Kinh tế đêm tại TPHCM: Đừng chỉ nói về những mặt sáng
(Dân trí) - TS Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, kinh tế đêm tại TPHCM đã có từ rất lâu và còn nhiều dư địa để phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đêm sẽ có những hệ lụy cần tính toán kỹ.
"Thành phố không ngủ" là cụm từ dễ dàng bắt gặp trong các bài viết, lời giới thiệu về đặc điểm của vùng đất, con người và văn hóa TPHCM. Trời vừa tắt nắng, thành phố trẻ khoác lên mình diện mạo mới từ những tòa cao ốc rực rỡ ánh đèn, những con đường tấp nập xe cộ hay những tuyến phố đi bộ náo nhiệt các hoạt động.
Thế nhưng, những hình ảnh ấy có thể dễ dàng bắt gặp tại bất kỳ đô thị lớn nào trên cả nước. Việc phát triển kinh tế đêm gắn với phát huy bản sắc văn hóa của TPHCM vẫn là bài toán đang được địa phương này tìm kiếm lời giải.
UBND quận 1 vừa trình đề án Định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, gắn với mô hình 3 trục động lực và 6 cụm chức năng. Với bản đề án này, cuộc sống đêm tại khu trung tâm thành phố được kỳ vọng sẽ rực rỡ với nhiều hoạt động sôi nổi, không gian đặc sắc từ bến sông cho đến các tuyến đường.
Dưới góc nhìn của một người làm việc, sinh sống tại TPHCM từ năm 1975 tới nay, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, bày tỏ sự ủng hộ đối với bản đề án phát triển kinh tế đêm tại khu vực trung tâm thành phố. Trao đổi với phóng viên Dân trí, vị chuyên gia cũng phân tích về những tiêu cực có thể xảy ra, cần nghiên cứu kỹ lưỡng khi thành phố phát triển kinh tế đêm.
"Kinh tế đêm thực tế đã có tại TPHCM từ rất lâu rồi. Việc phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, quy củ như thành phố đang hướng tới là điều cần thiết, nhưng đừng chỉ nhìn theo một hướng tích cực", TS Nguyên bày tỏ.
Kinh tế đêm có tại TPHCM từ bao giờ?
- Theo ông, các hoạt động ban đêm của TPHCM hiện tại đã tương xứng với danh xưng "thành phố không ngủ"?
Thực tế cụm từ "thành phố không ngủ" xuất hiện từ rất lâu để mô tả các hoạt động giao thương sôi động tại TPHCM. Thành phố có rất nhiều chợ đầu mối, người lao động phải dậy từ 2-3h sáng để chuẩn bị xe cộ, lên xuống hàng hóa, những thương lái phải đi đưa hàng, phân phối hàng hóa.
Những hoạt động đã duy trì từ lâu ấy cũng là hoạt động kinh tế và theo cách nào đó, cũng có thể gọi là kinh tế đêm, nhưng còn lẻ tẻ, chưa có tổ chức và bây giờ chúng ta muốn phát triển mạnh hơn, bài bản hơn. Tôi cho rằng, định hướng phát triển kinh tế đêm hiện tại của TPHCM mang nghĩa khác, chú trọng hơn đến các ngành kinh tế dịch vụ, ăn uống, mua sắm, giải trí.
- Là người sinh sống, làm việc tại TPHCM và nghiên cứu về địa phương này nhiều năm, chắc hẳn ông còn nhớ kinh tế đêm nơi đây đã xuất hiện manh nha khi nào?
Tôi vào TPHCM đúng ngày 30/4/1975. Thời điểm sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân, xã hội có nhiều đảo lộn nên các hoạt động ban đêm gần như không có.
Khi mọi sinh hoạt tại TPHCM đã đi vào nền nếp, tương đối ổn định thì rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Các hoạt động ban đêm manh nha xuất hiện nhưng ít sôi nổi.
