DMagazine

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh

(Dân trí) - Dân trí giới thiệu đến độc giả cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về Đại tướng Lê Đức Anh - người được Tướng Vịnh coi vừa là thầy, vừa là trưởng bối trong gia đình.

Năm 1988, ngay sau sự kiện Gạc Ma, Đại tướng Lê Đức Anh đề nghị Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đang đóng ở cảng Cam Ranh "gửi một tàu chở nước ra Trường Sa" nhưng Liên Xô từ chối. 

Kể từ thời điểm đó, khái niệm độc lập tự chủ một cách thực tiễn đã hình thành trong ông, đó là độc lập về cả kinh tế và chính trị, độc lập về quốc phòng an ninh.

Điều tiếc nuối lớn nhất đời ông cho đến tận lúc ông mất là "chưa đưa được những người lính Gạc Ma" về nhà.

Dân trí giới thiệu đến độc giả cuộc trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về Đại tướng Lê Đức Anh - người được Tướng Vịnh coi vừa là thầy, vừa là trưởng bối trong gia đình. 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 1

Tô Lan Hương: Tôi từng đọc một bài báo ông viết về Đại tướng Lê Đức Anh đăng trên báo Thanh Niên sau ngày Đại tướng qua đời. Mở đầu bài báo, ông viết thế này: "Tối ngày 22/4/2019, tôi đứng cạnh giường ông để chào ông lần cuối trước khi ông về cõi vĩnh hằng. Chào ông rồi, tôi cứ dùng dằng mãi dưới sân trạm 66/ Hà Nội, nhớ lại đúng 35 năm trước, cũng tại ngôi nhà này, vào một đêm hè oi bức như này, tôi gặp ông lần đầu tiên…".

Tôi cảm nhận rằng ông không hề giấu đi sự yêu kính tuyệt đối mà ông dành cho Đại tướng trong bài báo đó. Khi đó tôi tự hỏi, Đại tướng Lê Đức Anh có vị trí như thế nào trong cuộc đời ông?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi từng kể với bạn về lần đầu tiên tôi gặp chú Sáu Nam - đó là năm 1984, khi tôi mới chỉ là Trung úy vừa tốt nghiệp ra trường, vẫn còn chưa nhìn rõ con đường tương lai của mình - đến gặp ông để xin sang chiến trường Campuchia. 

Campuchia là nơi thay đổi cuộc đời tôi, thay đổi tư duy của tôi, giúp tôi định hình nhân cách và nhìn rõ con đường mà mình phải đi và chú Sáu Nam chính là người đã trao cho tôi cơ hội đó.

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 3

Mối quan hệ của tôi với chú Sáu Nam có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu khi ông còn là Tư lệnh Mặt trận Campuchia rồi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn tôi thì mới bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường của một sĩ quan tình báo ở Campuchia, lúc đó ông thương tôi, nhưng chỉ là thương mà thôi, chứ chưa dùng.

Tình thương đó xuất phát từ tình cảm mà ông dành cho ba tôi thời họ cùng nhau lăn lộn ở chiến trường miền Nam.

Ba tôi vào Nam tháng 10/1964, còn chú Sáu Nam vào tháng 2/1964, là cấp dưới của ba. Khi tôi sang Campuchia, ông Sáu Nam dặn dò chú Ba Quốc (Thiếu tướng Tình báo Ba Quốc) cố gắng rèn giũa tôi tiến bộ.

Lúc đó tôi chỉ là một Trung úy nhỏ bé, không có lý do gì để được tiếp xúc nhiều với ông, nhưng cũng có những nhiệm vụ đơn vị tôi làm rất tốt, mà tôi có phần đóng góp trong đó. Dù phần đóng góp nhỏ bé, nhưng ông vẫn lặng lẽ quan sát và từ sự quan sát đó, ông hiểu tôi đang nỗ lực để trưởng thành và chứng minh năng lực của mình. 

Thời chú Sáu Nam làm Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch nước, thì tôi rời chiến trường Campuchia đi học ở Liên Xô rồi lại quay lại phụ trách địa bàn này và trở thành Cục phó rồi Cục trưởng Cục 12 (Tổng cục Tình báo), đó là giai đoạn ông thật sự dùng tôi.

Nhưng gần gũi nhất thì phải nói đến thời kỳ ông rời khỏi cương vị Chủ tịch nước, lui về làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó nghỉ hưu - những năm tháng đó tôi thực sự được ông yêu thương và chỉ bảo, còn tôi thì dành cho ông tình cảm của một người con, người cháu đối với trưởng bối trong nhà.

