Biến đồng hoang thành đầm sen triệu bông, anh nông dân kiếm tiền tỷ
(Dân trí) - Sau 4 năm vất vả, anh Lã Quang Khanh đã biến cánh đồng hoang thành đầm sen rộng hơn 50ha, mỗi mùa thu hoạch được 1 triệu bông, lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Đầm sen rộng hơn 50ha của vợ chồng anh Lã Quang Khanh tại thôn Liễu Trì và Hạ Lôi (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đang vào chính vụ, mỗi ngày thu nhập hàng chục nghìn bông.
17h30 chiều 15/6, nam công nhân Tráng A Son (31 tuổi, quê huyện Mường Khương, Lào Cai) kéo chiếc thuyền vào gần bờ, chuẩn bị cho việc hái hoa sen để giao cho khách.
"Hái hoa lúc sáng sớm để ướp trà và lấy đài ngâm rượu còn hái buổi chiều bán cho các thương lái đưa về nội thành tiêu thụ", anh Lã Quang Khanh nói.
Anh Khanh cho biết, những bông sen đầu tiên được hái vào ngày 19/5 và bông cuối cùng thường là ngày 2/9. Hiện sen đang vào chính vụ nên mỗi ngày có khoảng 30 công nhân làm việc từ tờ mờ sáng đến tối mịt.
Để có được đầm sen như hiện tại, từ năm 2015-2016, anh Khanh phải nhờ trưởng thôn thông báo cho các hộ dân có ruộng ở cánh đồng hoang của thôn Liễu Trì và Hạ Lôi (xã Đại Thịnh) ra hội trường họp để đàm phán mức cho thuê lại.
Lúc đầu, chỉ có khoảng 200 hộ đồng ý với tổng diện tích hơn 20ha. Năm 2017, anh Khanh bắt đầu trồng vụ sen đầu tiên nhưng thất bại, thua lỗ hơn 300 triệu. Sau đó, anh đi tìm hiểu, học hỏi việc trồng sen ở khắp các tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Tây Hồ (Hà Nội)...
"Năm 2018, tôi chọn giống sen Tây Hồ về trồng thử thì thấy chúng hợp với thổ nhưỡng, phát triển xanh tốt, hoa đẹp, đạt yêu cầu nên quyết định mua giống về trồng số lượng lớn", anh Khanh kể.
Sau đó, anh tiếp tục đàm phán với các hộ dân có ruộng bỏ hoang và thuê được tổng diện tích hơn 50ha như hiện nay để trồng sen.
Những ngày này, cánh đồng sen của anh Khanh thu hoạch từ 20.000-25.000 bông. Vụ sen năm nay đạt khoảng 1 triệu bông, giá trung bình 2.500 đồng/bông.
"Năm nay thời tiết ủng hộ nên sen được mùa, nở đẹp, trừ chi phí nhân công, phân bón vợ chồng tôi thu về hàng tỷ đồng", anh phấn khởi chia sẻ.
Ngoài việc cung cấp sen ra thị trường, vợ chồng anh Khanh còn sử dụng để ướp trà. Anh ước tính, vụ sen năm nay gia đình ướp khoảng 5 tấn chè hoa sen.
Sau hơn 5 năm gắn bó với hoa sen, anh Khanh đã có thêm nhiều khách hàng quen thuộc, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm chè hoa sen được phân phối khắp các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí xuất khẩu đi nước ngoài.
Ngoài hoa sen dùng để trang trí, ướp chè thì phần đài sen cũng được dùng ngâm rượu.
Anh Khanh chia sẻ, buổi sáng từ 4h30-7h gần 10 công nhân sẽ hái sen Bách Diệp hồng Tây Hồ để ướp chè.
Sau khi hái xong, các nghệ nhân sẽ thả khoảng 20gam chè vào từng bông sen rồi gói lại bằng lạt.
Từ 7h-9h phải buộc xong hoa sen ướp chè, cắm vào trong nước, nuôi chúng qua đêm, sớm hôm sau mới cắt rời cuống ra, hút chân không, cho vào cấp đông bảo quản.
"Chè Tân Cương của Thái Nguyên là hợp nhất để ướp sen, mỗi kg chè cần khoảng 50 bông sen. Mỗi bông chè hoa sen nếu bảo quản đúng cách có thể để được 1-2 năm", anh Khanh nói.
Hiện đầm sen của gia đình anh Khanh trồng 3 loại sen chính là Bách Diệp hồng (chuyên dùng để ướp chè), Bạch Liên trắng và Quan Âm trắng (dùng để cắm trang trí).
Ngoài bán hoa và trà, anh Khanh còn mở cửa đầm sen đón khách tham quan, thu phí 30.000 đồng/người.
Tổng các nguồn thu, trung bình mỗi năm, đầm sen mang về cho gia đình anh Khanh hàng tỷ đồng lợi nhuận.