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Đào Ngọc Dung tự hào về những dấu ấn của ngành trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam 10 năm qua (Ảnh: Tống Giáp).

Đáng chú ý, Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm mới mang tính đột phá, không chỉ giúp hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động mà còn phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ lao động hiện đại. Lần đầu tiên, tuổi nghỉ hưu của người lao động được luật hóa, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, bảo đảm an sinh lâu dài cho lực lượng lao động trong bối cảnh già hóa dân số.

Song song với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật lao động, Bộ LĐ-TB&XH còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong tham mưu, soạn thảo và trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra những mục tiêu cụ thể, như xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu vùng theo tháng và bổ sung mức lương tối thiểu vùng theo giờ, tăng cường độ bao phủ của tiền lương tối thiểu, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu và trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. Đây là lần đầu tiên trong 60 năm qua, Trung ương Đảng ban hành một nghị quyết riêng về lĩnh vực chính sách BHXH.

Nghị quyết một lần nữa khẳng định mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH toàn dân, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TBXH - 2

Dấu ấn nổi bật khác của ngành LĐ-TB&XH là việc phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật BHXH sửa đổi (Ảnh: Phạm Thắng).

"Đến năm 2026, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, và các chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Nếu không có một quyết tâm chính trị, một tầm nhìn xa và hành động mau lẹ chính là chúng ta chuyển gánh nặng này cho thế hệ sau này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Theo Bộ trưởng, việc ban hành Nghị quyết số 28 là bước đánh dấu sự đổi mới không ngừng của những người làm chính sách, một bước đột phá mạnh về tiền lương và cải cách chính sách BHXH, góp phần cải thiện đời sống và an sinh xã hội cho người lao động.

Nhiệm kỳ thứ 2 trên cương vị Bộ trưởng, vị tư lệnh ngành tiếp tục thành công với một dự án luật khó là luật BHXH sửa đổi. Luật được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ tán thành rất cao.

Luật BHXH 2024 gồm 11 chương, 141 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Các giải pháp phát triển đối tượng tham gia được đẩy mạnh thực hiện.

Để hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội nói chung, lãnh đạo ngành đã tham mưu để trình hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đánh giá về nhiệm kỳ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhận định: "Chưa bao giờ chúng ta làm tốt công tác an sinh xã hội như giai đoạn vừa qua. Điển hình, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chỉ trong một thời gian ngắn Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các cơ quan ban hành 4 chính sách lớn, chưa từng có tiền lệ, kịp thời hỗ trợ 68 triệu người dân và 1,4 triệu người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, với số tiền kỷ lục, trên 120.000 tỷ đồng".

Bộ trưởng khẳng định, Nghị quyết 42 đặt nền móng, có tính chất bản lề và rất quan trọng cho việc phát triển chính sách xã hội đến 2045; đặt ra các vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, với tư duy đổi mới, chuyển đổi từ cách tiếp cận chính sách xã hội "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển". 

"Nhà nước sẽ chuyển dần từ việc đảm bảo mức sống tối thiểu với phạm vi hẹp là hỗ trợ đối tượng yếu thế sang tập trung vào vấn đề phúc lợi xã hội, làm sao để mọi người dân đều được thụ hưởng, được tham gia và quá trình phát triển xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng, những kết quả ngành đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng thể chế, đã tạo dấu ấn quan trọng. Các chính sách mà ngành tham mưu không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, vươn mình thành một quốc gia phát triển.

"Như Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội nhận xét mới đây, những văn bản chính sách của ngành mang tính chất lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển chính sách xã hội tại Việt Nam 

Chúng ta có quyền tự hào vì nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", Bộ trưởng chia sẻ.

Dấu ấn khác được tạo ra từ những chính sách xã hội được xây dựng là thành tựu về giảm nghèo. Những thành tựu của Việt Nam được quốc tế đánh giá là "gần như chưa có tiền lệ", được ví như "một cuộc cách mạng", bất chấp những biến cố, khó khăn lớn như đại dịch Covid-19 và sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu. 

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á và là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (MPI). Trong 2 nhiệm kỳ của mình, giảm nghèo cũng là vấn đề được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở nhiều nhất.

Với những nỗ lực đã thực hiện, theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu mới nhất từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 10 năm. 2024, vượt mức giảm 1,1% trung bình nhiều năm, Việt Nam đạt được con số kỷ lục, giảm được 1,65%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khống chế được ở mức thấp 1,93%.  

Cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất được các nước G7 mời trực tiếp báo cáo điển hình về thực hiện chính sách xã hội, phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Và tại hội nghị G20 tại Brazil hồi tháng 12, Việt Nam cũng được mời báo cáo kinh nghiệm giảm nghèo bền vững và tham gia sáng kiến liên minh toàn cầu về chống đói nghèo.

Hai nhiệm kỳ hết lòng vì người có công

Đã gần 80 năm kể từ ngày 27/7/1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lấy ngày này làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng.

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TBXH - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi sức khỏe thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Ảnh: Tống Giáp).

Nhận trọng trách người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn nhấn mạnh, việc thực hiện tốt chính sách đối với người có công là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn hệ thống chính trị, thể hiện quan điểm nhất quán: Đảm bảo người có công và gia đình họ đạt mức sống trung bình khá trở lên trong cộng đồng.

"Nhiều người Việt thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn đang gánh chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Càng đi nhiều, tôi càng thấm thía trách nhiệm của thế hệ sau đối với người có công", Bộ trưởng nói về điều tâm niệm từ nhiệm kỳ đầu tiên giữ cương vị tư lệnh ngành.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và tạo hành lang pháp lý vững chắc trong thực thi chính sách, 10 năm qua, ông cùng Bộ LĐ-TB&XH đã dốc sức tham mưu, xây dựng, ban hành nhiều chính sách quan trọng, tiêu biểu là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Cuối nhiệm kỳ trước, năm 2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đối với người có công, khắc phục những tồn tại trong thực tiễn triển khai tại địa phương. Pháp lệnh mới đã bổ sung các chế độ chính sách mới phù hợp với từng diện đối tượng, trong điều kiện ngân sách nhà nước cho phép, góp phần tiếp tục nâng cao đời sống người có công một cách bền vững và toàn diện.

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TBXH - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tự hào là một phần của Bộ LĐ-TB&XH trong lịch sử 80 năm xây dựng, phát triển ngành (Ảnh: Mạnh Quân).

"Trong hai nhiệm kỳ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, tôi khẳng định chính sách đãi ngộ người có công năm sau luôn đảm bảo tốt và cao hơn năm trước.

Như vừa qua, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2,05 triệu đồng lên mức 2,78 triệu đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh trong 20 năm qua", ông nói.

Một điểm nhấn trong công tác đền ơn đáp nghĩa là việc đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết dứt điểm tình trạng hồ sơ tồn đọng, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không bỏ sót. Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công với cách mạng.

Sau 5 năm triển khai Quyết định 408, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương đã xem xét, giải quyết cơ bản hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, đề nghị xác nhận người có công. Trong số đó, hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã được trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công".

Thành tựu này không chỉ khẳng định nỗ lực to lớn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, góp phần bù đắp những mất mát, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Và trước khi rời ngành, vị tư lệnh 2 nhiệm kỳ còn dốc sức lo một việc căn cơ khác là xây dựng ngân hàng gen liệt sĩ. Đây là một dấu mốc mới trên hành trình "trả lại tên" cho những người đã ngã xuống, mở ra hy vọng giải quyết căn cơ, định danh cho hơn 300.000 ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin, để giúp gần nửa triệu gia đình tìm lại được di thể của người thân đã xa cách nửa thế kỷ.

Thành quả 2 nhiệm kỳ của vị tư lệnh ngành LĐ-TBXH - 5

Chủ tịch nước Lương Cường trao quyết định bổ nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các tân Bộ trưởng chiều 18/2 (Ảnh: VGP).

Nhận quyết định bổ nhiệm làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Dân tộc và Tôn giáo chiều 19/2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung được Chủ tịch nước Lương Cường ghi nhận, đánh giá cao về những đóng góp với ngành LĐ-TB&XH cũng như với đất nước.

Chủ tịch nước khái quát, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung là cán bộ đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau tại địa phương và Trung ương. Ông trưởng thành từ cơ sở, đã có 4 khóa là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương (khóa X, XI, XII, XIII) và 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ, trên cương vị công tác tại ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có nhiều đóng góp to lớn và quan trọng trong sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là lĩnh vực chính sách xã hội và an sinh xã hội.

Chia sẻ trải nghiệm là "tư lệnh" sau cùng của ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng nhấn mạnh, nhìn lại 10 năm qua, chính sách lao động, việc làm đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, đình trệ hay trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhìn lại chặng đường vừa qua, thậm chí có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành LĐ-TB&XH luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Do đó, tất cả các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo...

80 năm là chặng đường rất dài mà dù mang tên gì, ở giai đoạn nào, ngành đều có thể tự hào về những dấu ấn tạo lập được", Bộ trưởng nói.