Tô Lan Hương: Lý do Đại tướng Lê Đức Anh tin dùng ông là gì và ông hiểu Đại tướng bao nhiêu?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu ai nghĩ tôi được ở gần ông Sáu Nam vì tôi là con Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thì người đó chưa hiểu ông là người như thế nào. Bởi ngay cả con cái của ông cũng không được ở gần ông hay được ông nâng đỡ trong sự nghiệp.

Ông là người khắc kỷ và bạo liệt, với nguyên tắc dùng người rất đơn giản: nếu cậu làm tốt, tôi sẽ ủng hộ cậu. Nếu cậu làm không tốt, thì ngay lập tức ra khỏi đây cho tôi. 

Việc đầu tiên tôi thực sự được phục vụ ông Sáu Nam là khi đi học ở Liên Xô về, ông giao cho chúng tôi nhiệm vụ nghiên cứu về kịch bản sụp đổ của CNXH ở Liên Xô. Xong nhiệm vụ đó, tôi quay trở lại Campuchia và phụ trách địa bàn này.

Khi đó, các lãnh đạo của tôi ở Cục 2 đều đã rút về nước, mà ông Sáu Nam thì được Bộ Chính trị phân công đặc trách địa bàn Campuchia. Đó là thời điểm ông thực sự bắt đầu tin dùng tôi, khiến nhân duyên của tôi và ông kéo dài đến nhiều năm sau này, càng về sau tôi càng quý trọng ông nhiều hơn.

Có một điều kỳ lạ là, các lãnh đạo quân đội cấp cao ngày đó ai cũng sợ ông, chỉ có tôi là không sợ. Có lần gặp ông báo cáo, mang theo một tin không vui, tôi cười xoa dịu ông: "Hôm nay chú thích nghe chuyện vui trước hay chuyện buồn trước ạ? ". Thế là ông cười. Mà ông cười tôi biết thế là ổn, nên yên tâm báo cáo. Còn hôm nào ông không cười thì "hỏng" rồi. 

Đến giờ tôi vẫn còn lưu vài trăm bút ký mà tôi ghi lại về những chỉ đạo của ông trong công việc, rất quyết liệt, rất nhất quán và vô cùng có phương pháp. Khi ông làm Chủ tịch nước, có những chuyện ông nói với tôi vốn không phải là chuyện một người ở vị trí Cục phó hay Cục trưởng được nghe.

Nếu phải nói một lý do khiến ông Sáu Nam tin dùng tôi thì có lẽ là vì ông Sáu Nam là người thích nghe lời nói thẳng và sự thật. Ông ghét lời dối trá và đặc biệt tinh tường trước những lời nói dối, mà tôi lại là người không ngại nói thẳng. 

Chuyện ông tin tôi, thương tôi, và dùng tôi thì như thế, nhưng chuyện ông "trị" tôi thì cũng nghiêm khắc không kém!

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 5

Năm 1996, tôi nhận nhiệm vụ Quyền Cục trưởng Cục 12, con đường binh nghiệp ngày càng tươi sáng, thậm chí thời điểm đó còn có người ví tôi như "con cưng của ngành tình báo". Vậy mà một hôm, tôi ra Hà Nội công tác, anh Hân Cục trưởng Cục Cán bộ báo với tôi tin dữ: "Vịnh ơi, cậu làm gì mà ông Sáu Nam gọi tôi lên lệnh cho cậu ra khỏi ngành tình báo. Ông còn bảo nếu cần thì cho ra quân luôn".  

Tôi nghe mà không thể tin nổi vào tai mình, cũng không hiểu đã mắc lỗi gì mà bị ông "trừng phạt" như thế. Tôi chỉ biết là ông đã nói chuyện đó với Đại tướng Đoàn Khuê (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó) và chuẩn bị đưa chuyện của tôi ra Thường vụ Quân ủy TW. Lúc đó, chú Đoàn Khuê nói với tôi: "Không hiểu ông Sáu Nam nghe ai đó nói gì về cháu mà ông bực lắm. Ông ấy bảo cho Nguyễn Chí Vịnh ra khỏi ngành, không dùng được nó đâu". 

Suốt thời gian việc đó xảy ra, mấy tháng trời đêm nào tôi cũng mất ngủ. Bạn phải biết rằng đó là những năm tháng tôi nhận ra mình yêu nghề tình báo tha thiết, cảm thấy mình như cá gặp nước, trong người lúc nào cũng hừng hực ngọn lửa phấn đấu, vậy mà đột nhiên mọi thứ có nguy cơ sụp đổ trước mặt, mà tôi thậm chí còn không biết sai lầm của mình là gì?

Cuối cùng, tôi tìm ra được nguyên nhân: Một bản báo cáo sai đã được gửi đến tay ông và vì một nhầm lẫn nào đó mà ông được thông tin rằng bản báo cáo đó là do tôi làm. Điều nghiêm trọng nhất là bản báo cáo đó không chỉ sai thông tin, mà còn có dấu hiệu bẻ cong sự thật vì lợi ích không trong sáng.

Biết được nguyên nhân rồi, chú Ba Quốc lập tức ra Hà Nội, đến gặp ông Sáu Nam, nói về chuyện của tôi. Bữa đó vừa gặp chú Ba Quốc, ông Sáu Nam đã nói lý do ông xử nặng tôi: "Thằng Vịnh vì lợi ích cá nhân mà làm sai. Làm tình báo mà thế này thì càng phát triển sẽ càng có hại cho đất nước".

Sau khi nghe chú Ba Quốc trình bày rằng bản báo cáo đó không phải do tôi đưa lên, ông gọi các cơ quan, đơn vị liên quan lên đối chất, kiểm tra lại thông tin. Đến tận lúc chắc chắn rằng tôi không phạm phải lỗi lầm ấy, không vi phạm điểm mấu chốt của ông, ông mới bỏ qua và gọi tôi ra Hà Nội. Được minh oan rồi thì ông lại nhìn tôi từ ái, còn dặn tôi trước khi về: "Lúc nào ra Hà Nội báo cáo thì qua đây".

Tôi kể câu chuyện đó để bạn biết rằng, dù là tôi hay bất cứ ai, có được ông Sáu Nam yêu quý và tin dùng đến mấy đi chăng nữa, nhưng nếu gian dối, nếu tha hóa về đạo đức thì sẽ bị loại khỏi đội ngũ ngay lập tức. Đừng bao giờ vọng tưởng ông sẽ bao dung hay cho ai ngoại lệ. 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 7

Ông Sáu Nam như những gì tôi biết là một người khắc kỷ và bạo liệt. Ông đã tin cái gì, đã muốn làm cái gì thì sẽ làm đến cùng, bất kể mọi sự phản đối. Ông có một nụ cười vô cùng hiền hậu, nhưng lại có cái uy khiến tất cả cấp dưới kính sợ, vì trong công việc, ông không xen lẫn tình cảm và không bao giờ thỏa hiệp với cái sai.

Thời ông làm Tư lệnh Mặt trận 719, toàn bộ lãnh đạo Cục 2 (tiền thân của Tổng cục 2 sau này) ở Campuchia, không ai không sợ ông. Có lần, cơ quan tình báo ở Campuchia mắc phải một sai sót, vậy là toàn bộ lãnh đạo của Cục 2 ở Campuchia lúc đó bao gồm Cục phó - Thiếu tướng Tư Văn, ông Vũ Chính, ông Ba Quốc và ông Ba Quang đều là Đại tá cùng đến gặp ông báo cáo và nhận thiếu sót.

Hôm đó tôi đi theo để mang tài liệu và treo bản đồ, nhờ đó mà chứng kiến 4 ông trùm tình báo - những người vào sinh ra tử trên chiến trường, không ngại đối mặt với kẻ thù, nhưng lại đùn đẩy nhau xem ông nào lên cầu thang trước. Ông Ba Quang thậm chí còn vừa đi vừa vịn cầu thang.

Cuối cùng, ông Ba Quốc nói: "Anh Tư Văn chức to nhất ở đây, anh lên trước đi". Thế là ông Tư Văn thở dài, thu hết dũng khí bước vào trình diện đầu tiên. Những ông trùm tình báo ấy đâu có phải người nhát gan, nhưng họ sợ ông Sáu Nam vì họ hiểu một điều, với ông Sáu Nam, đã làm sai là rất phiền, cực kỳ phiền.

