1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc căng mình đối phó đợt dịch Covid-19 mới

Lê Kiên

(Dân trí) - Trước làn sóng lan rộng mạnh mẽ của biến chủng Omicron, giới chức Trung Quốc đã quyết định tăng cường xét nghiệm và phong tỏa, trong đó có việc phong tỏa 2 thành phố lớn Thâm Quyến và Cát Lâm.

Trung Quốc căng mình đối phó đợt dịch Covid-19 mới - 1

Xét nghiệm Covid-19 tại Trung Quốc (Ảnh: CNS).

Theo Asia Times, ngày 13/3, Trung Quốc đã phong tỏa hai thành phố lớn là thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông và Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm sau khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều ở các khu vực khác nhau.

Tổng cộng có 3.122 trường hợp nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại 19 tỉnh thành ở Trung Quốc, trong đó bao gồm 2.156 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm. Ít nhất 26 quan chức ở các tỉnh Quảng Đông, Cát Lâm và Sơn Đông đã bị cách chức vì không ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh trong vài tuần qua.

Việc phong tỏa toàn thành phố đã gây tranh cãi do tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm. Một số người già và phụ nữ mang thai không thể nhập viện vì không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc khuyến cáo các thành phố lớn nước này nên duy trì chính sách "Không Covid", nhưng tránh để tình trạng ngừng hoạt động kéo dài vì biến thể Omicron ít gây chết người hơn các chủng trước đó. Các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc nên cân bằng giữa kiểm soát virus và tăng trưởng kinh tế.

Biến thể Omicron đang lan rộng khó kiểm soát

Khi biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm 2021 và rất dễ lây lan, hầu hết các tỉnh và thành phố của Trung Quốc vẫn có thể đạt được mục tiêu không lây nhiễm, ngoại trừ các tỉnh Tây An, Thiên Tân và Hà Nam.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca Covid-19 được ghi nhận tăng mạnh tại nhiều nơi ở Trung Quốc.

Ngày 9/3, tỉnh Cát Lâm ghi nhận 344 trường hợp nhiễm bệnh, hầu hết các ca nhiễm được xác định tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Cát Lâm. Sinh viên trong trường đã kêu gọi sự giúp đỡ trên mạng xã hội vì họ không thể rời khỏi khuôn viên nhà trường và không có đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm sinh hoạt.

Đến ngày 11/3, tỉnh Cát Lâm ghi nhận 1.100 trường hợp lây nhiễm mới, 64% trong số đó không có triệu chứng. Cùng ngày, chính quyền tỉnh Cát Lâm tuyên bố phong tỏa thành phố Trường Xuân để ngăn chặn dịch lây lan.

Còn tại thành phố Thâm Quyến, 66 ca Covid-19 được ghi nhận vào ngày 13/3. Cùng ngày, thành phố đã thông báo phong tỏa toàn trong thời gian dài 7 ngày. Đại diện chính quyền Thâm Quyến cho biết, đợt bùng phát dịch ở các quận Phúc Điền, Nam Sơn, La Hồ và Long Cương có thể bắt nguồn từ một số trường hợp nhập cảnh từ Hong Kong vào giữa tháng Hai vừa qua.

Một quan chức chính quyền ở Thâm Quyến cho, số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng và đã xuất hiện nhiều cụm quy mô nhỏ ở các làng và nhà máy đô thị. Điều này cho thấy nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao và vẫn cần phải có các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn nữa.

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh Covid-19. Thượng Hải những ngày qua cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Ngày 11/3, khoảng 49.000 người cách ly và bắt buộc phải trải qua các đợt xét nghiệm.

Ngày 28/2, truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn lời của Zeng Guang, một thành viên của hội đồng chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết Trung Quốc sẽ sớm công bố lộ trình cho chiến lược "sống chung với virus" theo kiểu Trung Quốc.

Một chuyên gia Trung Quốc cho biết, điều quan trọng là phải ngăn chặn sự lây lan tại các địa phương, nhưng điều này không có nghĩa là Trung Quốc chỉ áp dụng phong tỏa và xét nghiệm sàng lọc. Nhiệm vụ cấp bách nhất đối với Trung Quốc lúc này là tiêm phòng cho người cao tuổi, tìm nguồn cung cấp thuốc điều trị Covid-19 và bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, cải thiện hệ thống phân loại trong bệnh viện.

Theo Asia Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm