DMagazine

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390

(Dân trí) - Việc xe tăng T59 số hiệu 390 thuộc Lữ đoàn 203, húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, sáng 30/4/1975, được công nhận là Bảo vật quốc gia là niềm vinh dự và tự hào của cựu pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 1

Sáng 30/4/1975, xe tăng T59 số hiệu 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 đã húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Với pháo thủ số 1 xe tăng T59, số hiệu 390 Ngô Sỹ Nguyên được cùng những đồng đội trên xe húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay và nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30/4/1975 là niềm vinh dự, tự hào vô cùng lớn lao.

Đây là thời khắc đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thắng lợi, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 3

Nhập ngũ tháng 8/1971, khi vừa bước sang tuổi 18, sau thời gian huấn luyện bộ binh khoảng 2 tháng, có biệt tài bắn súng nên chàng trai trẻ Ngô Sỹ Nguyên (quê Nghệ An) được nhận về đơn vị Tăng thiết giáp và đảm nhiệm vị trí pháo thủ xe tăng T59, số hiệu 390 (thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2).

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 5

Nhắc lại quãng thời gian chiến đấu tiến về giải phóng Sài Gòn mắt ông Nguyên bừng sáng. Gần 50 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của cựu pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên.

Vừa pha trà mời khách, vị pháo thủ năm nào vội mở tủ lấy ra tập tư liệu, hình ảnh đưa cho phóng viên.

Ông nói rằng đó là những báu vật quý giá nhất của mình về đời binh nghiệp. Nhấp ngụm trà đặc, ông chậm rãi kể tường tận từng sự kiện, trận chiến anh dũng cùng đồng đội vào sinh, ra tử trên chiếc xe tăng T59, số hiệu 390 năm nào.

Sau khi huấn luyện tân binh vào cuối năm 1971, ông Nguyên nhận nhiệm vụ vào Nam chiến đấu. Những ngày đầu, đơn vị chủ yếu đóng quân, tham gia chiến đấu tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào.

Đến mùa Xuân năm 1975 đơn vị của ông tham gia vào các trận đánh lớn, giải phóng nhiều địa phương rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Trên chiếc xe tăng 390 khi đó có Trung úy Vũ Đăng Toàn là chính trị viên Đại đội; lái xe là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập; pháo thủ số 1 là Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 là Thiếu úy Lê Văn Phượng (lên thay pháo thủ số 2 bị thương).

Ngày 15/3/1975, Lữ đoàn Xe tăng 203 xuất phát từ A Lưới (Huế) đi theo quốc lộ 14B, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế xuống đánh trận Núi Bông, Núi Nghệ và Mỏ Tàu.

"Ngày 25/3/1975, chúng tôi đã tiến vào giải phóng Huế, sau đó được lệnh ra cửa Thuận An để chặn đường rút chạy của quân ngụy. Sau đó, chúng tôi tiến vào giải phóng Đà Nẵng, tiếp tục củng cố đội hình hành quân theo miền duyên hải, vừa hành quân thần tốc, vừa đánh địch", ông Nguyên kể.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 8

Ông đánh giá, trên đường vào Sài Gòn, trận chiến ác liệt nhất là trận giải phóng Nước Trong. Trước ngày giải phóng, đây là cụm căn cứ quân sự quan trọng của địch, gồm: Trường thiết giáp, trường bộ binh và trung tâm huấn luyện biệt kích với lực lượng khoảng gần 4.000 tên, có khoảng 40 xe tăng, thiết giáp có thể chi viện cho nhau.

Ông kể, địch bố trí, xây dựng công sự liên hoàn, nhiều lớp, nhiều tầng, xung quanh được bao bọc bởi hào sâu, hàng rào dây thép gai, bãi mìn. Ngoài ra, căn cứ này còn được sự chi viện hỏa lực của Chi khu quân sự Long Thành và trận địa pháo phía Bắc sông Buông, pháo từ tàu chiến bắn lên,... nên trận đánh Nước Trong rất căng thẳng, ác liệt.

