DNews

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội

Trần Thanh

(Dân trí) - Sau khi tiếp cận hiện trường, Thượng úy Tuấn Anh cùng đồng đội đã cứu được 7 nạn nhân thoát ra ngoài an toàn. Dù vậy, anh vẫn tiếc nuối khi không thể cứu được nhiều người hơn nữa.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội

Lúc 0h45 ngày 24/5, tại ngôi nhà 3 tầng cho thuê trọ ở số 1, ngách 43/98/31 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, xảy ra cháy khiến 14 nạn nhân tử vong và 3 người bị thương.

Đến 2h cùng ngày, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC có mặt tại hiện trường để tham gia dập lửa, tìm kiếm người bị nạn, trong số đó, có Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh (31 tuổi), Tiểu đội trưởng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an Hà Nội.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 1

Khu vực cửa chính căn nhà xảy ra vụ hỏa hoạn (Ảnh: Trần Thanh).

Trèo tường, cứu 4 người thoát nạn

Đôi mắt đỏ hoe, cùng với dáng người mệt mỏi sau thời gian dài tham gia chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, Thượng úy Tuấn Anh giọng buồn bã khi kể lại sự việc với phóng viên Dân trí.

Anh cho biết, khoảng 0h30 ngày 24/5, đơn vị của anh nhận được tin báo hỗ trợ chữa cháy từ Trung tâm chỉ huy 114. Sau đó, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2 đã điều 2 xe chữa cháy cùng 13 cán bộ chiến sỹ tới hiện trường, Thượng úy Tuấn Anh cũng nằm trong số đó.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 2

Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh (Ảnh: Trần Thanh).

"Khi đến hiện trường, xe chữa cháy không thể tiếp cận vào bên trong, các chiến sỹ chữa cháy phải vác theo dụng cụ phá dỡ, bình dưỡng khí... rồi chạy bộ vào khu nhà cháy. Lúc đó, tôi cùng một chiến sỹ nữa đục đường bên ngoài để tiếp cận vào phía trong căn nhà trọ, bởi bên ngoài cửa chính cháy rất lớn, căn nhà này chỉ có một lối vào duy nhất", Thượng úy Tuấn Anh kể.

Theo anh Tuấn Anh, ngôi nhà trọ chỉ có một cửa chính nhưng bị khóa. Lực lượng PCCC phải dùng dụng cụ để cắt. Tuy nhiên lối vào này không thể tiếp cận được phía trong, bởi rất nhiều xe máy, xe điện dựng ở lối vào và giữa sân đang bốc cháy lớn.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 3

Bên ngoài hiện trường vẫn còn nhiều xe đạp điện, xe máy điện được đưa ra ngoài con ngõ cạnh ngôi nhà bị cháy (Ảnh: Trần Thanh).

"Rất may khi đó tôi nhìn thấy một ô tường gạch tại tầng 3 đã bị đục ra, bên trong có một chiếc thang dây của người dân thả từ ô cửa sổ ra phía sau, nên tôi đã dùng nó để trèo vào trong tòa nhà rồi tìm kiếm các nạn nhân" Thượng úy Tuấn Anh nói và cho biết, khi leo lên tầng 3, anh đã giải cứu và đưa được 4 nạn nhân thoát ra ngoài an toàn.

Người lính PCCC&CNCH cho biết, mặc dù đã vào được phía trong tòa nhà nhưng từ vị trí đó, anh không thể tiếp cận được sang các khu vực khác để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt, bởi khu vực đó không có lối đi ra ngoài mà chỉ có cầu thang đi xuống. Tuy nhiên phía dưới lửa đang cháy lớn, khu vực sân chung của tòa nhà chất đầy xe máy, xe điện đang bốc cháy.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 4

Dãy nhà trọ 3 tầng - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn (Ảnh: Ngọc Tân).

"Phải mất rất nhiều thời gian, khi đám cháy ở khu vực cửa chính được dập tắt, anh em cứu hỏa mới có thể tiếp cận được vào phía trong dãy nhà trọ. Khi vào phía trong, anh em cứu hỏa đã cứu thêm được 3 người sống sót đưa ra ngoài, còn những người đã tử vong chủ yếu nằm tại khu vực cầu thang của dãy nhà trọ phía trong.

Đây cũng là nơi khó tiếp cận nhất của vụ cháy. Bên ngoài dãy nhà trọ là nơi chủ nhà ở, còn phía trong là nơi người dân đến thuê trọ, anh Tuấn Anh kể lại.

Nuối tiếc khi không thể cứu được nhiều người hơn nữa!

