(Dân trí) - Bà cự nự chuyện thuở yêu nhau chỉ dám nắm tay, ông cười xòa "thằng đế quốc văn minh nhưng nó xâm phạm vùng trời, vùng biển của ta. Tôi với bà quyết không "xâm phạm" nhau khi chưa về một nhà".
94 tuổi đời, cựu chiến binh Vũ Xuân Thanh (trú xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn còn khá minh mẫn. Mấy năm nay, vợ chồng ông về sống với gia đình người con trai út tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh để các con yên tâm.
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt của người lính. Mỗi ngày, ông đi bộ từ tầng 3 xuống tập thể dục ở công viên nhỏ gần nhà, mua đồ ăn sáng cho vợ hay sang trường mầm non đón cháu hộ vợ chồng người con trai.
"Chúng nó buôn bán, chạy cả ngày, đêm thức đến khuya để dọn hàng quán, vợ chồng tôi còn khỏe, tự phục vụ, với lại giúp được gì các con thì giúp thôi", ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh quê ở xã Hưng Xá (nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, ông tham gia cách mạng từ sớm. "Tôi họ Võ, nhưng đi theo cách mạng ghi là họ Vũ. Hồi ấy ra đi chỉ nghĩ, nếu có hi sinh, bố mẹ cũng không biết thì đỡ đau lòng", ông kể.
Năm 1953, chiến cuộc Đông Xuân bước vào giai đoạn ác liệt, người thanh niên Vũ Xuân Thanh có mặt trong đội ngũ quân chủ lực, tiến lên Tây Bắc. Đoàn quân hành quân một mạch từ Nghệ An ra Hòa Bình, Sơn La, vừa đi, vừa mở đường, dựng kho chứa vũ khí, đạn dược và lương thực.
Để phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, cùng với bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã thiết lập một hệ thống kho từ Thanh Hóa đến Điện Biên, cách đường lớn khoảng 1-2km. Ngày tránh bom thù, đêm bộ đội hành quân lên trận địa, dân công, thanh niên xung phong túa ra san đất, mở đường, tải lương, vui như mở hội.
"Hồi ấy thiếu thốn đủ thứ nhưng vui lắm. Ai cũng trong tâm thế sẵn sàng hi sinh nên xem nhẹ mọi thứ. Bộ đôi ta tếu táo, cứ gặp các đội thanh niên xung phong nữ thì trêu. Các o (cô) cũng đáo để lắm, trêu lại. Cứ nghe tiếng nằng nặng quê mình là nhận đồng hương thôi", ông Thanh kể.
Ông cũng không thể ngờ rằng, người con gái có khuôn mặt măng tơ, bầu bĩnh, đôi mắt to và rất sáng, thoáng gặp trên đường hành quân đêm ấy lại chính là người đi cùng mình suốt cả cuộc đời.
"Khi đó tôi mới 17 tuổi", ngồi bên cạnh, bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi), vợ ông Thanh tiếp lời. Bà Lan cùng quê, ít hơn ông Thanh 7 tuổi. Khi bà lớn lên thì ông đã thoát li nên tiếng là cùng quê nhưng chẳng biết nhau. 17 tuổi, bà Lan là vệ sinh viên của xã, thấy chị em trong xã xung phong vào đội dân công hỏa tuyến đánh đuổi giặc Pháp, vui quá nên năn nỉ xin đi theo. "Cứ đi vậy thôi, chẳng nghĩ đến còn có ngày về, vì lúc đó, cả làng, cả xã như thế", bà nhớ lại.
Cuộc gặp mà như không gặp ấy qua đi, mỗi người lại lao vào nhiệm vụ riêng của mình. Bà Lan là vệ sinh viên, có một chút ít kiến thức về y học, được đào tạo cấp tốc làm y tá phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Thanh được chuyển về trung đoàn huấn luyện trợ chiến, học cách sử dụng đại liên 3 chân rồi vòng lên biên giới cùng đơn vị chặn đường tiếp viện của Pháp từ Lào sang Điện Biên Phủ, góp phần cùng toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
"Chiến dịch Điện Biên phủ toàn thắng, trung đoàn 414, Sư đoàn 312 của tôi được lệnh về xây dựng nhà 8 mái để chuẩn bị cho lễ mừng công, sau đó rút về Vĩnh Phúc tổ chức các trận đánh để buộc Pháp phải rút hết quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Geneve", ông Thanh kể.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bà Lan trở về quê, tiếp tục theo học ngành y, công tác tại quê nhà. Sau Hiệp định Geneve, ông Thanh vẫn mải miết với những trận đánh Mỹ, khi ở Lào, khi ở các tỉnh nam khu 4 với vai trò là kỹ thuật xe máy.
Năm 1963, ông từ Lào trở về, biên chế vào đơn vị Công binh Sư đoàn 320, tham gia bắc cầu phao ở Phủ Lý (Hà Nam). Hoàn thành nhiệm vụ, ông được nghỉ phép về thăm nhà. Lúc này, nhà bà Lan cũng đã chuyển đến cùng xóm với gia đình ông Thanh, nhà cách nhau mấy thửa ruộng .
