DMagazine

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt

(Dân trí) - Thời điểm chống dịch tại Bình Dương, anh Lian Aldwin Penarubia, chuyên gia hồi sức tích cực người Philippines cảm thấy tự hào vì trong hoàn cảnh thiếu thốn, anh cùng các bác sĩ đã cứu rất nhiều người.

Nhớ lại khoảng thời gian chống dịch vô cùng căng thẳng tại Bình Dương, anh Lian Aldwin Penarubia, chuyên gia hồi sức tích cực người Philippines vẫn cảm thấy tự hào. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, anh cùng các bác sĩ đã cứu sống rất nhiều người.

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 1

Năm 2013, anh Lian Aldwin Penarubia đã bỏ lại công việc ổn định tại quê nhà Manila (Philippines) để đi tìm thử thách mới. Sang Việt Nam, anh Lian làm hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nặng tại một bệnh viện quốc tế.

Để có thể lắng nghe bệnh nhân và hòa nhập với môi trường mới, anh Lian đã rất tích cực học tiếng Việt. Sau một thời gian ngắn, anh đã có thể giao tiếp như người bản xứ. Cho đến nay, các bệnh nhân thậm chí không nhận ra anh Lian không phải là một người Việt. Suốt quãng thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, anh Lian cảm thấy ý nghĩa nhất là khoảng thời gian tham gia chống dịch tại Bình Dương.

Nhớ lại những ngày tháng cam go ấy, anh Lian nói: "Tại Bình Dương, công tác chống dịch vô cùng khó khăn khi trang thiết bị, dụng cụ và phụ kiện thiếu thốn trầm trọng. Nhưng tôi cùng các đồng nghiệp và đội ngũ bác sĩ đã cứu sống được vô số bệnh nhân trong phòng hồi sức".

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 3

Thời điểm đó theo anh Lian, người dân chưa được tiêm vắc xin nên rất nhiều ca trở nặng. Các ca bệnh nặng vào phòng hồi sức đều phải cạo trọc đầu để tránh bị nhiễm khuẩn do đờm dãi, dịch bám vào tóc. Khu hồi sức bệnh nhân nặng được chia đôi, một bên có 10 bệnh nhân và phòng còn lại có 20 bệnh nhân. Anh Lian và các điều dưỡng phải liên tục chăm sóc cho 30 bệnh nhân này mỗi ngày.

Công việc mỗi ngày của anh bao gồm: đánh răng, thay băng, thay bỉm, vệ sinh cơ thể, mở nội khí quản, chống loét, hút đờm và cho bệnh nhân ăn, uống thuốc… Hàng loạt công đoạn phải hoàn thành thật nhanh gọn để kịp cho bệnh nhân ăn và dùng thuốc đúng giờ.

Không thể nhớ nổi số người anh đã cứu được tại Bình Dương, nhưng ngày nào anh cùng 5 điều dưỡng khác cũng phải đối mặt với một phòng chật kín 20-30 bệnh nhân nặng. Nếu không có sự tiếp sức kịp thời của các đồng nghiệp tại Bệnh viện sản phụ sản trung ương, anh Lian và đội ngũ tại Bình Dương khó lòng chăm sóc hết lượng lớn các bệnh nhân Covid-19.

Điều dưỡng người Philippines: Tôi tự hào vì cứu được nhiều người Việt

Mỗi buổi sáng thức dậy, điều dưỡng người Philippines và các đồng nghiệp đều cố gắng ăn sáng thật no để có sức mặc lên người bảo hộ PPE suốt 12 giờ trong buồng bệnh. Đa phần anh chỉ ra ngoài thay bảo hộ để vệ sinh cá nhân xong lại mặc PPE vào buồng bệnh.

Điều dưỡng Lian phải túc trực trong buồng bệnh liên tục từ 8-12 giờ mỗi ngày. "Mỗi buổi sáng, tôi đều phải tắm, đánh răng, hút đờm, cho bệnh nhân nằm nghiêng - thay đổi tư thế để phòng loét. Sau đó, bệnh nhân phải được cho ăn đúng giờ và uống thuốc. Ngoài các công việc cơ bản, điều dưỡng còn phải phụ giúp bác sĩ đặt ống nội khí quản, kiểm soát vật tư đầy đủ. Mỗi bệnh nhân, anh Lian mất tới 1-2 tiếng đồng hồ để chăm sóc, nhưng ai cũng được ăn 5-6 bữa/ngày theo đúng các khung giờ quy định", anh Lian nói và chia sẻ, các bệnh nhân nặng chỉ nằm im. Điều dưỡng phải làm hết mọi việc từ thay bỉm, vệ sinh tại giường, đây cũng là công việc nặng nhọc nhất. 

