Người đàn ông chăn trâu bò giữa lòng TPHCM
(Dân trí) - Gần 30 năm, ông Văn Đức Tởi (55 tuổi, quê Nghệ An) vào TPHCM lập nghiệp. Ban đầu ông làm bốc xếp, rồi được người bạn mách nước, ông bắt đầu chuyển sang nghề vỗ béo trâu bò kiếm lời.
Nghề nuôi trâu bò ở vùng nông nghiệp khác hẳn với nuôi trâu ở thành phố. Từ việc len trâu đến giữ trâu cũng khó khăn bội phần, nhất là vào những đêm mưa. Nhưng nhờ len trâu ở phố, cuộc sống của ông Văn Đức Tởi cũng đỡ bấp bênh (Ảnh: Eason Chang).
Khi mới vào TPHCM, ông Tởi làm công nhân bốc xếp. Sau đó, ông được một người bạn hướng dẫn, ở Bình Thuận có nhiều trâu bò gầy. Bỏ chút vốn, nuôi trâu bò mập lên, vài tháng sau bán đi kiếm lời. Từ đó, ông bỏ nghề bốc xếp, hùn vốn với bạn đi mua trâu bò rồi tìm nơi chăn thả (Ảnh: Eason Chang).
Ông Tởi đốt lửa sưởi ấm và đuổi muỗi cho đàn trâu bò sau cơn mưa lớn kéo dài. "Hồi đó, tôi thả trâu bò khắp các cánh đồng, bãi đất trống nhiều cỏ dại ở khu vực ngoại thành. Chỉ vài tháng, trâu bò từ gầy "trơ xương" đã béo ú lên", ông Tởi nhớ lại (Ảnh: Eason Chang).
Thấy nghề vỗ béo trâu bò có lời, ông Tởi dồn toàn bộ số tiền mình có lúc ấy để mua thêm trâu bò. Cứ từ bãi đất này, qua bãi đất kia được vài năm thì vùng ngoại ô TPHCM hiếm cỏ. Ông thấy các dự án giải tỏa là mảnh đất tiềm năng để nuôi trâu. Đàn trâu của ông Tởi đang đi tìm thức ăn xung quanh các bãi đất trống tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Hiện tại, ông Tởi nuôi tổng cộng 14 con trâu và 13 con bò. Theo ông, mỗi con có giá trung bình từ 30-50 triệu đồng.
"Những công trình bị giải tỏa thường nằm trong thành phố. Ở đây, việc nuôi trâu bò khó hơn vì phải bỏ nhiều công nên ít người làm. Ít người làm nên cỏ tốt và đồ ăn cho trâu bò cũng vì thế mà dồi dào hơn", ông Tởi nói (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
"Từ lúc thả trâu ở đây, đàn trâu bò của tôi bị trộm 2 lần, mất 6 con trâu. Hôm đó mưa, trời chập tối, trâu ăn cạnh bờ sông, tôi thấy một chiếc xe tải đi vào nhưng lại chủ quan nghĩ là xe chở ống nước, ống điện nên thôi. Đi tìm đến tận 12h đêm mà không thấy trâu đâu...", ông Tởi nhớ lại (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ngoài việc chăn trâu bò, ông Tởi tranh thủ ra các vũng nước trũng, hố công trình giăng lưới bắt cá để ăn qua ngày (Ảnh: Eason Chang).
''Ở đâu tôi cũng coi là nhà, nhưng nước sạch thì khó kiếm lắm, thỉnh thoảng hứng nước mưa để tắm, thiếu nước thì đi xin, gần đây chuyển về căn chòi của người quen ở tạm nên cũng đỡ một phần", ông Tởi nói (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Những năm qua, bữa ăn của ông Tởi thường qua loa với hộp cơm bụi bình dân. Lúc nào cũng thấy ông tay xách nách mang bắp cải hư, trái cây hết đát theo chân phục vụ cho trâu bò. (Ảnh: Eason Chang).
Ngoài công việc chăn trâu mỗi ngày, ông Tởi còn giúp đỡ những người xung quanh. Cùng hoàn cảnh, chú Năm (nhặt ve chai) được coi như một trong những người thân trong gia đình của ông Tởi (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Căn chòi của bà Tám, hiện là nơi mà ông Tởi nghỉ ngơi, sinh hoạt hàng ngày. Bà Tám cho biết: ''Trước đây, ông Tởi cũng có một cái chòi nhưng ở một mình thấy cũng tội, giờ về đây, vừa có chỗ ở, vừa phụ giúp công việc cho tôi, chòi toàn phụ nữ, giờ có đàn ông cũng an tâm'' (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Hàng ngày ông Tởi đi chở xơ mít, rau củ quả mà các cửa hàng, siêu thị bỏ đi về làm thức ăn cho đàn trâu bò (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
"Số tôi nuôi trâu bò cũng may mắn lắm, 4 năm trước còn có 2 con trâu giờ nó đẻ ra tận 14 con. Nhiều lúc cũng thấy cực nhưng mà hạnh phúc'', ông Tởi cười (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ngoài việc cung cấp thức ăn cho trâu bò, ông Tởi còn đốt lửa để cho trâu bò đỡ bị muỗi cắn. ''Ngày bình thường thì không sao, mỗi khi mưa gió khổ lắm, đất sình, sốt rét, muỗi, đủ thứ khó khăn. Không chỉ trâu bò, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi nữa, nhiều lúc bệnh đột xuất rồi chết cũng không ai biết'', ông Tởi trầm ngâm (Ảnh: Eason Chang).
Từ ngày vào TPHCM và gắn bó với nghề nuôi trâu bò ông Tởi rất ít khi về thăm quê. Thậm chí ngày Tết đến, ông Tởi cũng chỉ thuê người giữ trâu vài buổi để tranh thủ về nhà ăn cùng gia đình một bữa cơm sum họp.
Vợ con khuyên ông bỏ nghề vì nghề nuôi trâu ở phố quá vất vả, gần 60 tuổi, ông cũng không còn trẻ để bươn chải như trước.
"Tôi đã gắn bó với đàn trâu, đàn bò nhiều năm nay. Với tôi, đó không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là thói quen, là niềm vui. Nghỉ nuôi trâu bò tôi sẽ thấy đời mình thiếu đi một cái gì đó", ông Tởi tâm sự (Ảnh: Trịnh Nguyễn).