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 9
Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 11

Tô Lan Hương: Một ví dụ về sự quyết liệt của Đại tướng Lê Đức Anh mà ông biết?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thời ông Sáu Nam làm Bộ trưởng Quốc phòng, quan điểm của ông là không để quân đội trở thành gánh nặng của đất nước. Một trong những hành động quyết liệt nhất của ông ngay trong hai năm đầu làm Bộ trưởng là cắt giảm 50% biên chế quân đội từ 1,2 triệu xuống còn 60 vạn quân.

Lúc đó dân số Việt Nam là 70 triệu dân mà có tới 1,2 triệu lính. Ông nói, không một nền kinh tế nào nuôi nổi đội quân như vậy. Vì thế trong vòng 2 năm làm Bộ trưởng, ông Sáu Nam đã cho giảm  61 vạn quân (1986-1988).  

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 13

Nếu bây giờ mà bảo giảm 1 vạn quân cũng là việc không dễ vì sẽ vấp phải sự phản đối từ nhiều nơi, nhiều cấp, chứ đừng nói là giảm đi 61 vạn vào đúng giai đoạn chiến tranh như năm đó. Người không hiểu thậm chí còn có thể nghĩ rằng ông đang cố tình "làm suy yếu" quân đội.

Thế mới biết ông Sáu Nam đã chịu những áp lực gì với quyết định ấy. Tôi không biết ông làm cách nào, nhưng ông đã thuyết phục toàn quân chấp nhận một việc mà ông biết sẽ làm một số người giảm đi tình cảm đối với mình nhưng lại có lợi cho đại cục của đất nước.

Trong hồi ký, ông kể, ông đã đưa đề nghị "giảm quân thì phải giảm tướng" trong một cuộc họp Bộ Chính trị. Ông nói, nếu giảm quân mà không giảm Tướng thì việc giảm quân không còn nhiều ý nghĩa, nên ông đề nghị "Bộ Chính trị phải ủng hộ tôi với hành động này". Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều Tướng tá trong quân đội, kể cả những người thân cận với ông, nhưng ông vẫn làm. 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 14

Có lần khi lên làm việc với Tư lệnh Quân khu II, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh chỉ thị: Rút một sư đoàn khỏi khu vực biên giới. 

Tư lệnh Quân khu lúc đó là Tướng Nguyễn Hữu An cũng từng chiến đấu với ông Sáu Nam ở miền Nam chần chừ một lát rồi đề nghị: "Nếu rút đi một sư đoàn thì đề nghị Bộ trưởng viết cho tôi một cái giấy xác nhận, có ký tên, vì việc này quá lớn, ảnh hưởng đến việc phòng thủ ở biên giới phía Bắc". Ông Sáu Nam đem giấy bút ra, viết và ký ngay, đến lúc đó mệnh lệnh mới được thực hiện. 

Ý nghĩa của việc giảm quân - ngoài việc giảm gánh nặng cho nền kinh tế - đó còn là thông điệp mạnh mẽ mà Việt Nam gửi đến Trung Quốc và các nước khác trong ASEAN rằng Việt Nam không có ý định bành trướng về quân sự. Sau động thái này, mối quan hệ ngột ngạt giữa Việt Nam - Trung Quốc mới bắt đầu tìm được lối ra. 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 16

Tô Lan Hương: Sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh có thể chia thành hai thời kỳ: Thời ông là Tướng quân đội và thời ông làm Chủ tịch nước. Ông nghĩ, Đại tướng Lê Đức Anh thành công với vai trò nào hơn?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đại tướng Lê Đức Anh là Tướng trận. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp; thời chống Mỹ ông làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam; rồi sau đó làm Tư lệnh Mặt trận 719, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Có thể nói, ông là tướng đã "thắng trăm trận" , nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất mà ông cống hiến cho đất nước không phải ở trên chiến trường. 

Công lao lớn nhất của Đại tướng Lê Đức Anh - nhưng lại được ít người nhắc đến là đem lại hòa bình cho đất nước. Ông đã làm nhiều việc trong những năm đó để rút quân ở biên giới phía Bắc, rồi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và sau đó là Mỹ. Ông từng nói, khi bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc và Mỹ là giảm đi được 90% sức ép chống đối từ bên ngoài. 

Ông là một vị Tướng luôn nghĩ đến hòa bình và là một trong những người thiết tha với hòa bình nhất mà tôi biết. Có lần ông chia sẻ với tôi về hòa bình trong định nghĩa của ông: "Cháu phải nhớ, hòa bình là hòa bình đích thực - hòa bình giữ được chủ quyền lãnh thổ, giữ được độc lập tự chủ. Đó là nền hòa bình bền vững - tạo một thế trận để không nước nào xâm hại được, cũng là hòa bình khó đạt được nhất". 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 18

Khát vọng về "nền hòa bình thực sự" của ông Sáu Nam hình thành rõ ràng vào thời kỳ ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông từng kể cho tôi nghe năm 1988, ngay sau sự kiện Gạc Ma xảy ra, ông đã đề nghị sự hỗ trợ của Liên Xô.

