DMagazine

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim”

(Dân trí) - Mọi người đứng sát vào nhau, hướng về phía Bắc, nghĩ về Bác Hồ, về Đảng, cất tiếng hát Quốc ca. Họ nghĩ về ngày mai chiến thắng và động viên nhau giữ vững khí tiết ở chốn lao tù.

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim”

Mọi người đứng sát vào nhau, hướng về phía Bắc, nghĩ về Bác Hồ, về Đảng, cất tiếng hát Quốc ca khe khẽ. Lễ chào cờ kết thúc, không ai ngủ được. Họ nghĩ về ngày mai chiến thắng để động viên nhau giữ vững khí tiết ở chốn lao tù.

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim” - 1
Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Nhất Thắng.

Những ngày này, ông Nguyễn Nhất Thắng (SN 1945, trú phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) luôn lâng lâng với tâm trạng khó tả. Ông dọn dẹp quét tước bàn thờ gia tiên, chăm chút bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đón mừng ngày Quốc khánh 2/9. Ký ức về cái Tết Độc lập trong chốn “địa ngục trần gian Phú Quốc” hiện về...

Vững khí tiết cách mạng khi sa vào tay giặc

Tháng 4/1963, chàng thanh niên quê Hưng Lợi (Hưng Nguyên, Nghệ An) tòng quân nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 324A. Năm 1965, đơn vị của ông lên đường đi B, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim” - 2
Nhà tù Phú Quốc, nơi được xem là "địa ngục trần gian" với những trò tra tấn man rợ hòng khuất phục những người tù cộng sản (ảnh Hà Trang).

Năm 1967, đơn vị ông phối thuộc với một đơn vị bộ binh đánh phục kích sư đoàn thủy binh lục chiến Mỹ từ Cửa Việt lên Khe Sanh. Tuy nhiên trận chiến đã không diễn ra như kế hoạch vạch ra trước đó. Hậu quả, địch rút lui được và gọi máy bay, xe tăng cứu viện. Đơn vị tổn thất nặng nề, Chuẩn úy - Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng cùng 11 đồng đội bị thương và bị bắt làm tù binh.

Sau khi sơ cứu, địch đưa ông về căn cứ, tổ chức cứu chữa nhằm khai thác thông tin. Trước sau như một, người lính công binh vẫn kiên định mình là Phạm Văn Thăng, binh nhất, quê quán Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh. 15 ngày sau, chúng đưa ông vào nhà tù Non Nước (Đà Nẵng). Tháng 10/1967, ông được liệt vào danh sách tù chính trị "cứng đầu" và đày ra nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang).

Ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, nếm đủ mọi đòn tra tấn dã man nhất của địch, ông và các đồng đội của mình vẫn kiên định lý tưởng, một lòng trung trinh với Đảng, với cách mạng. Ở trong ngục tù, dưới sự chỉ huy của tổ chức bí mật, cuộc đấu tranh giữa những người lính cách mạng và bọn cai ngục khét tiếng vẫn diễn ra quyết liệt. Địch dùng mọi ngón đòn thù man rợ nhất nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh của những người cộng sản nhưng không thể khuất phục được họ.

Ký ức Tết Độc lập trong nhà lao Phú Quốc

Tết Độc lập nơi "địa ngục trần gian"

Năm 1969, Nguyễn Nhất Thắng đến phòng giam số 13, khu B5. Đó là một phòng giam rộng khoảng 50m2 nhưng được nhốt hơn 100 tù binh người miền Bắc - những người được xem là “cứng đầu”. Ngày 2/9/1969 trở thành ký ức không thể phai mờ trong tâm trí của người tù binh này.

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim” - 3
Ông Nguyễn Nhất Thắng hồi tưởng về lễ kỉ niệm Tết Độc lập trong chốn lao tù.