Sáng sớm 28/4/1975, xe tăng 390 vừa hành quân đến trận địa thì được lệnh lập tức tham gia chiến đấu. Lạ địa hình, ông Nguyên và đồng đội chỉ kịp hỏi những chiến sĩ đã vào trận địa trước mấy câu như: "Địch có đông không? Chúng có xe tăng không? Chúng tập trung hỏa lực ở khu vực nào?" rồi tham chiến ngay.

Thấy xe tăng của ta xuất hiện, địch bắn trả rất ác liệt, nhiều xe trúng đạn. Trong trận chiến ác liệt này, xe tăng 390 dính nhiều "vết thương" nhưng may mắn mọi người đều an toàn.

"Trong trận chiến này, đạn từ xe tăng địch xé toạc không khí, sáng rực bầu trời, lao thẳng về phía xe 390 và các xe tăng khác. May mắn, đạn từ xe tăng địch găm thẳng xuống đất, trước mũi xe, cách xe chỉ vài mét. Để chặn họng súng của địch, dọn đường cho bộ binh ta, trưởng xe Vũ Đăng Toàn hô lớn "xông lên, lao thẳng phía địch mà bắn". Câu nói dứt khoát, dõng dạc của trưởng xe Vũ Đăng Toàn đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi và các đồng đội", ông Nguyên nhớ lại.

Do trận chiến diễn ra lúc sáng sớm, xe tăng của địch lấp sau tán lá rừng nên rất khó phát hiện. Khi đó, ông Nguyên chợt nảy ra ý tưởng "vạch lá tìm sâu", yêu cầu pháo thủ số hai là Thiếu úy Lê Văn Phượng lắp đạn nổ, ngắm thẳng về phía ngọn cây rồi khai hỏa.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 10

Khi đạn vừa chạm vào lá cây đã phát nổ, phá nát tán cây để lộ ra đội hình xe tăng địch. Ngay lập tức, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên ra hiệu cho pháo thủ số 2 thay đạn nổ bằng đạn xuyên giáp, hướng thẳng xe tăng địch mà bắn.

Sau đó, xe tăng 390 cùng nhiều xe tăng khác liên tục khai hỏa tiêu diệt, áp chế hỏa lực của địch, yểm trợ cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Đến 13h, địch ngớt dần tiếng súng, Nước Trong được giải phóng đã tạo điều kiện cho quân đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

"Trận này bộ đội ta thương vong nhiều, tổn thất nặng song dũng khí người lính không ngừng dâng cao, nhất là tinh thần của anh em bộ binh, người này ngã xuống, người khác lại tiến lên vô cùng dũng cảm", ông Nguyên nói.

Giọng ông trầm khi nhắc đến đồng đội đã hy sinh, ông Nguyên nhớ lại: Lúc đó, tôi rất khâm phục các chiến sĩ bộ binh. Bản thân tôi được ngồi trong xe tăng, mặc dù là mục tiêu bị hỏa lực địch tấn công nhưng còn có lớp thép dày bảo vệ, còn những đồng đội bộ binh không có gì bảo vệ.

Sau trận Nước Trong, đến sáng 30/4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 12

Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại cầu Sài Gòn địch chống trả rất quyết liệt.

Tại đây, chúng sử dụng thùng phuy, bao cát xếp thành các vật chướng ngại hình dích dắc để chặn bước tiến xe cơ giới của ta. Phía sau các vật chướng ngại chúng bố trí các xe tăng M-48 và các loại hỏa khí khác.

Trong khi đó, đội hình tiến công của ta buộc phải triển khai thành hàng dọc, phơi mình trên xa lộ, không hề có vật che đỡ cũng như vật che chắn nên rơi vào thế bất lợi. Bởi vậy, ngay sau loạt chạm súng đầu tiên đã có 2 xe tăng T54 bị bắn cháy.

