Nữ Anh hùng Lao động với câu nói được Bác Hồ khen "thông minh và đanh thép"
(Dân trí) - Ký ức về những lần được gặp Bác Hồ mãi nguyên vẹn trong tâm trí hai nữ anh hùng Trương Thị Diên và Nguyễn Thị Kim Huế. Với họ, được gặp Bác là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời.

Lời dạy của Bác là kim chỉ nam quý giá
Bà Trương Thị Diên năm nay đã bước sang tuổi 87, tóc bạc trắng, nhưng khi nhắc đến Bác Hồ, ánh mắt bà lại sáng lên, giọng trầm xuống, chậm rãi và xúc động. Với bà Diên, hai lần vinh dự được gặp Bác mãi là ký ức thiêng liêng, niềm vinh dự lớn lao trong cuộc đời.
Bà Diên sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 19 tuổi, bà được chọn đi học lớp dạy vỡ lòng rồi trở về giảng dạy tại hai điểm trường trên địa bàn xã Thanh Trạch.

Bác Hồ trò chuyện với các đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Ảnh: tư liệu).
Năm 1965, trong một trận bom, bà Diên còn dùng thân mình che chắn cho 25 học trò khi căn hầm bị rung chuyển dữ dội. Bị thương nhưng cô giáo trẻ Trương Thị Diên lúc ấy nhất quyết không rời hầm cho đến khi chắc chắn học sinh đã an toàn.
Không chỉ làm giáo viên, bà Diên còn là y tá dân quân, luôn mang theo túi thuốc bên người, sẵn sàng cứu chữa cho dân làng mỗi khi bom đạn trút xuống. Chính sự tận tụy ấy đã giúp bà Diên vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ; được chọn dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước cuối năm 1966.
"Sáng 30/12/1966, tại lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, tôi lần đầu tiên được tận mắt thấy Bác Hồ. Tôi vẫn nhớ như in lời dạy của Bác: "Được phong anh hùng đã khó, giữ được anh hùng còn khó hơn". Câu nói ấy như kim chỉ nam cho tôi đến tận bây giờ", bà Diên xúc động kể.
Theo bà Diên, sau bài phát biểu đại hội, Bác Hồ trực tiếp xuống hội trường thăm hỏi các đại biểu. Khi đến khu vực của đoàn Quảng Bình, Bác đưa ánh mắt hiền từ nhìn bà Diên và hỏi: "Cô này làm chi?".
Quá xúc động lại run vì lần đầu được gặp Bác, bà Diên lúng túng, không thốt nên lời. Thấy vậy, ông Đặng Gia Tất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khi ấy, vội đáp: "Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ!".

Nữ anh hùng Trương Thị Diên (Ảnh: Tiến Thành).
"Bác Hồ cười hiền lắm, lúc đó tôi không nghĩ mình được Bác hỏi chuyện nên run quá, không nói được lời nào. Đó là kỷ niệm đáng nhớ, vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Khoảnh khắc đó còn được một phóng viên chụp lại, giúp tôi có được bức ảnh quý giá", bà Diên tâm sự.
Sau đại hội, bà Diên cùng đoàn đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình tiếp tục được gặp Bác Hồ lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác ân cần dặn dò đại biểu phụ nữ y tế Quảng Bình phải cố gắng phục vụ nhân dân, phục vụ người bệnh tốt hơn nữa, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước khi ra về, bà Diên và chị em trong đoàn còn được Bác tặng huy hiệu.
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chống Mỹ cứu nước, ngày 1/1/1967, bà Trương Thị Diên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Ký ức thiêng liêng của nữ thanh niên xung phong với Bác Hồ
Với bà Nguyễn Thị Kim Huế (86 tuổi, trú tại xã Phù Cảnh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), 5 lần được gặp Bác Hồ là những dấu mốc thiêng liêng mà bà luôn xem là tài sản quý giá nhất cuộc đời. Dù đã gần 60 năm trôi qua, nhưng ánh mắt, lời nói, nụ cười và dặn dò của Bác vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm nào.

Bà Huế bên bức ảnh chụp cùng Bác Hồ (Ảnh: Tiến Thành).
Lần đầu tiên bà Huế được gặp Bác là vào tháng 11/1966, khi đang theo học tại Trường Chính trị nghiệp vụ TNXP ở Hưng Yên. Trong một đợt kiểm tra bắn súng, 3 phát súng của bà Huế đều đạt điểm xuất sắc và vinh dự được Bác Hồ trực tiếp đến động viên, khen ngợi.
"Bác bảo con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi. Tôi nghe mà tự hào rưng rưng. Lời khen ngợi ấy là động lực, nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để chúng tôi tiếp tục chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước", bà Huế chia sẻ.
Cũng trong năm 1966, bà Huế tiếp tục có vinh dự được ra Hà Nội, tham gia đoàn đại biểu ngành Giao thông vận tải báo cáo thành tích với Bác.
Thấy bà Huế là người phụ nữ trẻ nhất trong đoàn, Bác Hồ ân cần hỏi thăm về đơn vị, công việc, cuộc sống và chuyện chồng con. Khi bà Huế trả lời: "Lúc nào hết giặc Mỹ, cháu mới sinh con", Bác đã ân cần nhắc nhở: "Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình, phải sinh con vì sự nghiệp đánh giặc Mỹ còn dài".

Bà Huế kể chuyện về Bác Hồ cho thế hệ trẻ (Ảnh: Tiến Thành).
Ngày 1/2/1967, tại Đại hội Anh hùng toàn quốc, bà Huế vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, được Bác trao huy hiệu. Đến tháng 7/1967, bà Huế tiếp tục được gặp Bác lần thứ 4 trong dịp Đại hội TNXP toàn quốc.
"Đây là cuộc gặp xúc động và đặc biệt nhất đối với tôi khi vinh dự được tặng hoa cho Bác. Tôi bước lên, tay run run cầm bó hoa, Bác cười hiền, nhìn tôi ân cần. Đó mãi là ký ức đẹp mà tôi không bao giờ quên", bà Huế chia sẻ.
Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác là trong dịp Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước khi sang thăm Liên Xô, bà Huế và các đại biểu đã được gặp và nghe Bác dặn dò. Bác nói: "Khi ra nước ngoài phải thể hiện khí phách hiên ngang, không sợ sệt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Bác Hồ trong lần về thăm Quảng Bình vào năm 1957 (Ảnh: Tư liệu).
Nhớ lời Bác dặn, khi một nhà báo quốc tế hỏi: "Dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế? Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn sao thắng được Mỹ?", bà Huế đã tự tin trả lời: "Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ, chúng tôi không sợ Mỹ, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay". Câu trả lời của bà Huế sau đó đã được Bác khen là rất thông minh và đanh thép.
Ngày 19/5 này, tròn 135 năm ngày sinh của Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, người đã dành trọn cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Dẫu Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh, lời dạy và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người vẫn luôn sống mãi trong trái tim triệu người Việt Nam.
Với hai nữ anh hùng từ mảnh đất tuyến lửa Quảng Bình Trương Thị Diên và Nguyễn Thị Kim Huế, được gặp Bác không chỉ là niềm vinh dự lớn, mà còn là nguồn động lực tinh thần để họ nỗ lực cống hiến và giữ vững phẩm chất Anh hùng Lao động suốt cuộc đời mình.