Kinh nghiệm cho TPHCM từ 3 năm vận hành metro Hà Nội
(Dân trí) - Là tuyến tàu điện thứ 3 được vận hành tại Việt Nam, metro Bến Thành - Suối Tiên có cơ hội phục vụ hành khách tốt hơn nhờ xem xét bài học kinh nghiệm từ 2 dự án trước.
Những ngày qua, người dân TPHCM chứng kiến đoàn tàu của metro Bến Thành - Suối Tiên chạy thử liên tục. Nhiều công dân thành phố được tham quan, trải nghiệm chuyến tàu.
Trong thời gian chuẩn bị cho việc vận hành tuyến metro đầu tiên của TPHCM, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đã nhiều lần cử nhân sự đến Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm từ Hanoi Metro.
Dưới đây là những vấn đề từng xuất hiện tại 2 tuyến đường sắt của thủ đô mà đơn vị vận hành metro của TPHCM có thể tham khảo.
Thất thoát thẻ vé
Thẻ vé đi tàu điện là các thẻ nhựa mỏng hình chữ nhật hoặc dạng đồng xu token, có chức năng quét mở cửa soát vé tự động. Cửa soát vé cũng được thiết kế để khi rời khỏi nhà ga, hành khách buộc phải đút trả lại thẻ vào máy mới có thể đi qua.
Theo Hanoi Metro, trong thời gian đầu khai trương, cả 2 tuyến tàu điện của Thủ đô đều gặp phải tình trạng thất lạc thẻ vé đi tàu. Đơn cử tại tuyến tàu Nhổn - Cầu Giấy, doanh nghiệp đã bị thất lạc hàng nghìn thẻ token sau 2 tuần mở cửa miễn phí phục vụ người dân Thủ đô.
Nguyên nhân thất thoát thường do hành khách nhận thẻ nhưng không dùng để đi tàu mà "đút túi" luôn. Ngoài ra, cũng có trường hợp hành khách chen lấn xô đẩy, bước sát nhau khi đi qua cửa soát vé, dẫn tới một lần quẹt thẻ nhưng qua được 2 người.
Để ngăn ngừa tình trạng này, Hanoi Metro phải cắt cử nhân viên bảo vệ trực tại các sảnh bán vé và cửa soát vé. Tuy nhiên, việc kiểm soát là không xuể trong những thời điểm khách dồn đến đông.
Hành xử kém văn minh
Thời điểm khai trương metro Cát Linh - Hà Đông, tuyến tàu điện đầu tiên của Thủ đô, Hanoi Metro phải thường xuyên nhắc nhở hành khách tránh những hành vi kém văn minh như ăn uống trên tàu, chen lấn, xô đẩy, cười nói ồn ào... hoặc chắn lối đi để chụp ảnh sống ảo.
Nhiều người coi tàu điện như nơi tạo nội dung "hot" để đăng lên mạng xã hội. Năm 2021, một nhóm nam giới cởi trần bước lên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông để chụp ảnh quảng cáo cho một nhãn hàng. Sau đó, phía nhãn hàng đã bị Sở Văn hóa thành phố xử phạt vì hành vi quảng cáo trái thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh các hành khách ý thức kém, cũng có nhiều người chỉ đơn giản là bỡ ngỡ, chưa biết cách ứng xử do mới lần đầu đi tàu điện. Do đó, doanh nghiệp vận hành phải cắt cử người hướng dẫn, nhắc nhở, thậm chí dùng loa phát thanh những thông điệp nhỏ như "hãy cẩn thận và lưu ý bước chân" khi khách di chuyển qua thang cuốn.
Một vấn đề cũng khiến đơn vị khai thác metro tại Hà Nội "đau đầu" là tình trạng hành khách vượt quá vạch an toàn tại sân ga, có nguy cơ ngã xuống đường ray hoặc va chạm với đoàn tàu. Tuy nhiên, tuyến metro số 1 của TPHCM sẽ loại bỏ được nỗi lo này nhờ hệ thống rào chắn ke ga được đầu tư đồng bộ.
Ứng xử với xe đạp gấp
Tại Hà Nội, việc một hành khách mang theo xe đạp gấp lên tàu điện đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Đây là phương tiện nhỏ gọn được nhiều người sử dụng để di chuyển từ nơi ở đến ga tàu và từ ga tàu đến trường học, công sở...
Hanoi Metro cho phép mang xe đạp gấp lên cả 2 tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội. Tuy nhiên, đây là sự "linh động" của doanh nghiệp để động viên người dân sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời khỏa lấp sự hạn chế của các phương tiện trung chuyển.
Theo Hanoi Metro, việc mang xe đạp gấp lên tàu cũng dẫn tới không ít phiền toái. Đơn cử như một số loại xe có kích thước cồng kềnh, chiếm diện tích lớn trong khoang tàu; phần lốp và xích xe làm vương vãi chất bẩn ra khoang tàu, dây bẩn vào người hành khách; để xe không gọn gàng, chắn lối đi...
Trong khung giờ cao điểm, toa tàu ken chặt hành khách, việc một số người mang theo xe đạp gấp cũng khiến cho những người khác cảm thấy khó chịu.
Bài học về lãng phí không gian
Ngay từ năm 2021, khi khai trương tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Hanoi Metro đã khẳng định sẽ khai thác không gian nhà ga, kinh doanh thương mại dịch vụ "ngoài vé" để tăng tiện ích cho hành khách, đồng thời tạo nguồn thu, giảm khoản trợ giá của thành phố.
Kế hoạch này gồm cho thuê dịch vụ quảng cáo, đặt kiosk bán hàng tại các nhà ga, đặc biệt là ga Cát Linh với không gian rộng thênh thang cho các dịch vụ thương mại.
Tuy nhiên, suốt 3 năm qua, 2 sảnh A và B của nhà ga Cát Linh vẫn trống trơn, vương bụi. Trừ một vài lần cho doanh nghiệp bày bán hoa vào dịp Tết, không gian dịch vụ thương mại tại ga Cát Linh quanh năm bỏ không, gây lãng phí.
Theo lãnh đạo Hanoi Metro, những vướng mắc về quy định khai thác tài sản công trong lĩnh vực đường sắt khiến kế hoạch khai thác thương mại tại nhà ga chưa thể thực hiện.
Cụ thể, Nghị định 46/2018/NĐ-CP có quy định việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng lại chưa bao quát tới lĩnh vực đường sắt đô thị. Đến nay, doanh nghiệp vận hành metro tại Hà Nội vẫn đang chờ Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 46/2018 để tháo gỡ vướng mắc.
Trong bối cảnh chưa có nghị định thay thế, các không gian mở rộng của ga ngầm Bến Thành cũng sẽ khó triển khai các dịch vụ kinh doanh, thương mại.
Trước đó, chủ đầu tư metro số 1 đã thiết kế ga ngầm Bến Thành với không gian rộng rãi, đủ sức chứa trung tâm thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TPHCM.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã gần như hoàn thành và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đánh giá toàn hệ thống.
Dự kiến, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TPHCM, cũng là tàu điện ngầm đầu tiên của cả nước, chính thức khai thác thương mại ngày 22/12 năm nay.