1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Hàng loạt mỏ khoáng sản tại Thừa Thiên Huế dính vi phạm

Vi Thảo

(Dân trí) - Trong giai đoạn 2017-2022, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp có nhiều vi phạm cần khắc phục.

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố kết luận thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác đối với 28 mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo kết luận thanh tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các đơn vị khai thác khoáng sản có những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp giấy phép khai thác, hoạt động khai thác, thực hiện các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, đóng cửa mỏ, chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Hàng loạt mỏ khoáng sản tại Thừa Thiên Huế dính vi phạm - 1

Nhiều mỏ đất tại Thừa Thiên Huế có những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp giấy phép khai thác, hoạt động khai thác (Ảnh: Vi Thảo).

Có nhiều mỏ đất được cấp giấy phép khai thác không thông qua đấu giá theo quy hoạch khoanh định nhưng giấy phép không giới hạn các công trình được phép cung cấp vật liệu đất san lấp.

Nhiều mỏ đất được cấp giấy phép khai thác không có phụ lục đính kèm; thời hạn khai thác phục vụ dự án lớn hơn thời hạn cho phép thực hiện tại giấy chứng nhận đầu tư; giấy phép khai thác chưa đúng mẫu quy định, chưa bảo đảm về thời gian, đơn vị được cấp phép gia hạn chưa thực hiện thủ tục thuê đất và nghĩa vụ liên quan; trữ lượng cho phép không trùng với trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác.

Có mỏ, chủ đầu tư chưa thực hiện việc nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chậm so với quy định.

Kết quả thanh tra cho thấy, có 5 mỏ được các chủ đầu tư tiến hành khai thác trước khi lập thủ tục trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng.

12 mỏ được cấp phép nhưng các đơn vị khai thác chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế.

Nhiều mỏ đã quá thời hạn đóng cửa nhưng đến thời điểm thanh tra, các đơn vị khai thác vẫn không lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.

Tại một số mỏ, trong quá trình thực hiện khai thác, các đơn vị khai thác không bố trí trạm cân, camera giám sát, trạm vệ sinh xe,..

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế không tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất đã cấp mỏ cho chủ đầu tư; không chứng minh được sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại thời điểm cho thuê.

Qua thanh tra, có 19 mỏ vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng; kê khai không đúng thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên, hệ số tính phí bảo vệ môi trường theo phương pháp khai thác lộ thiên; sản lượng khai thác lớn hơn so với giấy phép khai thác được cấp.

Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 19 quyết định thu hồi số tiền hơn 4,5 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xác định rõ trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan; tham mưu biện pháp thu hồi đất để giao địa phương quản lý đối với 6 mỏ đã hết thời hạn khai thác nhưng không thực hiện các thủ tục thuê đất.

Các đơn vị khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm kết luận thanh tra và quyết định xử lý thu hồi tiền; thực hiện việc kê khai và quyết toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; khai thác đúng theo giấy phép được cấp.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 45 khu vực được quy hoạch thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp, với diện tích hơn 834ha, trữ lượng khoảng 60 triệu m3.

Từ khi có quy hoạch đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép 38 khu vực mỏ (trong đó có 20 mỏ còn hiệu lực), tổng diện tích hơn 360ha.