(Dân trí) - Chùa Tân Thanh có kiến trúc thuần Việt, được xây dựng bằng loại gạch đặc biệt có khắc dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Khám phá vật liệu "độc nhất vô nhị" làm nên cột mốc tâm linh nơi
biên cương Tổ quốc
Chùa Tân Thanh có kiến trúc thuần Việt, được xây dựng bằng loại gạch đặc biệt có khắc dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Cách thành phố Lạng Sơn 28 km về phía Bắc, quần thể kiến trúc chùa Tân Thanh rộng hơn 21ha được xây dựng từ năm 2015. Cổng chùa được dựng 3 gian lợp ngói mũi hài, cột gỗ lim, mái đao đầu rồng đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Toàn bộ nền chùa được lát đá trang nhã mà sạch sẽ.
Du khách vào chùa sẽ được đi qua sảnh lớn rộng hơn 2.000 m2, hai cột đá lớn đặt hai bên đường đi được khắc chữ “Từ Bi”. Cổng Tam Quan được treo quả chuông đồng nặng 536 kg. Trên cổng có tượng Phật bằng đồng. Cổng Tam Quan cũng treo 4 chuông gió cỡ lớn, tiếng chuông ngày ngày ngân nga nơi địa đầu Tổ quốc.
Sau cổng Tam quan là hai hàng tượng mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích ca; mỗi vị là tiêu biểu cho các đức tính và đạo hành từ bi của Phật. Tượng được điêu khắc bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, được chạm khắc sống động.
Bên trái và bên phải chùa là hai tòa Điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Hai điện thờ có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt. “Đức Thánh Trần giúp trấn thủ biên cương, bảo vệ Tổ quốc còn Thánh Mẫu Liễu Hạnh giúp người dân luôn nhớ về cội nguồn của dân tộc. Với nét kiến trúc đặc sắc, thuần Việt, hài hòa với cảnh quan tổng thể càng làm cho chùa Tân Thanh thêm bề thế, uy nghi”, sư thầy Thích Bảng Trung chia sẻ.
Điều đặc biệt ở chùa Tân Thanh là mỗi viên gạch xây chùa đều được khắc hàng chữ in hoa: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Phật lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh”. Đây là cột mốc văn hóa, tâm linh của người dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Chỉ cách biên giới Trung Quốc 300m, du khách đứng ở chùa Tân Thanh có thể nhìn sang được bên kia biên giới. Ngôi chùa này dù mới được xây dựng nhưng đã là nơi danh thắng, được nhiều du khách trong ngoài nước tìm đến tham quan, vãn cảnh.