"Tôi là bộ đội về phép, cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, giúp bố mẹ việc này việc nọ. Hôm ấy đang nằm trong nhà, nghe tiếng xao xao ngoài vườn nên đi ra xem, thấy một nhóm con gái, trong đó có một cô trông quen quen, không nhớ đã gặp ở đâu. Thì ra là chi đoàn thanh niên xóm đến nhà tôi xin tre. Cái cô nhìn quen quen cũng bạo lắm, nói to "anh bộ đội ơi, kéo giúp em cây tre với". Lính chiến, đi đánh Pháp, rồi đánh Mỹ nhưng đứng trước các cô, tôi cũng ngại nhưng không hiểu sao răm rắp làm theo", ông Thanh nhớ lại.
Ông Thanh hỏi mới biết, cô gái ông thấy quen quen là cô Lan, y tá kiêm bí thư chi đoàn thanh niên xóm, từng đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông tự nhủ, thấy quen bởi có khi đã gặp nhau trên đường lên Điện Biên rồi. Cuộc gặp gỡ chính thức ấy khiến anh lính cảm mến cô hàng xóm nhưng nhiệm vụ cứ cuốn ông đi.
Năm 1967, đơn vị ông được lệnh vào Quảng Trị "ăn cơm bờ bắc, đánh giặc bờ nam". Trong năm đó, ông được về phép lần hai, vô tình gặp cô Lan, lúc này đã là trạm trưởng trạm y tế xã đi gánh nước và bị sự đáo để của cô "đánh gục".
Ấy là ông thương thầm, cảm mến người ta thế thôi, chứ cũng chưa biết người ta với mình thế nào. Hôm gần đến ngày trả phép, anh lính gặp em gái của bà Lan, đánh bạo "ướm thử", bảo em về nói bố mẹ nấu cho anh bữa cơm.
"Thực ra là tôi đánh bạo "dò" xem ý người ta và các cụ thế nào thôi. Ông cụ bảo, tôi với anh có quan hệ gì mà anh đòi ăn cơm. À, thì ra là ông cụ đã để ý đến mình, chả trách 7-8 đám đến nhà dạm hỏi Lan, ông đều từ chối, bảo đã có nơi có chốn rồi. Biết ý ông, tôi về bàn với bố mẹ sang thưa chuyện để hai đứa danh chính, ngôn thuận đi lại tìm hiểu", ông kể.
Anh lính gần 40 tuổi đầu, nghiêm khắc và cứng nhắc, nhưng đứng đắn và chỉn chu. Đó cũng chính là điểm "thu phục" bà Lan giữa bao nhiêu chàng trai trẻ trung hơn đang để ý. Trong khi đó, ông cũng có ấn tượng tốt đẹp về cô gái thua mình 7 tuổi, hiền lành nhưng có phần nhanh nhảu, đáo để.
Từ khi được bố mẹ 2 bên nhất trí, ông mạnh dạn hơn trong bày tỏ tình cảm. Những lần hẹn hò bên giếng nước đầu làng, ông chỉ cầm tay bà, siết chặt. Dường như, cũng chẳng cần phải nói với nhau điều gì nữa...
"Hồi ấy yêu nhau trong sáng lắm. Ông ấy chỉ cầm tay thôi, đến hôn cũng chẳng dám", bà cự nự. Ông cười xòa: "Thằng Mỹ văn minh mà nó xâm chiếm vùng trời, vùng biển của ta. Còn tôi với bà, quyết không "xâm phạm" nhau khi chưa về một nhà. Với lại, ngày ấy đã xác định là thủy chung chờ đợi, có cần phải hứa hẹn gì đâu".
Năm 1968, ở cái tuổi 38, ông từ chiến trường Quảng Trị ác liệt, cắt phép về cưới vợ. Đơn vị cử cả cán bộ ra để cùng gia đình tổ chức đám cưới cho vợ chồng ông. Đám cưới xong, ông vào chiến trường, lúc này, bà Lan đang mang thai con trai đầu. Năm 1974, ông về phép, gia đình đón người con trai thứ 2.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, người lính đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ. Ông đi biền biệt khắp chiến trường, bà Lan ở nhà vừa nuôi dạy 2 người con trai, vừa phấn đấu trong chuyên môn và được chuyển xuống bệnh viện tỉnh công tác.
Năm 1979, bà sinh người con thứ 3. Lúc này, đơn vị ông đang tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông quyết định xin nghỉ hưu sớm để về quê làm hậu phương cho vợ, bởi sợ bà không trụ vững khi vừa công tác, vừa một mình chăm sóc 3 người con trai.
Ông tự nhận mình là người nghiêm khắc trong nuôi dạy con cái. Điều đó có lẽ bị ảnh hưởng bởi thời gian dài ông sống ở môi trường quân ngũ. Ông dạy con cách sống để không phải hổ thẹn với bản thân, khuyến khích con làm giàu một cách chính đáng để lo cho gia đình và đóng góp cho xã hội.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, niềm hạnh phúc của ông là chứng kiến từng bước trưởng thành của các con và nắm tay người bạn đời đi qua năm tháng tuổi già. Kể chuyện tình yêu, ông vẫn cười sảng khoái trước sự e thẹn, ngượng ngùng của vợ nhưng hơn hết, ông luôn cảm ơn bà đã luôn thủy chung, đợi chờ và sống trọn vẹn với mối tình ươm mầm, thử thách và vững vàng đi qua chiến tranh...
Ảnh: Hoàng Lam - Tư liệu