Từ chiều, họ đã được thông báo về lễ kỷ niệm ngày Tết Độc lập sẽ diễn ra vào buổi tối. Đó là sự kiện đặc biệt kể từ khi Nguyễn Nhất Thắng bị đày ra đảo. Suốt cả ngày, anh em bồn chồn, háo hức chờ đợi...

“Khoảng tầm 9h đêm, giờ giới nghiêm bắt đầu, đèn điện bị tắt hết. Trong bóng tối, một giọng nói vang lên khe khẽ: “Xin mời các đồng chí đứng dậy. Đồng chí nào không đứng được thì quàng tay người bên cạnh để đứng, dựa vào nhau mà đứng. Mời tất cả các đồng chí quay mặt về hướng Bắc.

"Chúng tôi đứng dựa vào nhau, vai kề vai, tay nắm tay, hướng về phía Bắc, nơi có Bác Hồ, có Trung ương Đảng và cất tiếng hát".

Hôm nay là ngày 2/9, ngày Quốc khánh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các đồng chí hình dung trước mặt có chiếc bàn, trên bàn có ảnh Bác và cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Chúng ta làm Lễ chào cờ mừng ngày Quốc khánh. Chúng ta sẽ hát Quốc ca, hát khẽ thôi. Bắt đầu!”

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim” - 4
Cựu binh Nguyễn Tất Thắng trong lễ tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống ở nhà lao Phú Quốc (ảnh NVCC).

Chúng tôi đứng dựa vào nhau, vai kề vai, tay nắm tay, hướng về phía Bắc, nơi có Bác Hồ, có Trung ương Đảng. Xung quanh bóng tối bao trùm nhưng trong đầu hình ảnh lá cờ Đảng, lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trời tự do. Chúng tôi cất tiếng hát. Tiếng hát rất khẽ như bật ra từ trái tim của người lính bị tù đày ngoài đảo, biệt lập với tất cả nhưng không ngừng đấu tranh...”, ông xúc động kể.

Khi bài Quốc ca kết thúc, vẫn giọng nói ấy cất lên, rất nhỏ, nhưng nghe như âm vang lời hiệu triệu những người lính không gục ngã trong chốn lao tù. Từ giọng nói đó, lịch sử ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ công hòa và cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ đó được tái hiện một cách ngắn gọn.

“... Đế quốc Mỹ nhảy vào thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chúng ta lại cầm súng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không may sa vào tay giặc, đang bị địch giam cầm, chúng ta phải giữ vững khí tiết của người lính cộng sản, kiên cường đấu tranh, tin tưởng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ đi đến thắng lợi...”.

Buổi lễ kết thúc, đêm đó, không một ai trong phòng giam chợp mắt. Họ ngồi sát bên nhau, kể cho nhau nghe về gia đình, về quê hương, về chặng đường hành quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ động viên nhau giữ vững tinh thần cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu của người lính trong chốn lao tù và tin tưởng vào ngày mai chiến thắng.

Ký ức Tết Độc lập “nhắm mắt thấy Quốc kỳ, hát Quốc ca bằng tim” - 5
Ông Nguyễn Nhất Thắng dành một vị trí trang trọng trong ngôi nhà của mình lập bàn thờ tưởng nhớ công ơn Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Năm 1973, chúng tôi được trao trả sau Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bao nhiêu năm trôi qua là bấy nhiêu lần tôi được đón Tết Độc lập, từ khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ sau thống nhất, đến những Tết Độc lập của thời kỳ đổi mới, nhưng Tết Độc lập ở nhà lao Phú Quốc vẫn đặc biệt nhất.

Trong chốn lao tù, chúng tôi không có cờ hoa, không có băng rôn, khẩu hiệu, có thể bị địch đàn áp, khủng bố bất cứ lúc nào, chỉ bằng lá cờ trong đầu và tiếng hát trong tim với một niềm tin vào chiến thắng của chính nghĩa, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ để hòa mình vào ngày lễ lớn của Dân tộc. Đó luôn là kỉ niệm không thể phai mờ trong cuộc đời”, người cựu tù rưng rưng.