Đã công tác trong lĩnh vực PCCC hơn 13 năm nay, nhưng có lẽ đây là một trong số những vụ cháy khiến Thượng úy Tuấn Anh không thể nào quên. Anh Tuấn anh nói rằng bản thân cảm thấy buồn và nuối tiếc khi không thể cứu thêm được nhiều người hơn nữa.

"Mặc dù anh em tôi đã đưa được 7 người thoát ra ngoài an toàn, nhưng nếu khi đó hiện trường tiếp cận được dễ dàng hơn, có lẽ số người sống sót đã tăng lên. Đa số các nạn nhân tử vong đều nằm tại khu vực phía trong cùng của dãy nhà trọ. Đây cũng là nơi khó tiếp cận nhất bởi nhiều xe máy, xe điện để ở khu vực sân chung bốc cháy, lửa kèm khói bốc lên dữ dội, khu nhà trọ lại chỉ có một lối thoát là cửa chính", anh Tuấn Anh buồn bã kể lại.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 5

Người dân đục tường, dùng thang dây thả từ tầng 3 tòa nhà ra bên ngoài (Ảnh: Trần Thanh).

Theo anh Tuấn Anh, điều khó khăn lớn nhất mà anh cùng đồng đội gặp phải đó là việc tiếp cận hiện trường bên trong vụ cháy. Do sức nóng từ tầng 1 tòa nhà bốc lên khủng khiếp, nên việc di chuyển vào bên trong dãy nhà trọ là "bất khả kháng" khi đám cháy vừa diễn ra.

Bên cạnh đó, do khói đen bốc ra từ lốp xe máy, xe đạp, đã khiến tầm nhìn của các chiến sĩ PCCC bị hạn chế, mặc dù họ có đèn pin soi, nhưng anh Tuấn Anh chia sẻ rằng, không thể nhìn thấy gì vì khói dày đặc, che khuất tầm nhìn.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 6

Nhiều đồ đạc của người dân bị lửa thiêu rụi sau vụ cháy (Ảnh: Trần Thanh).

Thượng úy Tuấn Anh cho biết, mỗi lần cứu được một ai đó là anh em trong đội đều cảm thấy hạnh phúc và trân trọng nghề mà họ đang làm.

"Không thể tiếp cận bằng lối cửa chính"

Cũng là một trong số những chiến sĩ PCCC có mặt trực tiếp tại hiện trường vụ việc, chiến sĩ nghĩa vụ Ngô Công Độ, đang công tác tại Đội Cảnh sát PCCC&CNCH khu vực số 2 (Phòng PC07, Công an TP Hà Nội) cho biết bản thân chưa từng chứng kiến vụ cháy nào kinh hoàng tới vậy.

Theo anh Độ, sau khi có mặt tại hiện trường vụ cháy, anh cùng với 2 lính cứu hỏa nữa làm nhiệm vụ phun nước chữa cháy tại khu vực cửa chính khu nhà trọ. Tuy nhiên lúc này lửa kèm khói bùng lên dữ dội, các cán bộ PCCC không thể tiếp cận được hiện trường từ lối này vào phía trong.

Lời kể của lính cứu hỏa trong vụ cháy khiến 14 người chết ở Hà Nội - 7

Anh Độ cho biết chỉ có 1 lối vào tòa nhà cháy nhưng bị lửa bao trùm (Ảnh: Trần Thanh).

"Khi đó, anh em chúng tôi phải hết sức khẩn trương khai thông lối vào để có thể cứu người gặp nạn. Lúc đó cứ phun tới đâu là các cán bộ lại tìm cách di chuyển vào bên trong một cách nhanh nhất để cứu người", anh Độ nói.

Tuy nhiên theo anh Độ, do quá nhiều xe cộ bị cháy nên lửa và khói bốc lên rất nhiều, khi tiếp cận được vào phía trong, anh cùng các chiến sĩ khác chỉ cứu được 3 nạn nhân nữa thoát ra ngoài. Đây cũng là những nạn nhân ở tại khu vực đầu dãy trọ, còn các nạn nhân khác ở phía trong, đều đã tử vong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện về vụ cháy nhà dân tại phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm nhiều người chết và bị thương. 

Gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn, Thủ tướng cho biết đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo vụ việc.

Người đứng đầu Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn. Địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả. 

Đặc biệt, cần khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng và các trưởng ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy. 

Đặc biệt là Luật Phòng cháy và chữa cháy, chỉ thị số 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới... Rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ. Việc này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7. 

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở cho thuê trọ. Dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn trong dịp nắng nóng sắp tới.