Các loạt đạn từ xe tăng địch bắn ra liên hồi, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng. Quân ta bị tổn thất nặng, Đại đội 2 và 3 suy giảm sức chiến đấu bởi Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã hy sinh ngay trên tháp pháo khi chỉ huy chiến đấu.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 14

Trước tình hình đó, chỉ huy các đơn vị lệnh cho các xe chiếm địa hình có lợi tập trung hỏa lực tiêu diệt xe tăng địch sau vật chướng ngại và trên vòm cầu Sài Gòn, một số xe quay pháo xuống sông bắn tàu chiến, các xe thiết giáp dùng súng 12,7mm bắn máy bay,...

Sau khi bắn cháy 2 chiếc M-48, lệnh "xung phong vượt cầu" từ chỉ huy Lữ đoàn được gửi tới tất cả các đơn vị. Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội XT3 Lê Tiến Hùng chỉ huy xe tăng số 866 quyết định sẽ xung phong vượt cầu.

Song xe tăng 866 vừa qua cầu Sài Gòn bị trúng đạn. Xe tăng 390 đi ngay sau vẫn tiếp tục tiến lên khống chế sự phản kích của địch, vừa đi vừa phối hợp với các xe tăng khác hợp đồng tác chiến, tiêu diệt các điểm hỏa lực của địch.

Vượt qua cầu Sài Gòn, xe tăng 390 tiến thẳng đến ngã Tư Hàng Xanh. Tại đây, ông Nguyên và đồng đội phát hiện 2 xe thiết giáp M-113 chặn bước tiến quân ta.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 15

"Lúc đó, anh Vũ Đăng Toàn hô lớn "Nguyên, Nguyên,... mục tiêu!". Qua kính ngắm tôi thấy từng phần xe địch lộ ra nên nhanh chóng ngắm, khai hỏa. Sau tiếng nổ, viên đạn pháo lao thẳng về phía chiếc xe M-113 chọc thủng một lỗ lớn, lửa bốc lên ngùn ngụt.

Sau phát bắn đầu tiên, tháp pháo ngay lập tức hướng vào chiếc M-113 thứ hai rồi khai hỏa chính xác. Khi đó, nếu chỉ chậm một nhịp chắc chắn tăng 390 là miếng mồi của địch", ông Nguyên nhớ lại.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 18

Vượt qua Hàng Xanh, xe tăng 390 tiếp tục rẽ trái, đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tên gọi ngày nay) thì Dinh Độc Lập dần hiện ra, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên hướng nòng pháo, quan sát kỹ từng mục tiêu, đề phòng địch chống trả. Lúc này, xe tăng 390 gặp xe tăng 843 do Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 kiêm trưởng xe rẽ vào trước, lao vào cổng phụ Dinh Độc Lập.

Ngay lập tức, xe tăng 390 nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập và tiếp tục tiến thẳng vào sân.

"Chúng tôi vào trong sân, một đội hình xe tăng bọc thép của địch còn nguyên. Ngoảnh lại phía sau, tôi thấy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chạy lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Sau đó xe tăng 390 chạy chậm lại để yểm trợ, anh Toàn cũng cầm theo khẩu AK nhảy xuống xe chạy theo", ông Nguyên kể.

Vào đến Dinh Độc Lập, Trung úy Vũ Đăng Toàn cùng các đồng đội đưa tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 19

Lúc này, Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên cũng lên tới nơi và đứng gác ở cửa phòng. Lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng, Thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc Dinh để yểm trợ cho Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm cờ.

"Khi chỉ huy bên mình bước vào, Tổng thống Dương Văn Minh đứng dậy nói: "Chúng tôi đang chờ các ông vào để bàn giao". Ngay lập tức, vị chỉ huy bên mình đáp lại dứt khoát: "Các ông còn gì để mà bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện". Sau đó, Dương Văn Minh được áp giải đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng", pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên nhớ lại.

Mặc dù đã gần 50 năm trôi qua, nhưng ông Nguyên vẫn nhớ như in những lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh trên đài phát thanh: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 22

Sau thời khắc lịch sử khoảng 1 tiếng, Đại đội 4 của ông Nguyên nhận lệnh ra cảng Bạch Đằng để bảo vệ cảng, kho hàng, đề phòng địch phản kích. Ở đây khoảng 4 đến 5 ngày, Đại đội rút về tổng kho Long Bình, xây dựng đơn vị, sửa chữa xe, bổ sung đạn dược,... sẵn sàng chiến đấu.

