PhotoStory

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài, nhiều hồ đập thủy lợi tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giảm mạnh nguồn nước, có hồ đã trơ đáy.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 1

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, cực đoan. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo mùa khô năm 2024, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, những đợt nắng nóng kéo dài liên tiếp khiến mực nước ở nhiều hồ chứa giảm mạnh.

Theo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến đầu tháng 7, dung tích nước còn lại theo thiết kế của hồ Thọ Sơn (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) là 41%, bảo đảm kế hoạch phục vụ sản xuất đề ra. Đây là 1 trong 8 hồ thủy lợi lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 2

Tại một nhánh đầu nguồn của hồ Thọ Sơn, sát Tỉnh lộ 16, người dân đào một số hố sâu để dự trữ, lắp máy bơm lấy nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 3

Một hồ thủy lợi trọng điểm khác của Thừa Thiên Huế đang giảm mạnh nguồn nước là hồ Truồi (trên thượng nguồn sông Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc). Dung tích nước còn lại theo thiết kế của hồ này là 57%.

Công trình hồ Truồi xây dựng năm 1996, có diện tích lưu vực là 65km2, có nhiệm vụ tưới hơn 8.200ha sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy, đồng thời cung cấp nước phục vụ hoạt động cụm công nghiệp La Sơn (huyện Phú Lộc).

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 4

Mực nước giảm sâu xuống đáy lòng hồ Truồi.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 5

Hồ Phú Bài 2 (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có dung tích thiết kế hơn 6 triệu m3, nhưng mực nước hiện chỉ còn khoảng 40%.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 6

Hồ Sơn Thọ (hay hồ Khe Rưng, thôn Sơn Thọ, xã Hương Thọ, thành phố Huế), nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 100ha lúa, hoa màu của nông dân ở Hương Thọ, hiện nay gần như cạn trơ đáy.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 7

Hiện tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 55 hồ, đập thủy lợi, trong đó có 36 hồ nhỏ (dung tích dưới 500.000m3) do các địa phương quản lý, còn lại 15 hồ lớn thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh.

Dung tích hữu ích hiện tại của 15 hồ lớn là 50,13 triệu m3, trong đó chỉ có 6 hồ: Truồi, Thủy Yên, Hòa Mỹ, Nam Giản, Châu Sơn, Năm Lăng, đạt 50-98% dung tích theo thiết kế.

Các hồ khác, dung tích nước chỉ còn dưới 50%, đặc biệt nhiều hồ ở mức rất thấp, như: hồ Khe Ngang (11%), Tà Rình (9%), Ông Môi (19%), A Lá (34%),...

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 8

Theo số liệu thống kê, vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy gần 28.000ha lúa, trong đó Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phục vụ hơn 19.000ha (gần 3.000ha tưới trực tiếp từ hồ đập).

Ứng với mực nước trong các hồ đầu vụ hè thu 2024 cao nhất mà công ty đã  hợp đồng, diện tích có khả năng thiếu nước cuối vụ ước khoảng 800ha: tập trung các vùng Nam Đông, A Lưới, vùng gò đồi, vùng cát ven biển một số huyện.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 9

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu vụ hè thu, đơn vị lên phương án chủ động phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo chủ động nguồn nước tưới, ổn định sản xuất.

Hàng loạt hồ thủy lợi ở Thừa Thiên Huế cạn nước, trơ đáy - 10

Cơ quan quản lý, khai thác thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và chủ động trong việc phòng, chống hạn, thực hiện nghiêm túc lịch cấp nước để giảm nhẹ thiệt hại; tận dụng tối đa nguồn nước từ các suối, khe, lạch.