Tôi vẫn nhớ, kinh tế của thành phố ngày đó còn kém, nhiều người phải nuôi heo trong nhà, trồng rau trên vỉa hè thì làm sao nghĩ đến kinh tế đêm được. Các nhu cầu tăng dần lên theo nhịp phát triển kinh tế và thay đổi rất nhanh quãng thời gian sau này.
Có lẽ, hạt nhân của kinh tế đêm của TPHCM mà chúng ta đang nói tới là khu vực quanh chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Bình Điền. Khi người lao động trong chợ dậy làm việc vào ban đêm thì các cửa hàng ăn uống phục vụ họ cũng xuất hiện.
Trên các tuyến phố, khi công nhân, người lao động đi làm đêm thì dần dần cũng có các quán mì gõ, hủ tiếu gõ. Nhưng nhu cầu ấy còn thấp, cũng chưa có phố nhậu hay phố đi bộ như bây giờ.
Tóm lại, kinh tế đêm dưới cách thức khác nhau đã có mặt tại TPHCM từ rất sớm.
Mặt trái cần tính tới
- Kích thích mua bán, lan tỏa và phát huy bản sắc văn hóa, có phải định hướng phát triển kinh tế đêm của TPHCM chỉ mang lại những lợi ích cho kinh tế - xã hội?
Khi luận bàn về phát triển kinh tế đêm tại TPHCM và bất kỳ địa phương nào khác, các ý kiến đưa ra chủ yếu phân tích về hiệu quả thương mại, doanh thu. Thậm chí có người cho rằng, hiệu quả của kinh tế ban đêm sẽ không thua kém kinh tế ban ngày.
Chúng ta cần hiểu, đề án phát triển kinh tế đêm chúng ta đang nói tới thực chất là kinh tế dịch vụ chứ không phải kinh tế sản xuất. Lợi ích của kinh tế đêm không thể bàn cãi, nhưng cái gì quá lạm dụng cũng thành không tốt.
Tôi cho rằng, kinh tế ban đêm của TPHCM sẽ thu hút phần lớn người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và đi làm. Kinh tế ban đêm không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều đổ ra đường, nhưng thành phần hưởng thụ các dịch vụ sẽ có đầy đủ gồm học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, công chức, viên chức.
Khi đó, các hoạt động ban đêm sẽ thu được nhiều lợi ích hơn về kinh tế. Thế nhưng, những tác động tiêu cực đến các hoạt động ban ngày cũng cần tính toán.
Nếu mỗi người đều ý thức được việc cần tham gia các hoạt động ban đêm ở mức điều độ thì không có gì cần bàn. Tuy nhiên, khả năng bị cuốn hút, thức đêm quá đà là điều không thể loại trừ.
Hệ quả của các trường hợp này là thời gian tái tạo sức lao động, tinh thần bị giảm sút. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, năng suất, hiệu quả công việc ban ngày.
- Vậy việc quy định khung thời gian để các hoạt động ban đêm kết thúc sớm phải chăng đã giải quyết được vấn đề?
Vấn đề không đơn giản vậy. Nếu các hoạt động kết thúc quá sớm thì việc buôn bán, giao thương cũng không đạt mục tiêu đề ra của phát triển kinh tế ban đêm.
Khung giờ tổ chức các hoạt động cần có sự nghiên cứu kỹ lượng, có thời gian thử nghiệm, đo đếm các tác động thì mới đưa ra được kết quả nghiên cứu. Từ các chỉ số kinh tế, các cơ quan mới có dữ liệu để nhận định cần thêm hay bớt thời gian cho các hoạt động kinh tế đêm.
Khi đó, người làm công tác quản lý phải chọn ra phương án có lợi ích cao nhất và tiêu cực thấp nhất. Khi chưa nghiên cứu thì không có cơ sở để chọn ra thời điểm phù hợp.