"Trên đường tiến vào Sài Gòn, cả thành phố vắng tanh, chỉ còn lại những ổ kháng cự của địch, mặc nhiên không có lấy một người dân. Ấy vậy mà chỉ sau khoảng 30 phút đường phố đã khá đông người. Từ các em nhỏ, đến các bạn sinh viên, thanh niên, các cụ già,… xếp hàng dọc hai bên đường hoan hô "Anh giải phóng quân"", ông Nguyên bồi hồi nhớ lại.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 24

Trong ký ức của người cựu pháo thủ, hình ảnh đường phố rực rỡ cờ hoa, những đoàn người hò reo chào mừng bộ đội không thể nào quên.

Sau đó là những đoàn diễu hành, ủng hộ của phụ nữ, thanh niên, sinh viên và nhân dân với những dòng khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm",... khiến không khí của Sài Gòn hôm đó trở thành ngày hội, ngày hội giải phóng, ngày hội thống nhất hai miền đất nước.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 26

Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên tâm sự, trong những năm tháng chiến tranh, bản thân ông chịu tang bố, mẹ ở hai đầu đất nước.

Năm 1974, khi cuộc chiến diễn ra ác liệt ông hay tin bố mất, vì nhiệm vụ, vì khoảng cách địa lý ông không thể về chịu tang. Sau ngày giải phóng, ông Nguyên ra Bắc nhận nhiệm vụ bảo vệ biên giới nhận được tin mẹ qua đời.

Một lần nữa ông không thể trở về chịu tang mẹ, chỉ biết dặn lòng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bố, mẹ được yên nghỉ nơi chín suối.

Trải qua thời kỳ chống Mỹ, xe tăng 390 tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia. Khi cuộc chiến bảo vệ biên giới nổ ra, chiếc xe lại lên tàu thủy ngược ra Bắc bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1980, tăng 390 cùng đơn vị về đóng quân trên địa bàn Lạng Giang (Bắc Giang) và được sử dụng làm xe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Khi Binh chủng Tăng thiết giáp khánh thành bảo tàng năm 1999, xe tăng 390 được đưa về trưng bày, trở thành nhân chứng lịch sử, giáo dục truyền thống kháng chiến chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.

Niềm vinh dự, tự hào của cựu pháo thủ xe tăng 390 - 27

Với xe tăng số hiệu 843, sau ngày giải phóng, xe được đưa ra Hà Nội dự triển lãm mừng ngày thống nhất. Kết thúc triển lãm, xe tăng 843 trở về làm nhiệm vụ huấn luyện tại Lữ đoàn 203, đến năm 1979 thì được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ngày 1/10/2012, cả hai chiếc xe tăng 843 và 390 được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Nhận tin xe tăng 390 được công nhận là Bảo vật quốc gia, ông Nguyên và các đồng đội vô cùng vui mừng, xúc động. Bởi chiếc xe đã cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu ở những chiến trường ác liệt nhất, giành được nhiều thắng lợi quan trọng. 

"Xe tăng 390 không chỉ là vũ khí chiến đấu mà còn là người bạn thân thiết của tôi và các đồng đội. 390 đã nhiều lần che chở chúng tôi khỏi bom đạn kẻ thù. Khi 390 và 843 được công nhận là Bảo vật quốc gia tôi và các đồng đội vô cùng vui mừng, tự hào", ông Nguyên xúc động nói.

Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên mong muốn, xe tăng T59 số hiệu 390 trở thành Bảo vật quốc gia sẽ trường tồn với thời gian. Bởi đây là một trong những hiện vật minh chứng cho lịch sử, cho chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ xâm lược.

"843 hay 390 là xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập không quan trọng, đều là xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tất cả chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính, đó là chiến thắng chung của Nhân dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam và chiến thắng đó đã đổi bằng bao xương máu, công lao của toàn quân, toàn dân Việt Nam", cựu pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Nội dung: Nguyễn Hải, Trần Văn

Thiết kế: Patrick Nguyễn