DNews

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I?

Q.Huy

(Dân trí) - PGS TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, các yếu tố bất lợi không còn tác động kinh tế TPHCM như năm trước. Quý I năm nay, địa phương sẽ khởi sắc về chỉ số tăng trưởng và công tác giải ngân đầu tư công.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I?

Lùi lại gần một năm trước, TPHCM kết thúc quý I với những chỉ số gây bất ngờ và đáng quên đối với một đô thị là trung tâm kinh tế của cả nước. Địa phương này chỉ tăng trưởng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Thời điểm đó, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về việc "điều gì đang xảy ra tại TPHCM?", "TPHCM đang gặp vấn đề gì?".

Tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cũng nhắc lại đà tăng trưởng thấp trong quý I/2023 (0,7%) và đề nghị các cơ quan, đơn vị cần nhận định nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp để không lặp lại kịch bản trên.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I? - 1

Khu vực trung tâm TPHCM nhìn từ trên cao, khi nhà ga ngầm Metro Bến Thành đã bỏ rào chắn, trả lại mặt bằng (Ảnh: Hải Long).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, quý I năm nay thành phố không còn các yếu tố bất lợi như một năm trước đây. Ông tin tưởng, trong kịch bản bất lợi, chỉ số tăng trưởng kinh tế thành phố cũng không lặp lại kịch bản của một năm trước đó.

Nhận diện nguyên nhân chậm nhịp

PGS TS Trần Hoàng Ngân nêu thực tế, quý I hàng năm, sự chậm nhịp diễn ra và dễ dàng nhận thấy ở nhiều nơi do yếu tố thời gian. Quý I năm 2023, những ngày nghỉ Tết rơi vào tháng 1, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã được chốt lại vào tháng 12 của năm trước đó.

Tuy nhiên năm 2024, thành phố sẽ bắt nhịp tốt hơn mọi năm khi Tết Nguyên đán tới muộn. 

"Năm nay, mùng 8/2 Dương lịch mới bắt đầu quãng thời gian nghỉ Tết. Thành phố còn nguyên tháng 1 để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố khiến quý I năm nay thành phố sẽ đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm 2023", ông Trần Hoàng Ngân nhận định.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I? - 2

PGS TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Phân tích về quý I của nhiều năm về trước, PGS TS Trần Hoàng Ngân chỉ ra các yếu tố bất lợi đã đến với nền kinh tế TPHCM. Những yếu tố này đã khiến đà tăng trưởng của địa phương bị kéo lại.

Cụ thể, quý I/2020 là thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Trong đó, ca nhiễm đầu tiên của cả nước đã xuất hiện tại TPHCM. Trong quãng thời gian này, người dân, du khách không dám đi đâu dịp Tết.

Quý I/2021, tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến, các hoạt động dần khôi phục. Thực tế, quý I/2021, kinh tế của thành phố đã tăng so với năm trước đó.

Sự chuyển biến tiếp tục diễn ra trong quý I/2022, nhưng vẫn còn ở mức hạn chế. Sau đại dịch Covid-19, các hoạt động được khôi phục nhưng vẫn còn cầm chừng.

Quý I/2023, TPHCM ghi nhận chỉ số tăng trưởng rất thấp. Theo vị chuyên gia, nguyên nhân của vấn đề nằm ở các vụ án kinh tế như Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB diễn ra thời điểm trước Tết, các đơn hàng nước ngoài bắt đầu bị cắt giảm. Đây cũng là lý do khiến kinh tế TPHCM tăng trưởng rất thấp mặc dù các địa phương khác vẫn có kết quả khả quan.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I? - 3

Các vụ án lớn xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB đã tác động đến kinh tế TPHCM đầu năm 2023 (Ảnh: Nam Anh).

"Quý I/2023, thành phố chịu tác động bất lợi từ tứ phía. Các vụ án lớn diễn ra, doanh nghiệp bất động sản gần như không phát hành được trái phiếu do công tác thanh tra, kiểm tra được siết chặt, mọi thứ gần như đóng băng", PGS TS Trần Hoàng Ngân nhớ lại.

Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, trong quý I năm nay, các yếu tố bất lợi trên không còn tác động đến thành phố. Hơn nữa, TPHCM vẫn còn đà tăng trưởng cao của quý IV/2023 là hơn 9,6%.

"Thành phố đang có đà rất tốt để bắt đầu năm 2024. Dù đà này có xuống, thành phố vẫn tăng trưởng ở mức 5-6% trong quý I, chứ không thấp như năm trước", ông Trần Hoàng Ngân đưa ra dự báo.