Lúc đó ta đã có Hiệp định về An ninh với Liên Xô và Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô thì đang đóng ở cảng Cam Ranh. Ở vị trí của mình, ông Sáu Nam hiểu Liên Xô sẽ né tránh việc va chạm với Trung Quốc, nên thay vì đề nghị Liên Xô giúp đỡ về vũ khí, ông chỉ muốn họ cử một chiếc tàu chở nước tiếp tế cho bộ đội ở Trường Sa, như một thông điệp về sự hiện diện của Liên Xô ở khu vực đó, nhưng bị từ chối.

Từ đó, khái niệm độc lập tự chủ một cách thực tiễn đã hình thành trong đầu ông, đó là độc lập về cả kinh tế và chính trị, độc lập về quốc phòng an ninh.

Thời điểm yêu cầu Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô rời khỏi Cam Ranh, ông nói với tôi: "Ngay cả một cái tàu nước Liên Xô cũng không giúp mình, thì trông cậy gì vào những việc khó hơn? Nhưng ngược lại, Liên Xô còn ở đây, với đầy đủ tàu ngầm và tên lửa đầu đạn hạt nhân, thì không bao giờ quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc hòa hoãn được". 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 20

Sau sự kiện đó, chúng ta bắt đầu cho xây dựng những nhà giàn DK, hình thành các khu kinh tế quốc phòng để bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Cũng từ đây, khái niệm bảo vệ lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ Tổ quốc đồng nghĩa với bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc gắn với phát triển đất nước đã xuất hiện, trở thành định hướng cơ bản về bảo vệ Tổ quốc cho đến tận bây giờ, với sự điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thời cuộc. 

Nên dù Đại tướng Lê Đức Anh là một vị Tướng tài, thì trong mắt tôi, giai đoạn ông thực sự "tỏa sáng" trong sự nghiệp của mình chính là khoảng thời gian 10 năm từ 1988 đến 1997. 

Tô Lan Hương: Ông nhắc đến sự kiện Gạc Ma như bước ngoặt thay đổi nhận thức của Đại tướng Lê Đức Anh về độc lập tự chủ, nhưng đó cũng là điều gây ra sự tranh cãi nhiều nhất trong cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh mỗi khi nhắc về sự kiện 64 người lính Việt Nam hy sinh năm đó…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong một Hội nghị, khi có những tranh luận về sự kiện Gạc Ma, tôi từng phát biểu: "Các anh đừng tranh cãi về chuyện bắn trước hay không bắn trước nữa. Nếu tôi là đội trưởng đội đặc công, lệnh cho lính của mình không được nổ súng mà luồn vào lòng địch tiêu diệt địch, liệu các anh có nghĩ mệnh lệnh đó là sai"? 

Câu chuyện tương tự xảy ra ở Gạc Ma, Đại tướng Lê Đức Anh chỉ đạo quân ta chiếm đảo, cứ lên cắm cờ, đào công sự, tuyên bố chủ quyền. Bản chất của mệnh lệnh đó là chiếm đảo nhưng không sử dụng vũ lực mà bằng biện pháp hòa bình.

Nếu ai hiểu hoàn cảnh đất nước ta thời điểm đó thì sẽ hiểu rằng đó là lúc chúng ta cần hòa bình hơn bao giờ hết. Khi ấy Việt Nam đang trong quá trình chật vật để đổi mới, Liên Xô thì đứng bên bờ vực của sự sụp đổ.

Một yêu cầu sống còn của Việt Nam lúc đó là không thể để chiến tranh nổ ra nữa, vì nếu tiếp tục có thêm chiến tranh, thì không dám hình dung nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt là gì. Kế sách dùng biện pháp hòa bình để giành và giữ chủ quyền xuất phát từ lý do đó.

Những người ngồi ở  thành phố lớn vừa ung dung uống trà vừa đập bàn hô hào "sao không đánh" có thể không hiểu lựa chọn đó của ông Sáu Nam, nhưng tôi tin, mọi người lính nơi đầu sóng ngọn gió và cả gia đình họ nữa cũng đều hiểu và tin điều đó.

Ông ấy đã đưa ra một chỉ đạo cần thiết và hợp lý cho toàn cục ở tầm nhìn của một người lãnh đạo đất nước chứ không chỉ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Di nguyện cuối cùng về những liệt sĩ Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh - 22

Còn nếu trong trường hợp họ tấn công mình bằng vũ khí, thì đương nhiên phải dùng vũ khí để đánh trả, đó là việc không phải bàn cãi. Không có quân đội nào phải cần đến câu "nếu nó bắn thì anh mới được bắn lại" để quyết định nổ súng hay không trong hoàn cảnh như thế. Nhưng thật ngạc nhiên là đến tận bây giờ vẫn có nhiều người hiểu sai ông và cứ day đi day lại mãi câu chuyện đó, coi nó như một "vết đen" trong sự nghiệp của ông. 

Sau sự kiện Gạc Ma, Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên ra thăm Trường Sa. Ở đó, ông đã đại diện Quân đội Việt Nam đưa ra lời thề: "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...

Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, xin hứa với đồng bảo cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".

Đại tướng Lê Đức Anh chưa bao giờ quên lời thề ấy!

Quân đội Việt Nam cũng không quên lời thề ấy!

Tô Lan Hương: Trong một cuộc trò chuyện với tôi năm 2021, ông từng kể rằng, di nguyện cuối cùng của Đại tướng Lê Đức Anh là "đưa hài cốt của những người lính Gạc Ma về nhà". Đó là điều khi còn sống, Đại tướng chưa làm được. Vậy lúc sinh thời, Đại tướng đã chia sẻ với ông những gì về tâm nguyện ấy và lý do gì khiến nó chưa thể thành hiện thực? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước khi nói về những người lính đã ngã xuống ở Gạc Ma, tôi muốn kể cho bạn câu chuyện này. Năm 1993, Quốc vương Campuchia Norodom Shihanouk có lời mời Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang thăm Campuchia.

Tôi được giao tham gia bảo vệ an toàn cho chuyến đi của ông. Mặc dù chuyến đi đã được lên kế hoạch và có sự thống nhất từ Bộ Ngoại giao hai nước, nhưng khi sang đến nơi, ông Lê Đức Anh vẫn đề nghị với Quốc vương Shihanouk cho ông thay đổi lịch trình để đến thăm Đài Liệt sĩ Việt Nam ở Campuchia.

Quốc vương Shihanouk đồng ý, nhưng chỉ băn khoăn một điều: "Đài Liệt sĩ Việt Nam chúng tôi chưa kịp xây lại".

Đáp lại lời Quốc vương Shihanouk, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói: "Tôi đưa con em Việt Nam sang đây chiến đấu giúp nhân dân Campuchia nên bây giờ dù chỉ còn một viên gạch thì tôi cũng phải đến".

Đó là chuyện của những người liệt sĩ đã nằm lại mãi mãi trên chiến trường Campuchia…

Khi tôi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, có lần chú Sáu Nam nói với tôi về trăn trở của ông với hài cốt liệt sĩ còn nằm ở Gạc Ma và cả hài cốt liệt sĩ vì nhiều lý do khác nhau mà còn nằm lại ở nước ngoài. Di nguyện của ông trước lúc mất là phải đưa bằng được họ về quê nhà…

Nhưng chuyện mà ông Sáu Nam chưa làm được, chuyện mà tôi khi còn đương chức không làm được, những thế hệ tiếp theo của Quân đội Việt Nam sẽ tiếp tục làm.

Nội dung: Tô Lan Hương

Ảnh: thuvienleducanh.vn

Thiết kế: Đỗ Hiệp           

Bài tiếp: Lời dặn của ông Sáu Nam và lựa chọn của Tướng Nguyễn Chí Vịnh về quan hệ với nước lớn

Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: "Chúng ta sẽ phải rõ ràng với nhau rằng, chúng ta muốn Trung Quốc là bạn, chứ không mong họ thành kẻ thù. Đó là điều ông Sáu Nam luôn tâm niệm. Khi còn sống, chú Sáu Nam từng dặn tôi: "Làm gì thì làm, đấu tranh ở biển Đông thì không khoan nhượng, nhưng vẫn phải cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc và làm cho họ hiểu mình".

Vậy nên 12 năm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, tôi rất nhất quán trong cách ứng xử với Trung Quốc".