Lễ Quốc khánh, về thăm quê Bác để "học Bác nhiều hơn"
(Dân trí) - "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời. Tôi vẫn dạy con cháu, phải học tập, noi gương Bác", ông Văn Đình Thực (85 tuổi, trú huyện Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ.
Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay trùng kỳ nghỉ cuối tuần và kéo dài 4 ngày nên nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch nghỉ dưỡng hoặc tham quan các di tích lịch sử.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách trong, ngoài tỉnh dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, có thời điểm nắng gay gắt hay mưa rào nhưng căn nhà mái tranh, vách nứa, nơi Bác Hồ trải qua những năm tháng thơ ấu tại làng Sen đã đón hàng chục nghìn du khách tới thăm mỗi ngày trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Từ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cụ Văn Đình Thực (85 tuổi) cùng vợ, các con, các cháu về thăm quê Bác trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ. Đây là lần thứ 5, cựu nhà giáo Văn Đình Thực đến với quê hương Bác Hồ nhưng vào thời điểm cả nước chào mừng ngày lễ Quốc khánh - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam - đã để lại cho cụ cảm xúc đặc biệt.
"Về thăm quê Bác bao giờ tôi cũng bồi hồi xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời. Tôi vẫn dạy con cháu, phải học tập Bác nhiều, phải noi gương Bác, phải cần, kiệm, liêm chính, trong công việc và cả trong cuộc sống", cụ Văn Đình Thực chia sẻ.
Người dân và du khách dâng lên ban thờ nhỏ đơn sơ thờ chung người thân của Bác những bó hoa sen hay hoa huệ thơm ngát. Hai loài hoa tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch nhưng trọn nghĩa, vẹn tình với non sông, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người thân.
Dự kiến Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên sẽ đón gần 3.000 đoàn khách và hàng chục nghìn lượt khách tới thăm trong dịp lễ Quốc khánh. Bởi vậy, Ban quản lý Khu di tích đã huy động 100% cán bộ, nhân viên làm việc thông suốt kỳ nghỉ lễ để phục vụ du khách tốt nhất khi về với quê Bác.
Gia đình chị Võ Thị Vinh (trú tỉnh Hà Tĩnh) có mặt tại làng Sen với trang phục đặc biệt là chiếc áo đỏ sao vàng. Chị dẫn 2 con tham quan từng gian nhà, giải thích cặn kẽ cho con từng hiện vật gắn với cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời cùng những người thân trong gia đình Bác.
"Tôi đã đưa 2 con ra thăm Lăng Bác tại Hà Nội nhưng nói thật, cũng khá xa nên khó sắp xếp đi hàng năm. Từ 3 năm trở lại đây, chúng tôi đến thăm quê Bác vào dịp lễ Quốc khánh để các con hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi đắp thêm niềm kính yêu Bác Hồ để từ đó nỗ lực, cố gắng hơn trong năm học mới sắp tới", chị Vinh chia sẻ.
Áo đỏ sao vàng cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh dành cho con khi đưa các cháu tới thăm Làng Sen quê Bác trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Sau khi tham quan nhà Bác, các cháu nhỏ vui vẻ chụp ảnh với lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Một bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm trước căn nhà tranh vách nứa của gia đình Bác Hồ tại Làng Sen.
Nghệ An nói chung, Nam Đàn hay Kim Liên nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc nhưng căn nhà của Bác và gia đình vẫn đơn sơ, bình dị, mộc mạc như chính con người của Bác. Nhiều năm qua, đây là "địa chỉ đỏ" được đông đảo người dân và du khách thập phương tìm về, để được hiểu hơn về nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng giành độc lập, tự do cho đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về với quê Bác là về với căn nhà mái lá đơn sơ, với lũy tre thân thuộc, với luống rau khoai, với hàng râm bụt, với hồn quê hồn hậu và ân tình.
Trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, du khách có thể đắm mình trong không khí làng quê nông thôn xưa với những ngôi nhà hàng xóm của gia đình Bác. Một mái rạ, một tấm liếp, một tấm rèm đan cũng gợi lên sự bình yên, thân thuộc để tâm hồn mỗi người như lắng dịu khi về với Quê Chung trong ngày trọng đại của Đất nước.