Điều quan trọng nhất là tầm nhìn, sự tỉnh táo và bình tĩnh của TPHCM. Đừng chỉ nói đến số tiền thu được, những hình ảnh đẹp đẽ, lung linh về kinh tế đêm. Những bất cập sẽ rất khó nhìn ra trước khi bắt đầu mà chỉ hiện rõ ở khâu triển khai.
Tôi nhìn nhận, chúng ta không nên tuyệt đối hóa các ưu thế của kinh tế đêm mà cần đánh giá đầy đủ về lợi ích và hệ quả, cái gì lớn hơn, cái gì nhỏ hơn, cái gì quan trọng hơn. Để làm được điều này, các cấp quản lý sẽ cần sự hỗ trợ từ giới y học, tâm lý học, xã hội học và cả ngành lao động.
Còn dư địa để phát triển mạnh hơn
- UBND quận 1 vừa trình đề án Định hướng một số giải pháp phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, gắn với mô hình 3 trục động lực và 6 cụm chức năng. Theo ông, những dự định trong bản đề án này có đủ để đánh thức kinh tế đêm tại khu vực trung tâm TPHCM?
Tôi thấy định hướng, cách thức tổ chức mới được đề cập trong bản đề án này là hợp lý. Các hoạt động được quy hoạch thành từng trục, từng cụm và mỗi nơi cũng chọn một chủ đề khác nhau.
Điều này tạo sự đa dạng, tăng lựa chọn cho người dân, du khách tham gia hoạt động kinh tế đêm. Các khu vực cũng ở gần nhau, có sự kết nối và tạo thuận tiện cho việc di chuyển trong khoảng thời gian 18-23h.
Điểm quan trọng để tạo sự thành công cho đề án này là ở mỗi khu vực, mỗi chủ đề sẽ có sản phẩm đặc trưng gì. Phát triển kinh tế đêm không đơn thuần chỉ kinh tế mà cần gắn với bản sắc văn hóa.
Ngoài hoạt động ăn uống, bán hàng, các không gian cần định hình những nét đẹp, lành mạnh của đô thị thông qua hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Bên cạnh không gian phục vụ giới trẻ, khu vực bờ sông, nơi yên tĩnh có thể tổ chức các quán cà phê, nơi khiêu vũ để thu hút được đối tượng trung niên trở lên.
Kinh tế đêm là một xu hướng không mới ở TPHCM và rộng hơn là cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn có thể phát triển mạnh hơn và dư địa để phát triển còn rất nhiều.
- Theo ông, các hoạt động về đêm tại TPHCM hiện tại còn những điểm gì phải khắc phục và cần lưu ý những gì cho thời gian tới?
Chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những đoạn đường đầy rác sau mỗi đêm tổ chức sự kiện, ngày lễ, Tết. Đây là bài toán đặt ra cho công tác quy hoạch, cách thức quản lý. Việc lắp đặt các thùng rác lưu động, chỉ bố trí trong khung giờ tổ chức các hoạt động kinh tế đêm, chuyển đi sau đó cũng là giải pháp có thể cân nhắc.
Ngoài ra, buổi tối dù có nhiều ánh đèn cũng không thể sáng như ban ngày. Do đó, các cơ quan cần chú trọng đến việc đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế nạn trộm cắp, để người dân, du khách cảm thấy thoải mái và an toàn.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du khách, các tuyến xe buýt, phương tiện công cộng cũng cần được bố trí.
Đối với những người bán hàng rong, tôi cho rằng nên để họ tham gia các hoạt động kinh tế đêm trên địa bàn. Các tuyến phố có cửa hàng ăn uống cố định, người bán hàng rong là những cửa hàng lưu động, tạo sự linh hoạt.
Họ hiểu được nhu cầu của du khách một cách tự nhiên, biết khu vực này khách hàng thường mua gì và khu vực khác khách hàng muốn gì. Có thể nói, họ tinh ý và nhạy bén trong kinh doanh hơn nhiều so với các đối tượng khác.
Xin cảm ơn ông!