1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bãi rác trọng điểm gần 86 tỷ đồng chưa xong đã sạt trượt

Vi Thảo

(Dân trí) - Sau 6 năm khởi công xây dựng, đến nay dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa hoàn thành.

Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh, bao gồm xã Hương Bình, thị xã Hương Trà. Dự án có diện tích khoảng 20ha với tổng mức đầu tư gần 86 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn.

Đến năm 2018, dự án chính thức được khởi công xây dựng, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh) làm chủ đầu tư.

Bãi rác trọng điểm gần 86 tỷ đồng chưa xong đã sạt trượt - 1
Toàn cảnh dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Mục tiêu của dự án là giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và một phần thành phố Huế, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững và phục hồi sinh thái.

Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành từ quý IV/2022, và sau đó được gia hạn đến 31/12/2023, với công suất xử lý 150 tấn rác/ngày đêm.

Sau 6 năm khởi công, dự án mới hoàn thành khoảng 80% khối lượng các hạng mục. Ghi nhận của phóng viên, hiện công trường không có người thi công, nhiều hạng mục như hố chôn lấp rác, hồ điều hòa, tháp nước, nhà điều hành... được thi công dang dở và bị "đắp chiếu".

Do nhiều lần thực hiện chậm tiến độ và không tập trung thi công, 2 đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh đã bị chủ đầu tư xử phạt 2 lần với tổng số tiền hơn 509 triệu đồng.

Bãi rác trọng điểm gần 86 tỷ đồng chưa xong đã sạt trượt - 2
Nhiều hạng mục thi công dang dở rồi "đắp chiếu", không bóng người thi công (Ảnh: Vi Thảo).

Hiện tại, công trình xuất hiện tình trạng sạt trượt, bồi lấp trên các tuyến giao thông nội bộ và taluy các hồ. Đặc biệt, khu vực hồ điều hòa và hồ chỉ thị sinh học bị sạt lở taluy, xuất hiện dòng chảy ngầm làm khối lượng đất tràn xuống, lấp lòng hồ.

Đại diện chủ đầu tư cho rằng hiện tượng sạt lở, lún sụt, trôi đất là do ảnh hưởng của các đợt mưa bão hằng năm, làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ của công trình.

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, vật liệu đắp đất được tận dụng hoàn toàn tại chỗ, tuy nhiên vật liệu một số khu vực có tính kết dính kém, nên nền đường và mái taluy dễ bị sạt trượt.

Để kịp thời xử lý và đảm bảo ổn định công trình, chủ đầu tư sẽ tổ chức xử lý cục bộ một số vị trí sạt lở, cũng như các vị trí có nguy cơ mất ổn định trong quá trình vận hành khai thác công trình.

Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công bổ sung lớp đá hộc kết hợp lớp vải địa kỹ thuật trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép để bảo vệ mái taluy của các hồ; bổ sung hệ thống xử lý nước ngầm đáy hồ chỉ thị sinh học.

Bãi rác trọng điểm gần 86 tỷ đồng chưa xong đã sạt trượt - 3
Dự án chưa xong đã sạt trượt, đất bồi lấp lòng hồ (Ảnh: Vi Thảo).

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng bổ sung gia cố một số vị trí cục bộ để đảm bảo ổn định kết cấu cho công trình trong mùa mưa bão.

Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị UBND tỉnh này cho phép điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công để hoàn thành công trình và quyết toán dự án. Việc điều chỉnh này không thay đổi công năng sử dụng và quy hoạch dự án được duyệt.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ đề ra. Tỉnh này đang xem xét để chấm dứt hợp đồng và chuyển sang nhà thầu khác để tiếp tục triển khai, hoàn thành dự án trong thời gian tới.