Cần lưu ý về giải ngân đầu tư công

Năm 2023, TPHCM được Trung ương giao tổng vốn đầu tư công là hơn 68.000 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2023, địa phương này chỉ giải ngân được hơn 2%. 

Thời điểm đó, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, giải ngân đầu tư công có thể tạo hiệu quả cấp số nhân cho nền kinh tế thành phố. Ông cũng đặt câu hỏi về việc TPHCM có bỏ hoàn toàn công cụ này khi chỉ giải ngân được 2% tổng vốn trong quý đầu tiên của năm.

PGS TS Trần Hoàng Ngân phân tích, thời điểm quý I/2023, tình hình chiến sự trên thế giới đã phần nào tác động đến kinh tế thành phố. Trong nước, trái phiếu không phát hành được để huy động vốn, lãi suất ngân hàng rất cao khiến doanh nghiệp e ngại khi tham gia đấu thầu, dự thầu.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I? - 4
Trong quý I/2024, các yếu tố bất lợi trên không còn tác động đến TPHCM
PGS TS Trần Hoàng Ngân Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM

Các vụ án lớn có tác động lan tỏa nhiều lĩnh vực khiến công tác triển khai dự án khó khăn. Đầu năm 2023, giá nguyên, vật liệu cũng tăng ở mức rất cao. Ngay cả cơn sốt giá xăng, dầu cũng kéo dài từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.

"Năm nay chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của năm 2023. Mặt khác, doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng dễ dàng hơn vì ngân hàng bung hết dư nợ tín dụng ngay từ đầu năm để phân phối, lãi suất ngân hàng cũng rất thấp, doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, dự thầu cởi mở hơn", ông Ngân nhận định.

Một yếu tố khác là trong năm 2023, thành phố đã tập trung cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Do đó, các dự án đã có mặt bằng sạch thực hiện, công tác giải ngân cũng có nhiều thuận lợi.

PGS TS Trần Hoàng Ngân cũng đưa ra dự báo, trong quý I năm nay, thành phố sẽ giải ngân được khoảng 10% tổng vốn năm, khó để đạt mức cao hơn. Nguyên nhân là thời điểm đầu năm, địa phương phải thực hiện khâu quan trọng là tổ chức đấu thầu nhiều dự án với số vốn lớn. Trong trường hợp xấu, một số dự án phải bỏ thầu, làm lại từ đầu nếu không có người tham gia.

Không còn yếu tố bất lợi, kinh tế TPHCM có còn chậm nhịp trong quý I? - 5

Cầu Phước Long kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè là một trong những dự án từng bị ảnh hưởng tiến độ bởi vướng mặt bằng (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Vị chuyên gia cũng lưu ý, thời gian qua, công tác giải ngân đầu tư công được tập trung trên cả nước chứ không riêng TPHCM. Một thực trạng đang diễn ra là số doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án, tư vấn đấu thầu, thi công của nước ta còn hạn chế. Ngoài ra, việc khan hiếm vật liệu xây dựng cũng là điều cần tính tới.

"Khả năng hấp thụ vốn còn phụ thuộc vào đội ngũ lao động. Khi lực lượng lao động chỉ có bấy nhiêu đó và các dự án dàn trải trên cả nước, họ phải đưa ra lựa chọn làm dự án nào, làm cho địa phương nào", trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá, trong năm 2023, thành phố được giao số vốn rất lớn. Tỷ lệ giải ngân 70% của năm vừa rồi cũng là điều rất đáng khích lệ.

Trong 5 năm vừa qua, toàn địa bàn giải ngân trung bình 25.000 tỷ mỗi năm. Xét về giá trị tuyệt đối, thành phố đã giải ngân được gần 50.000 tỷ, gấp đôi giá trị trung bình hàng năm.

"Trung ương luôn giao cho TPHCM số vốn rất lớn và thành phố luôn nhận trách nhiệm này. Thành phố cũng chấp nhận tỷ lệ giải ngân thấp nhưng giá trị giải ngân luôn tăng lên", PGS TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Nói về sự cần thiết của việc giải ngân đầu tư công, chuyên gia phân tích, mỗi công trình, dự án được xây dựng không chỉ mang lại lợi ích cho từng quận, huyện mà có tác động lan tỏa cho cả thành phố. Một trường học bằng vốn đầu tư công sẽ tạo cơ sở, vật chất cho học sinh toàn địa bàn, một bệnh viện mới sẽ phục vụ không chỉ người dân TPHCM mà cho cả vùng, cả khu vực.