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 5

Trực chiến với Covid-19 tại Bình Dương, anh Lian mới cảm nhận thấy sự mong manh của sự sống. Bởi theo điều dưỡng người Philippines, bệnh nhân vào tới phòng hồi sức bệnh đã rất nặng, gần như chỉ còn 50% sự sống. Tỷ lệ tỷ vong theo anh Lian có thể lên tới 50-80%.

Dù đã nỗ lực hết mình để giành giật sự sống cho người bệnh, nhưng anh Lian đã gặp không ít trường hợp tử vong đáng tiếc. Cho đến giờ, anh Lian vẫn không quên được một sản phụ tại Bình Dương. Người phụ nữ này do được chuyển tới viện quá muộn nên không thể cứu chữa. "Nếu may mắn như một sản phụ tôi đã từng chăm sóc, cô ấy cũng có thể về với gia đình. Tuy nhiên, với các sản phụ bị Covid-19 nặng, dùng thuốc và kháng sinh nhiều sẽ phải bỏ thai. Tôi cũng đã giải thích và động viên họ rất nhiều để vượt qua", điều dưỡng Lian kể.

Cũng vì thế, có những ngày anh Lian và người đồng nghiệp thân thiết tên Tiến đã cố gắng trực chiến tại phòng hồi sức từ sáng sớm tới 5h chiều. "Tôi và Tiến không ăn, không ra khỏi phòng hồi sức đi vệ sinh tới tận lúc giao ca. Vì tôi biết, 10 bệnh nhân nằm đó chỉ có 2 điều dưỡng chăm sóc. Họ có thể sẽ tử vong bất cứ lúc nào nếu chúng tôi bỏ vị trí", anh Lian nói và giải thích, ra khỏi phòng hồi sức, anh sẽ phải tắm rửa kỹ và thay quần áo bảo hộ. Mất quá nhiều thời gian cho các công việc đó sẽ đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 7

Trải qua nhiều lần bùng dịch tại Việt Nam, anh Lian luôn ghi nhớ khoảnh khắc khi người bệnh Covid-19 vượt qua được hiểm nguy. Theo đó, khi rút ống nội khí quản, người bệnh đều hỏi nhỏ anh Lian rằng: "Tôi có thể gọi cho gia đình không?".

Lúc đó, anh Lian nhận ra, khao khát và động lực sống của bệnh nhân Covid-19 chính là hình ảnh gia đình. Song, niềm hạnh phúc khi được sống để gọi một cuộc điện thoại cho người thân trái ngược với cuộc điện thoại trước khi đặt ống nội khí quản.

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 9

Bởi vậy, mỗi khi có người bệnh ra đi vì Covid-19, điều dưỡng Lian và các đồng nghiệp đều tự tay lau sạch thân thể bệnh nhân trước khi gói xác lại. Điều dưỡng Lian muốn làm những việc này thật tỉ mỉ và sạch sẽ như tặng cho bệnh nhân món quà cuối cùng trước khi về với gia đình.

Những ngày phải làm công việc đó, anh Lian đều cảm thấy rất buồn. Nhưng chính nó cũng thôi thúc anh phải cố gắng hơn để không ai phải ra đi vì Covid-19. "Tôi lấy động lực từ những cuộc gọi của người thân bệnh nhân. Những lời cảm ơn, động viên của người nhà người bệnh đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi làm việc mỗi ngày. Tôi tự hào vì cứu được nhiều người Việt Nam", anh Lian nói.

Hiện tại, anh Lian Aldwin Penarubia vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm quản lý điều dưỡng ICU tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hoàng Mai (Hà Nội). Anh Lian đang truyền lại kinh nghiệm của bản thân cho các điều dưỡng từ khắp các cơ sở y tế trên cả nước. Những kinh nghiệm quý báu của anh sẽ giúp cho đội ngũ y tế ở các tỉnh có khả năng thích nghi nếu như dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, điều dưỡng trưởng Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Lian là người rất hiền lành, nhiệt tình, tốt tính; rất hăng say trong công tác chăm sóc người bệnh. "Đặc biệt, Lian luôn tận tình hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho các điều dưỡng mới. Lian còn có kế hoạch dạy tiếng Anh miễn phí cho các điều dưỡng ở bệnh viện hàng tuần", bà Phương chia sẻ.

Chàng trai Philippines và tháng ngày cam go giữ sự sống nhiều người Việt - 11

Nội dung: Thế Hưng

Thiết kế: Khương Hiền